Trong bài viết trên tờ “Bưu điện Jakarta” số ra gần đây, Tiến sỹ Luật Sunan J. Rustam (Bộ Ngoại giao Indonesia) đã phân tích khá chi tiết cơ sở pháp lý cũng như các vấn đề liên quan đến chính sách đánh chìm tàu cá của các cơ quan thực thi pháp luật Indonesia:

Ngày 5/12, hải quân Indonesia đã sử dụng thuốc nổ đánh chìm ba tàu cá (không có người, trang thiết bị ngư cụ quan trọng) của ngư dân Việt Nam tại Tanjung Pedas, vùng biển Anambas, tỉnh đảo Riau trước sự chứng kiến của quan chức cấp cao hải quân Indonesia, Ủy ban điều phối an ninh biển (Bakorkamla), chính quyền đảo Anambas. Tiếp theo đó, phía Indonesia thực hiện tượng tự với 3 tàu cá của Philippines và sau đó dự kiến trong tuần tới là với 5 tàu của Thái Lan. Động thái này được cho là nhằm thực hiện chỉ thị “đánh chìm tàu cá nước ngoài có hành vi đánh bắt trộm trong vùng biển Indonesia trong bất cứ trường hợp nào” của Tổng thống Joko Widodo trong cuộc gặp với giới tướng lĩnh quân đội Indonesia vào hồi đầu tháng này. Xung quanh chính sách chống đánh bắt cá trộm rất cứng rắn của chính quyền mới, dư luận sở tại nói chung ủng hộ nhưng một số tỏ ra lo ngại, nhất là giới chuyên gia phân tích chính trị và luật pháp quốc tế.

Tiến sỹ Sunan J. Rustam nói rằng tuyên bố gần đây của Tổng thống Joko Widodo ủng hộ việc đánh chìm tàu nước ngoài bị cáo buộc đánh bắt cá bất hợp pháp trong vùng biển của Indonesia nhận được sự ủng hộ cũng như gây ra nhiều vấn đề gây lo ngại thực sự. Một trong những câu hỏi quan trọng nhất là tính hợp pháp của chính sách trên, và liệu nó có mâu thuẫn với Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS 1982) mà Indonesia là một bên tham gia ký kết hay không? Trước khi đề cập đến tính pháp lý của vấn đề, cần tìm hiểu qua chính sách đánh chìm tàu cá của Chính quyền Jokowi. Trước hết, "đánh chìm tàu" là một phản ứng nhanh do tân Bộ trưởng Bộ Biển và Nghề cá Susi Pudjiastuti đề xướng, được cho là cần thiết khi các dữ liệu thu thập được cho thấy ở một thời điểm nhất định trong một ngày nhất định, hơn 70 tàu có trọng tải 50-70 tấn xâm nhập vùng biển Indonesia, những tàu đó không thuộc hệ thống giám sát tàu của Bộ Biển và Nghề cá, và do đó bị tình nghi tiến hành các hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp.

Ước tính mỗi ngày Indonesia tổn thất khoảng 1 triệu USD từ hoạt động đánh bắt bất hợp pháp của nước ngoài. Với tầm nhìn mới về quốc gia biển, Indonesia sẽ phụ thuộc rất nhiều vào nguồn lợi biển, và các thiệt hại đó không thể chấp nhận được, như vậy, chính sách “đánh chìm tàu cá” được đưa ra nhằm kiềm chế hoạt động đánh bắt bất hợp pháp trên vùng biển của quốc đảo này. Bộ trưởng điều phối các vấn đề biển Indroyono Soesilo nhấn mạnh rằng cơ sở pháp lý liên quan đến chính sách này nằm ở Điều 69, khoản 4, Luật số 45 năm 2009 về thủy sản. Theo luật này, khi cơ quan chức năng có bằng chứng sơ bộ, Chính phủ Indonesia có thể đốt cháy hoặc đánh chìm tàu thuyền nước ngoài khi bị nghi ngờ đánh cá bất hợp pháp trong khu vực quản lý đánh cá của quốc gia “vạn đảo” này. Tuy nhiên, luật này lại không xác định rõ khu vực quản lý đánh cá của Indonesia, điều có thể gây ra các vấn đề pháp lý với UNCLOS vốn phân chia biển thành các khu vực và mỗi khu vực được thừa nhận các quyền tương ứng. Quy tắc “ngón tay cái” với quyền của các khu vực theo UNCLOS là càng xa bờ bao nhiêu thì càng ít quyền lợi hơn bấy nhiêu.

