us-china-relations(1).jpg

Việc xây dựng các đảo ở Biển Đông trở thành tiêu điểm của các cuộc tranh chấp ở Tây Thái Bình Dương. Vùng biển rộng lớn này căng thẳng không chỉ do bất đồng giữa các nước yêu sách chủ quyền, mà ngày càng phức tạp do liên quan tới lợi ích của các quốc gia ngoài khu vực. Hoạt động xây dựng các đảo nhân tạo là biểu hiện bề ngoài, vấn đề thực sự là tình tiết mới trong cuộc tranh giành giữa Trung Quốc và Mỹ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương khiến động thái này trở thành công cụ tranh giành giữa các nước lớn, gây tổn hại cho các nước nhỏ.

Dư luận quan tâm tới lập trường về vấn đề Biển Đông trong tuyên bố chung của Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN và các hội nghị liên quan mới diễn ra ở Malaysia hồi đầu tháng 8. Trên thực tế, các hội nghị quốc tế có liên quan đã đạt được “nhận thức chung” về vấn đề này: từ Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đến Đối thoại Shangri-la và hàng loạt hội nghị thượng đỉnh có liên quan được tổ chức mà trọng tâm là khối ASEAN.

Quan điểm về vấn đề Biển Đông của các nước thành viên khối ASEAN ngày càng phù hợp với lập trường của Mỹ và Nhật Bản, đương nhiên cũng ngày càng nhằm vào Trung Quốc một cách rõ nét hơn, đồng thời coi nước này là một sự uy hiếp ở Biển Đông. Lập trường của Mỹ là giữ gìn an ninh ở Biển Đông, trong khi Nhật Bản móc nối các vấn đề lại với nhau như quan hệ đồng minh Mỹ-Nhật, tranh chấp chủ quyền trên biển Hoa Đông giữa Trung Quốc và Nhật Bản cùng với vấn đề Biển Đông nhằm hình thành liên minh chống Trung Quốc mạnh mẽ hơn ở khu vực Tây Thái Bình Dương. Các quốc gia Đông Nam Á, những nước có liên quan tới chủ quyền các hòn đảo ở Biển Đông, lại đang tận dụng thế lực chiến lược lớn là Mỹ, Nhật Bản để giành lấy quyền chủ động hơn trong cuộc tranh giành với Trung Quốc.

Quan hệ quốc tế là như vậy, bất kỳ nước nào lấy lợi ích cốt lõi của quốc gia làm tiêu chuẩn cơ bản, hoặc liên minh với quốc gia khác, hoặc lựa chọn liên minh và đối kháng với nước khác, thì mục đích cuối cùng của họ là mở rộng tối đa lợi ích quốc gia. Cái gọi là chính nghĩa, trong thực tế quan hệ quốc tế luôn không có căn cứ, lợi ích mới là mục đích cuối cùng trong cuộc tranh giành của các bên. Còn về việc lợi ích rốt cuộc được xác định như thế nào thì đây là một quá trình phức tạp. Kết quả có thể là các bên đều thua thiệt trong “cuộc chơi được mất ngang nhau”. Đây là điều mà các bên đều không mong muốn gặp phải. Nhưng cũng có thể kết quả là lợi ích được cân bằng - thông qua đàm phán và hiệp thương để đạt được phương án phân chia lợi ích, nhưng cũng có thể là bỏ mặc tất cả. Bởi vì nhu cầu lợi ích của các bên liên quan không giống nhau, cho dù cùng là đồng minh với nhau nhưng mỗi bên đều có tư lợi riêng, đặc biệt là bên có sức mạnh chiến lược nhất, nếu đạt được nhận thức chung về lợi ích quan trọng hơn ở các lĩnh vực mà bất đồng đối với phía đối phương thì cái gọi là “đạo nghĩa” của phía đồng minh cũng không cần nhắc đến.

Lấy vấn đề này để đánh giá về xung đột của các bên ở Biển Đông sẽ nhìn ra thực chất của tình trạng địa chính trị lộn xộn ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Mấu chốt của cục diện hỗn loạn ở khu vực là xu thế sức mạnh chiến lược của Mỹ đang sụt giảm, nên khi đối mặt với sự trỗi dậy ở Trung Quốc ở bờ biển phía Tây Thái Bình Dương, Mỹ vấp phải cảm giác khủng hoảng thực sự. Cái gọi là quay trở lại châu Á hay thực hiện tái cân bằng chiến lược châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ là do cảm giác uy hiếp/đe dọa từ phía Trung Quốc. Trong lôgích chiến lược của Chính quyền Obama, nếu giành được quyền lãnh đạo ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương thì Mỹ còn có thể lãnh đạo thế giới “một thế kỷ nữa” (theo lời của Tổng thống Obama). Điều quan trọng hơn là cho dù ở Trung Đông hay châu Âu, lợi ích chiến lược truyền thống của Mỹ luôn vấp phải thách thức chưa từng có. Nếu Mỹ lơ là châu Á-Thái Bình Dương, chiến lược toàn cầu của nước này có thể gặp nhiều lúng túng. Tuy nhiên, nếu Mỹ ổn định được trận tuyến chiến lược ở châu Á-Thái Bình Dương thì cho dù mất đi lợi ích chiến lược ở Trung Đông, Mỹ vẫn có thể giành lại được. Dẫu sao, sức ảnh hưởng của Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đối với khu vực Đông Nam Á đang ngày càng gia tăng.

