Các phương tiện truyền thông của Trung Quốc tuy không đăng tải nội dung chi tiết nhưng đã nêu bật tính khẩn cấp xuyên suốt bản đề cương này. Theo đó, chiến lược mới cảnh báo về những mối nguy hiểm "khó có thể dự báo trước" và "từ trước đến nay chưa từng xuất hiện" mà Trung Quốc đang phải đối mặt cả ở trong và ngoài nước. Theo hãng tin "Tân Hoa Xã", để ứng phó với những thách thức này, "an ninh quốc gia phải được đặt dưới sự lãnh đạo hiệu quả và thống nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc". 

Mặc dù bản tóm tắt chính thức của "Tân Hoa Xã" về đề cương không đưa ra những thông tin cụ thể nhưng nó cũng hé mở về những mối lo ngại lớn nhất đối với Trung Quốc trong giai đoạn hiện nay. Đó là: tình hình quốc tế biến động khôn lường; nền kinh tế xã hội trong nước thay đổi sâu sắc; cải cách bước vào giai đoạn quyết định; mâu thuẫn xã hội ngày một tăng cao. Đáng chú ý là phần lớn những mối lo ngại này đều xuất phát từ những vấn đề trong nước, điều đó cho thấy các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc lâu nay luôn cho rằng những vấn đề nội bộ là thách thức lớn nhất đối với sự phát triển của nước này. 

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là Trung Quốc xem nhẹ công tác đối ngoại. CPC khẳng định cùng với việc tích cực bảo vệ lợi ích quốc gia, Trung Quốc sẽ nỗ lực đóng góp cho sự thịnh vượng chung của các nước khác trên thế giới. Theo đó, Trung Quốc sẽ tiếp tục tập trung vào 3 mục tiêu lớn: quan hệ ngoại giao nước lớn, môi trường an ninh xung quanh Trung Quốc, và hợp tác với các nước đang phát triển. CPC cũng cam kết rằng Bắc Kinh sẽ "tích cực tham gia vào việc giải quyết các vấn đề khu vực và toàn cầu", sự tiếp nối chính sách đối ngoại năm 2014 - với việc Trung Quốc liên tiếp chủ trì các kỳ Hội nghị Thượng đỉnh APEC, CICA và khối BRICS. 

Bản tóm tắt của "Tân Hoa Xã" không đề cập cụ thể đến bất cứ thách thức an ninh phi truyền thống nào mà Trung Quốc đang phải đối mặt. Trên thực tế, Chính phủ Trung Quốc ngày càng chú ý tới những vấn đề an ninh phi truyền thống, từ tấn công mạng máy tính cho tới chủ nghĩa khủng bố. Các biện pháp giải quyết những vẫn đề này, dù được đề cập công khai hay không, vẫn sẽ là một bộ phận cấu thành quan trọng trong chiến lược an ninh quốc gia chung của Trung Quốc. Bên cạnh đó, Trung Quốc sẽ tiếp tục cải tiến cung cách hoạt động quan liêu trong bộ máy an ninh quốc gia. 

Sau khi lên nắm quyền lãnh đạo đất nước, ông Tập Cận Bình đã nhanh chóng thâu tóm quyền điều hành công tác an ninh quốc gia. Tháng 11/2013, tại Hội nghị Trung ương 3 khoá 18, Trung Quốc tuyên bố thành lập Uỷ ban An ninh quốc gia (NSC) mới đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của ông Tập Cận Bình. NSC tập trung các đầu mối quản lý hệ thống an ninh quốc gia cả ở lĩnh vực đối nội và đối ngoại vào một tổ chức. 

Trong thời gian tới, CPC sẽ tiếp tục cải tổ bộ máy an ninh quốc gia. Tại cuộc họp ngày 23/1, CPC khẳng định Trung Quốc phải "giữ vững thể chế quản lý công tác an ninh quốc gia tập trung thống nhất, có hiệu quả và uy tín cao". Về quan điểm của Đảng Cộng sản Trung Quốc, theo Lã Ninh Tứ - Tổng Biên tập kênh truyền hình Phượng Hoàng, Hồng Kông - sẽ là: "xây dựng lực lượng bảo vệ an ninh quốc gia chuyên nghiệp và có trình độ cao". Ông Tập Cận Bình luôn mong muốn trực tiếp điều hành hệ thống an chính trị, an ninh kinh tế và an ninh nội địa của Trung Quốc, và đây là sự khác biệt rất lớn so với những người tiền nhiệm.

Bài viết của tác giả Shannon Tiezzi đăng trên tạp chí The Diplomat (Nhật Bản)

Thuỳ Anh (gt)