TTh Indonesia Susilo Yudhoyno tuyên bố rằng, với cương vị chủ tịch ASEAN năm 2011, một trong những ưu tiên hàng đầu của ông là đạt được tiến triển trong việc giải quyết tranh chấp Biển Đông bằng cách đưa Trung Quốc ngồi vào đàm phán đa phương.

 

Mối quan ngại của Jakarta với tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc phản ánh sự quan tâm của Indonesia đối với tranh chấp bởi một số lý do sau:

 

- Mặc dù về mặt kỹ thuật, Indonesia không có tuyên bố chủ quyền tại khu vực tranh chấp, tuy nhiên, nước này có lợi ích rõ rệt trong vấn đề này bởi tuyên bố “đường 9 đoạn” của Trung Quốc đe dọa vùng biển xung quanh quần đảo Natuna Island, một khu vực gồm 30 hòn đảo nhỏ có trữ lượng khí lớn nhất của Indonesia. Kể từ những năm 1990, Jakarta đã yêu cầu Trung Quốc phân định rõ vùng tuyên bố chủ quyền nhưng vẫn chỉ nhận được phản hồi không rõ ràng. Điều này giải thích tại sao Jakarta tổ chức 2 cuộc tập trận lớn nhất tại khu vực năm 1996 và 2008. Tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc cũng được coi là nguyên nhân đằng sau các quyết định thiết lập đối tác an ninh và chiến lược giữa Indonesia với Australia, Ấn Độ và Mỹ trong những năm qua.

 

- Sau một thời gian dài đóng băng từ 1967 -1990, quan hệ Trung Quốc- Indonesia đã được cải thiện với kết quả là Hiệp định đối tác chiến lược được ký giữa 2 nước năm 2005 cùng với quan hệ thương mại, đầu tư, quốc phòng và giáo dục được mở rộng. Mặc dù vậy, sự thiếu tin tưởng, đặc biệt là trong giới tinh hoa của Indonesia vẫn tồn tại trong bối cảnh Trung Quốc hiện đại hóa lực lượng hải quân, thiếu minh bạch trong chính sách quốc phòng cùng với sự mạnh bạo ngày càng tăng trong khu vực Biển Đông. Thêm vào đó, Jakarta cũng không hẳn đã hài lòng với Trung Quốc như một đối thủ kinh tế khi thâm hụt thương mại giữa hai nước năm 2010 lên tới 5-7 tỷ USD.

 

- Lý do thứ 3 mà Indonesia muốn giải quyết xung đột là do khu vực tranh chấp gần với vùng phía Bắc của Indonesia, nơi có nhiều tiềm năng về thương mại, nghề cá và các nguồn tài nguyên khác. Indonesia không muốn tranh chấp trở thành không thể kiểm soát, đặc biệt là có sự can dự của các cường quốc như Mỹ và Trung Quốc. BNG nước này đã tổ chức một số cuộc hội thảo và gặp gỡ nhằm xử lý các mâu thuẫn tại Biển Đông. Nội dung chính là các hoạt động hợp tác mang tính thực tế như tìm kiếm cứu nạn, nghiên cứu khoa học.

 

- Nguyên nhân cuối cùng khiến Indonesia muốn giải quyết tranh chấp là bởi khu vực Biển Đông thường xuyên là một trong những vấn đề tranh cãi và gây chia rẽ nhiều nhất trong khối ASEAN. Theo thống kê của Indonesia, có tới 17 vụ xung đột quân sự tại khu vực này trong giai đoạn 1974-2002 với sự tham gia của các nước Trung Quốc, Philipines, Malaysia và Việt Nam. Điều này cho thấy đây không chỉ là vấn đề liên quan tới Trung Quốc mà còn là sự hòa hợp giữa các tuyên bố chủ quyền ở các khu vực chồng lấn cũng như lợi ích các nước liên quan.

 Theo The Diplomat

Văn Cường (gt)

(Đề nghị chỉ được dẫn đường link mọi thông tin, bài viết  trên www.nghiencuubiendong.vn, không cắt đăng lại khi chưa có sự đồng ý của Ban Biên tập Website)