Indonesia là quốc gia quần đảo, có đầy đủ chủ quyền trên lãnh hải của mình, từ nội thuỷ đến vùng nước quần đảo. Các quyền và quyền chủ quyền bao gồm cả vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa. Không nên đặt ra vấn đề pháp lý khi chính sách đánh chìm tàu cá áp dụng đối với các tàu nước ngoài bị tình nghi tiến hành đánh bắt cá bất hợp pháp trong các vùng biển mà Indonesia có chủ quyền đầy đủ. Vấn đề pháp lý phát sinh khi hoạt động đánh cá bị cáo buộc bất hợp pháp của các tàu nước ngoài diễn ra trong các khu vực quyền chủ quyền, chẳng hạn như EEZ. Điều 73 của UNCLOS quy định rõ những biện pháp có thể được thực hiện để thực thi pháp luật và các quy định của các quốc gia ven biển trong vùng EEZ và chúng không bao gồm biện pháp đánh đắm tàu. Theo UNCLOS, việc thực thi quyền trong khu vực EEZ có thể bao gồm khám xét, bắt giữ, tiến hành các thủ tục tố tụng tư pháp. Hình phạt cho các hành vi vi phạm (nếu có) không bao gồm phạt tù và các hành vi nhục hình, thậm chí việc thả phương tiện và thủy thủ đoàn ngay lập tức đều được hoan nghênh.

Điều này có thể gây trở ngại cho Indonesia trong việc thực hiện chính sách chống đánh bắt cá trái phép khi phải thực thi nghĩa vụ phóng thích người và phương tiện ngay lập tức được quy định tại khoản 2, Điều 73 của UNCLOS. Điều 292 của UNCLOS cũng có quy định liên quan đến việc phóng thích ngay lập tức tàu và thủy thủ, trong đó có cơ chế giải quyết tranh chấp phát sinh giữa nhà nước mà tàu đang bị giam giữ cắm cờ và quốc gia ven biển, hai nước có khoảng thời gian mười ngày kể từ thời gian tàu bị giam giữ để lựa chọn cơ quan tài phán, và nếu không làm như vậy thì sẽ tự động hủy bỏ việc áp dụng các lựa chọn cơ quan phán xét theo Điều 287 của UNCLOS. Do Indonesia không thực hiện bất kỳ tuyên bố nào theo Điều 287, trừ trường hợp đưa ra quyết định, tòa án trọng tài sẽ được chỉ định. Vấn đề là Indonesia chưa nhiều lần tham gia giải quyết các tranh chấp quốc tế liên quan đến nghĩa vụ phóng thích ngay lập tức. Cho đến nay, Indonesia tham gia các vụ tranh chấp quốc tế là không ấn tượng, bài học xương máu nhất của quốc đảo này liên quan đến giải quyết tranh chấp quốc tế chính là vụ tranh chấp đảo Sipadan/Ligitan năm 2002 với Malaysia khi Tòa án Công lý quốc tế bác bỏ tuyên bố của Indonesia.

Một kết cục tương tự khác là vụ Karaha Bodas năm 2000 khi hội đồng trọng tài tuyên phạt một khoản tiền lớn đối với Công ty dầu khí quốc gia Indonesia (Pertamina) do hành vi đơn phương vi phạm hợp đồng, cho đến nay tài khoản ngân hàng nước ngoài của Pertamina vẫn đang tiếp tục bị đóng băng. Trong cơ chế WTO, tính đến tháng 10 năm 2014, Indonesia đã tham gia 32 vụ kiện với tư cách nguyên đơn, bị đơn hoặc bên thứ ba và hơn một nửa các vụ kiện được phán quyết theo hướng bất lợi đối với Indonesia. Quay trở lại nghĩa vụ phóng thích ngay lập tức, quyết định của Tòa án Quốc tế về Luật Biển (ITLOS) có thể được xem như một tài liệu tham khảo hữu ích, tính đến năm 2005, trong 7 vụ việc ITLOS thụ lý, có 5 vụ tòa ủng hộ việc phóng thích ngay lập tức các tàu bị bắt giữ. Tuy nhiên, không phải tất cả hy vọng đều bị dập tắt, Indonesia vẫn có thể đạt được hiệu quả răn đe bằng cách tăng số lượng mối liên quan giữa việc phóng thích và các hình phạt bổ sung do trong nhiều vụ việc, ITLOS đã đề nghị rằng nếu các hành vi vi phạm mang tính chất nghiêm trọng, các quốc gia ven biển có thể áp dụng các hình phạt theo luật quốc gia. 

Tác giả kết luận rằng chính sách "đánh chìm tàu" của Indonesia có thể được phép áp dụng đối với các tàu cá vi phạm trong vùng lãnh hải, nội thuỷ và vùng nước quần đảo; còn trong vùng EEZ hay các vùng khác, Indonesia phải thực hiện nghĩa vụ theo Công ước luật biển.

Vũ Hiền (gt)