Tạp chí Tri thức thế giới số ra ngày 16/1 đăng bài: “Môi trường an ninh trên biển xấu đi”. Nội dung chính như sau

 

Năm 2010, tranh chấp Biển Đông  chủ yếu biểu hiện ở 2 vấn đề lớn sau.

 

1. Một số nước lợi dụng câu nói “Biển Đông là lợi ích cốt lõi của Trung Quốc” để chỉ trích Trung Quốc tăng cường hoạt động quân sự và thực hiện chính sách ngoại giao cứng rắn. Tuy nhiên, đó không phải là quan điểm chính thống và cũng không được chính giới xác nhận. Giới học giả cũng phản ứng rất thận trọng, có học giả quân sự còn cho rằng, đó chỉ là cách nói của cá biệt một vài học giả, không phải là quan điểm chính thống của lãnh đạo cấp cao và cũng không được đưa vào báo cáo mang tính chiến lược quốc gia hoặc văn bản pháp lý. Lâu nay, Trung Quốc chủ trương “gác tranh chấp cùng khai thác” ở Biển Đông, nhưng không có nghĩa là Trung Quốc từ bỏ đòi hỏi chủ quyền. Chỉ có điều, nếu Trung Quốc nhấn mạnh vấn đề chủ quyền trong lúc Mỹ cao giọng can thiệp vào châu Á thì dễ làm cho các nước ASEAN và phương Tây đoàn kết lại thực hiện kiềm chế Trung Quốc. Việc cộng đồng quốc tế phản ứng mạnh mẽ đối với câu nói “Biển Đông là lợi ích cốt lõi của Trung Quốc” cho thấy sự lo ngại nghiêm trọng đối với việc Trung Quốc trỗi dậy và vấn đề Biển Đông bị phức tạp hóa.

 

2. Mỹ lợi dụng vấn đề Biển Đông, nhiều lần tuyên bố có quyền tự do qua lại ở Biển Đông, ủng hộ lập trường của một số nước ASEAN về vấn đề Biển Đông. Nếu xem xét tình hình an ninh trên biển xung quanh Trung Quốc thì việc tranh chấp Biển Đông  nóng lên, sự kiện chạm tàu ở khu vực đảo Điếu Ngư đều không phải là những sự kiện đơn lẻ. Các vùng biển Hoa Đông, Hoàng Hải, Biển Đông đều xuất hiện tình hình bất ổn định. Các cuộc tập trận trên biển xung quanh Trung Quốc do Mỹ cầm đầu, các nước xung quanh tham dự đã xuyên suốt năm 2010. Trung Quốc cũng theo đó tăng cường diễn tập đối kháng. Các cuộc tập trận dày đặc ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương có liên quan đến hàng loạt các sự kiện như sự kiện “tàu Cheonan”, việc BTT nã pháo lên đảo Yeonpyeong. Nhưng nguyên nhân căn bản và lâu dài là việc Mỹ cao giọng quay trở lại can thiệp vào các sự vụ ở châu Á với ý đồ nhằm duy trì ưu thế chiến lược quân sự của họ ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương và cũng là kết quả tất yếu cọ sát lẫn nhau do việc Trung Quốc trỗi dậy.

 

Chiến lược biển của Trung Quốc đang có những thay đổi mới. Hành động của Trung Quốc chủ yếu là nhằm thích ứng với yêu cầu khách quan. Hiện đại hóa quốc phòng, nhất là hiện đại hóa hải quân là một bộ phận trong công cuộc hiện đại hóa đất nước của Trung Quốc. Sự thay đổi của chiến lược biển Trung Quốc là nhằm thích ứng với yêu cầu khách quan của đất nước, thích ứng với chiến lược “đi ra ngoài” của Trung Quốc. Cộng đồng quốc tế, nhất là các nước xung quanh đặc biệt quan tâm việc hải quân Trung Quốc đang phát triển nhanh chóng. Do đó, khi Mỹ có ý định quay trở lại châu Á thì đã được các nước xung quanh hoan nghênh. Mặc dù họ cũng hoài nghi liệu Mỹ thực hiện được bao nhiêu biện pháp thực chất trong tình hình nền kinh tế Mỹ đang sa sút nghiêm trọng.

 

Trong bối cảnh Trung Quốc phát triển nhảy vọt trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và việc Mỹ cao giọng can thiệp vào khu vực Đông Nam Á thì cuộc đọ sức giữa Mỹ và Trung Quốc ở Biển Đông đã vượt khỏi bản thân vấn đề, trở thành cuộc chơi lâu dài nhằm phá vỡ hoặc duy trì trật tự an ninh hiện nay ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương giữa Trung Quốc và Mỹ. Cùng với việc phát triển không ngừng của hải quân Trung Quốc, áp lực trên biển đối với Trung Quốc sẽ trở nên thường xuyên hơn, an ninh trên biển sẽ là nhân tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến môi trường an ninh xung quanh Trung Quốc.