Vì thế, trước khi Mỹ quay trở lại châu Á, tranh chấp chủ quyền quần đảo Điếu Ngư/Senkaku giữa Trung Quốc và Nhật Bản bị gác lại, tiến trình nhất thể hóa ba nước Trung-Nhật-Hàn diễn ra thuận lợi, ba nước này đã đưa vào chương trình nghị sự nội dung thành lập khu vực đồng tiền chung Đông Á. Do vậy, cục diện hỗn loạn trong quan hệ giữa ba nước Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc bị một số giới truyền thông diễn giải thành Mỹ cố ý phá rối hợp tác của ba nước Đông Bắc Á.

Cũng như vậy, tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông cũng ở trạng thái trời yên biển lặng. Các quốc gia như Philippines, Việt Nam… đã quản lý và cải tạo nhiều hòn đảo trong thời kỳ yên ổn này, và khai thác tài nguyên dầu khí. Tuy nhiên, do không có sự can dự mạnh mẽ của bên thứ ba, tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc và các nước láng giềng liên quan là rủi ro có thể kiểm soát. Nói một cách đơn giản, mặc dù tàu thuyền của hai nước Trung Quốc và Mỹ xảy ra đối đầu ở khu vực Biển Đông, thậm chí phi công của Trung Quốc đã bị rơi xuống biển, trong khi máy bay trinh sát Mỹ buộc phải hạ cánh xuống một sân bay ở Trung Quốc trong vụ đụng độ giữa máy bay chiến đấu J-8 của Trung Quốc và máy bay do thám EP-3 của Mỹ năm 2001, song đối đầu Trung-Mỹ ở Biển Đông và mâu thuẫn giữa các nước Đông Nam Á và Trung Quốc hoàn toàn tách bạch.

Hiện nay, an ninh biển của Mỹ và việc Trung Quốc xây dựng đảo nhân tạo, thay đổi hiện trạng đã trở thành bản hợp xướng mà Mỹ, Nhật Bản và các quốc gia Đông Nam Á có liên quan chỉ trích Trung Quốc. Tuy nhiên, theo lời phát biểu của Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị, từ trước đến nay chưa từng xảy ra vụ việc gây đe dọa cho tự do hàng hải ở Biển Đông, cái gọi là xây đảo nhân tạo cũng là động thái đi trước của các quốc gia khác (ám chỉ các quốc gia Đông Nam Á có liên quan đến tranh chấp ở Biển Đông cũng đã tiến hành xây dựng, cải tạo đảo từ trước). Đặc biệt là Nhật Bản đã từng hao tốn khoản đầu tư lớn để biến rặng Okinotorishima thành đảo, sau đó đưa ra đề nghị đối với Liên Hợp Quốc về thềm lục địa nằm ngoài vùng đặc quyền kinh tế rộng 200 hải lý. Nhật Bản không có quyền lên tiếng đối với hoạt động xây dựng đảo nhân tạo của Trung Quốc ở Biển Đông, bối cảnh phát ngôn của Tokyo rõ ràng là do nhân tố Mỹ.

Tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN và các hội nghị liên quan mới đây, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị đều nêu rõ lập trường của mỗi nước. Kêu gọi “đóng băng” của ông Kerry và phát biểu cho rằng điều này “không thực tiễn” của ông Vương Nghị đã cho thấy sự đối đầu giữa hai bên. Rõ ràng, thái độ của Mỹ ở Biển Đông ngày càng cứng rắn, các nước ASEAN ngày càng nghiêng theo lập trường của Mỹ, trong khi Trung Quốc quyết không nhượng bộ về vấn đề này. Khi Mỹ dẫn theo một loạt đồng minh coi Trung Quốc là đối tượng đe dọa nước khác, Trung Quốc sẽ cho rằng kẻ thù đông đảo và đang áp sát khiến Bắc Kinh không có đường lùi…Không khí căng thẳng ở Biển Đông đã đi rất xa khỏi phương hướng mà các bên mong mỏi, đó là giải quyết tranh chấp thông qua con đường hòa bình.

Làm thế nào để xóa bỏ cảnh báo trên không ở Biển Đông? Dường như không có giải đáp chính xác cho vấn đề này. Nhưng có một điểm cần khẳng định là chỉ cần tồn tại “tín nhiệm âm” trong quan hệ Trung-Mỹ thì bản hợp xướng phản đối Trung Quốc ở khu vực Tây Thái Bình Dương sẽ không ngừng lại. Loại bỏ nghi ngờ, tăng cường tin tưởng lẫn nhau sẽ là quan tâm chính tại cuộc gặp thượng đỉnh giữa nguyên thủ hai nước Trung-Mỹ vào tháng 9 tới. Tuy nhiên, một cuộc gặp gỡ có thể giải quyết vấn đề Biển Đông hay không? Tình hình chiến lược ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã phát sinh những thay đổi mới, hoặc có thể nói Mỹ căn bản không bằng lòng cùng Trung Quốc chung sống hòa bình ở Thái Bình Dương. Đây mới là nguyên nhân sâu xa khiến khu vực này không được bình yên./.

Theo “Bưu điện Hoa Nam buổi sáng

Lê Sơn (gt)