Theo Bành hải Văn, bất chấp sự phản đối quyết liệt của Trung Quốc, Philíppin đã tổ chức hội nghị 10 nước ASEAN để chuẩn bị cho việc đơn phương phân chia Biển Đông. Trên thực tế, hội nghị này không chỉ bàn về vấn đề phân chia Biển Đông, mà còn hé lộ một động thái mới trong vấn đề Biển Đông, đó là việc từ nay về sau các nước ASEAN sẽ đoàn kết thành một khối chống lại Trung Quốc.

Theo tác giả, từ đầu năm tới nay, vấn đề Biển Đông đã xuất hiện những dấu hiệu khác so với trước đây. Đầu tiên là việc Mỹ công khai biểu lộ thái độ can dự vào vấn đề Biển Đông. Đây là hành động rất hiếm gặp trong quá khứ. Coi việc can dự vào vấn đề Biển Đông như một điểm tựa cho chiến lược trở lại châu Á, Mỹ nhiều lần yêu cầu Trung Quốc kiềm chế, không được gây trở ngại đối với việc tự do đi lại ở Biển Đông, thực chất là tạo cớ để nhúng tay vào vấn đề Biển Đông giống như truyền thông Nhật Bản đã đưa tin. Mục đích chính của việc Mỹ can dự vào vấn đề Biển Đông là nhằm kiềm chế Trung Quốc.

Ngoài Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ cũng bắt đầu can dự vào vấn đề Biển Đông. Xét về mặt địa lý, Nhật Bản và Ấn Độ không liên quan gì tới vấn đề Biển Đông. Về căn bản, việc Nhật Bản và Ấn Độ can dự vào vấn đề Biển Đông chủ yếu là để liên kết ASEAN chống lại Trung Quốc. Ngày 9/9, Nhật Bản và Philíppin đã tổ chức tham vấn về vấn đề an ninh biển ở khu vực châu Á, nội dung chính không ngoài việc bàn biện pháp ứng phó với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông và biển Hoa Đông. Trong chuyến thăm Nhật Bản mới đây của Tổng thống Philíppin Benigno Aquino III, tình hình Biển Đông và việc đối phó với Trung Quốc tiếp tục trở thành một trong những nội dung thảo luận quan trọng giữa hai bên.

Nhật Bản bắt tay với Philíppin, Việt Nam thì dần dần dựa vào Ấn Độ. Điều đáng chú ý là mới đây Ấn Độ đã can dự vào vấn đề Biển Đông và có hành động khá quyết liệt. Ngày 14/9, Ngoại trưởng Ấn Độ đã sang thăm Việt Nam và hai bên tỏ ra rất đồng thuận trong vấn đề Biển Đông. Ngay sau đó, Công ty Dầu khí ONGC của Ấn Độ tuyên bố sẽ tiến vào Biển Đông khai thác dầu khí, còn phía Việt Nam bày tỏ sự ủng hộ hoàn toàn. Trước sự phản đối quyết liệt của Trung Quốc, giới truyền thông Ấn Độ đưa tin rằng Trung Quốc và Ấn Độ đang bày trận trên biển và biển đã trở thành “chiến trường cạnh tranh mới” của hai nước. Trước đó, Việt Nam đã nhiều lần mời hải quân Ấn Độ tới thăm quân cảng của Việt Nam cũng như đề nghị Ấn Độ giúp chế tạo tàu tuần tra biển và tàu tấn công cao tốc. Nếu việc này thành hiện thực, hai nước Ấn Độ và Trung Quốc vốn đã có tranh chấp lãnh thổ sẽ rơi vào sự đối kháng toàn diện.

Ngoài ra, các nước ASEAN cũng đã liên kết với nhau để chống Trung Quốc. Trước đây, các nước ASEAN vốn chỉ đơn lẻ đấu tranh để bảo vệ lợi ích của mình và có nhiều mâu thuẫn với nhau. Nhưng việc Philíppin tổ chức hội nghị 10 nước ASEAN lần này cho thấy các nước ASEAN đã ý thức được rằng trước một đối thủ khổng lồ như Trung Quốc, việc đấu tranh đơn lẻ khó có thể giành được chiến thắng. Cộng thêm sự hậu thuẫn, thúc đẩy của Mỹ, ASEAN sẽ bắt tay nhau chống Trung Quốc. Do đó, từ nay về sau, đối thủ của Trung Quốc không phải là vài nước ASEAN nhỏ bé, phân tán, mà là một ASEAN đoàn kết. Hơn nữa, đối thủ này lại có sự giúp đỡ của Nhật Bản và Ấn Độ, đặc biệt là đằng sau còn có sự hậu thuẫn của Mỹ, nước mà Trung Quốc càng khó đối phó hơn. Với sự ủng hộ của Mỹ, thế bao vây Trung Quốc từ Nhật Bản tới Ấn Độ đã hình thành, trong đó ASEAN làm điểm tựa.

Theo báo Thái Dương

Văn Cường (gt)