Hôm 18/3, Trung Quốc và ASEAN đã nhóm họp tại Singapore để tiếp tục tham vấn về một Bộ quy tắc ứng xử (COC) trên Biển Đông, bên cạnh việc thảo luận về việc thực thi Tuyên bố về bộ quy tắc ứng xử (DOC). Cuộc gặp này diễn ra vào thời điểm ngày càng có nhiều quan ngại về sự kiên quyết của Trung Quốc trong tranh chấp lãnh hải tại Biển Đông. 

Những diễn biến nổi bật thời gian qua cho thấy Trung Quốc đang có xu hướng cân nhắc đe dọa và sử dụng vũ lực như một phương tiện gây ảnh hưởng trên Biển Đông. Việc xây dựng lực lượng biển đáng kể của Trung Quốc đã được thực hiện với việc sáp nhập nhiều cơ quan hàng hải thành một đơn vị "Cảnh sát biển thống nhất", xuất bản bản đồ với tuyên bố chủ quyền bao trùm Biển Đông, tuyên bố xác lập "Vùng nhận dạng phòng không" (ADIZ) trên Biển Hoa Đông, trùm lên quần đảo tranh chấp Điếu Ngư/Senkaku. Tất cả những diễn biến trên đã góp phần biến Biển Đông thành "vạc dầu châu Á". Ngoài ra, bức ảnh các thủy thủ Trung Quốc xếp hình thành khẩu hiệu "Giấc mơ Trung Hoa, giấc mơ một quân đội mạnh" trên boong tàu sân bay Liêu Ninh đã làm tăng những quan ngại liên quan tới mục tiêu và chiến lược trong khu vực của Trung Quốc.

Các cuộc thảo luận Trung Quốc-ASEAN diễn ra trùng với những căng thẳng ở Đông Âu xung quanh số phận của Crimea. Chưa rõ vấn đề Crimea có tác động đến Đông Nam Á hay không, khi mà tranh chấp chủ quyền lãnh thổ ngày một gay gắt. Tuy vậy, vấn đề Crimea và Biển Đông có một số điểm chung. Một trong những điểm nổi bật nhất chính là tính phức tạp trong xử lí, chứ chưa nói đến giải quyết, các tranh chấp lãnh thổ, đặc biệt là khi đối mặt với một cường quốc đang lên. Một điểm khác là cả hai trường hợp đều nhấn mạnh đến sự cần thiết (dù hiệu quả hạn chế) của biện pháp ngoại giao.

Đối đầu với một Trung Quốc phức tạp và mâu thuẫn, các nước Đông Nam Á cảm thấy lo ngại từ những diễn biến ở Crimea. Với ASEAN và các nước thành viên, câu hỏi then chốt có thể là: liệu họ có thành công trong việc thuyết phục Trung Quốc về lợi ích lâu dài của biện pháp ngoại giao hơn là sử dụng vũ lực và sự đã rồi hay không? Đây có thể là cơ hội cuối cùng của ASEAN, khi mà các cuộc đàm phán đã khởi động từ cách đây 22 năm và đến nay chưa thu được kết quả thuyết phục. 

Mặc dù DOC được ký kết năm 2002 khẳng định tuân thủ luật pháp quốc tế và tự do hàng hải, nhưng một số bên vẫn đơn phương hành động. Xu hướng đơn phương này có nguy cơ còn gia tăng hơn nữa sau sự kiện Crimea. Mặt khác, ngay cả khi COC được nhất trí thì cũng chưa chắc văn kiện này đã đủ để ngăn chặn căng thẳng leo thang.

Biện pháp ngoại giao có ý nghĩa quan trọng. Đây là một kênh mà qua đó nhiều bên liên quan có thể đề đạt, giải thích quan điểm của mình, sau đó là đàm phán và hướng tới giảm căng thẳng vì lợi ích chung trong tương lai. Trong các trường hợp Crimea và Biển Đông, biện pháp ngoại giao đã được thực hiện song không phải duy nhất, trong khuôn khổ cụ thể của một thể chế quốc tế (EU hoặc ASEAN) can dự với một cường quốc (Nga hoặc Trung Quốc). Tuy nhiên, sự chia rẽ nội bộ trong EU và ASEAN làm giảm hiệu quả đàm phán và hạn chế những lựa chọn ngoại giao. 

Vòng tham vấn tại Singapore về COC đã không đạt được tiến triển đáng chú ý. Với các chuyên gia, đây không phải điều quá bất ngờ vì họ vẫn cho rằng những tiến triển đàm phán đơn thuần chỉ là bề ngoài và không đáng quan tâm. Trung Quốc sẽ không nhân nhượng bất cứ điều gì mà Bắc Kinh coi thuộc lãnh thổ quốc gia và chủ quyền. Một số nhà phân tích khác cho rằng các nhà ngoại giao Trung Quốc toại nguyện với DOC và sẽ không thúc đẩy COC mà họ cho là gây tổn hại đến lợi ích quốc gia. Bất chấp những suy đoán và nghi ngờ về hiệu quả đàm phán, quan điểm của ASEAN không thay đổi, đó là: tham vấn luôn là biện pháp tốt nhất.

Liệu tương lai có chứng minh điều này là đúng? Dường như những nỗ lực này của ASEAN để chứng minh Trung Quốc sẽ thấy lợi ích trong đàm phán và sẽ đạt được các quy tắc nhất định, không chỉ về mặt hình ảnh và hiện trạng mà còn thúc đẩy quan điểm và "giấc mơ" của mình thông qua nền tảng ASEAN.

Trước thời điểm diễn ra sự kiện Crimea, biện pháp ngoại giao của ASEAN được hầu hết các bên liên quan coi là thỏa đáng. Tất cả các bên có tranh chấp và láng giềng của Trung Quốc đều nhận thấy lợi ích của việc theo đuổi quá trình đàm phán kép với Trung Quốc, cả song phương và đa phương. Tuy nhiên, giờ đây có thể là thời điểm để cân nhắc bổ sung thêm cho các cuộc thảo luận, và gắn kết hơn nữa giữa các bên tranh chấp.

Crimea ở cách xa Biển Đông và hai vấn đề khác nhau trên nhiều khía cạnh. Tuy nhiên, động thái táo bạo của Nga đã chỉ ra rằng sử dụng luật pháp quốc tế để kiềm chế quyết tâm của một cường quốc không phải lúc nào cũng hiệu quả. Liệu các sự kiện ở Crimea có phải là bài học kinh nghiệm cho các nhà ngoại giao Trung Quốc và ASEAN hay không hiện vẫn còn chưa rõ. Họ muốn việc xây dựng bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông trở thành một nhu cầu ngoại giao cấp bách. Nếu thành công, sẽ cho thấy "sự trỗi dậy hòa bình" của Trung Quốc cũng như chứng tỏ năng lực ngoại giao của ASEAN. Nỗ lực của hai bên nhằm tạo ổn định và an ninh cũng sẽ là tin tốt lành cho cộng đồng quốc tế vốn đang chịu nhiều thách thức như hiện nay.

Bài viết của hai nhà nghiên cứu Sophie Boisseau du Rocher và Bruno Hellendorff đăng trên trang mạng của tạp chí "The Diplomat"

Thuỳ Anh (gt)