 

Mạng Hải Khẩu ngày 15/1 đưa tin, Hội thảo học thuật giữa hai bờ về vấn đề Biển Đông lần thứ 8 đã được tổ chức tại Bác Ngao, Hải Nam ngày 15/1. Hội thảo có hơn 50 học giả của Đài Loan và Trung Quốc Đại lục tham gia, với chủ đề “Tình hình mới về Biển Đông dưới góc nhìn của hai bờ”. Các học giả nhất trí cho rằng, tình hình Biển Đông hiện nay tổng thể ổn định, hai bờ có thể triển khai hợp tác thiết thực trong các lĩnh vực nghiên cứu, khảo sát khoa học biển, tìm kiếm cứu hộ chung trên biển…

 

Viện trưởng Viện nghiên cứu Nam Hải Trung Quốc Ngô Sĩ Tồn phát biểu tại Hội nghị cho rằng, hiện nay tình hình Biển Đông tổng thể ổn định, nhưng bị ảnh hưởng bởi các yếu tố an ninh truyền thống và phi truyền thống. Dưới tác động của các thế lực trong và ngoài khu vực, tình hình Biển Đông có 5 đặc điểm mới: (i) Các thế lực bên ngoài như Mỹ can thiệp và làm cho cạnh tranh địa chính trị ở Biển Đông trở nên gay gắt; (ii) Khu vực Biển Đông xuất hiện xu hướng chạy đua vũ trang; (iii) Biểu hiện của tranh chấp Biển Đông đang chuyển từ tranh chấp về chủ trương trước đây thành tranh chấp về quản lý thực tế; (iv) Nguy cơ an ninh phi truyền thống như hoạt động cướp biển, chủ nghĩa khủng bố trên biển gia tăng; (v) Tranh giành quyền chủ đạo trong các hoạt động quốc tế về vấn đề Biển Đông ngày càng quyết liệt. Trước tình hình đó, hai bờ cần triển khai hợp tác mang tính thực chất về vấn đề Biển Đông. Một là, mở rộng lĩnh vực hợp tác học thuật, tiếp tục triển khai nghiên cứu các vấn đề lớn về Biển Đông mà hai bờ có chung lợi ích. Hai là, triển khai hợp tác chấp pháp, bảo vệ quyền lợi ở Biển Đông, giai đoạn đầu có thể trao đổi trên danh nghĩa cá nhân giữa chuyên gia các bộ ngành. Ba là, hợp tác thực hiện khảo sát khoa học biển, tìm kiếm hợp tác cùng khai thác dầu khí. Bốn là, có thể nghiên cứu thành lập cơ chế phản ứng nhanh xử lý tràn dầu ở Biển Đông, bảo vệ an ninh tuyến đường biển ở Biển Đông.

 

Phó Giáo sư Viện nghiên cứu chính trị Đại học Sư phạm Đài Loan Vương Quán Hùng khi trả lời phỏng vấn Mạng tin tức Trung Quốc đã kiến nghị, hai bờ cần thành lập “Cơ chế hợp tác Biển Đông” nhằm bảo vệ và củng cố lợi ích của hai bờ ở Biển Đông. Đây là cơ chế phù hợp nhất đối với lợi ích của hai bờ ở Biển Đông. Bảo vệ lợi ích ở Biển Đông là nguyện vọng và lý tưởng của hai bờ, nhằm tăng cường lòng tin và là khởi điểm để tạo nên trang sử mới trong hợp tác giữa hai bờ. Trước khi xây dựng “Cơ chế hợp tác Biển Đông”, hai bờ có thể thống nhất một thoả thuận khung nhằm xác định nguyên tắc, dự án, tiến trình và phương thức hợp tác cơ bản. Trên cơ sở đó, hợp tác giữa hai bờ về vấn đề Biển Đông có thể bao gồm: đánh giá, nuôi trồng, khai thác, tiêu thụ tài nguyên sinh vật biển; bảo vệ môi trường biển; nghiên cứu khoa học biển; xây dựng công viên hải dương; bảo vệ an ninh tuyến đường biển; cứu hộ cứu nạn trên biển; chống buôn lậu và buôn bán vận chuyển chất ma tuý trên biển; thăm dò, khai thác và quản lý tài nguyên dầu khí, khoáng sản.

 

Mạng Hải Nam ngày 17/1 đăng bài: “Việc bảo vệ quyền lợi biển của Trung Quốc đã rất cấp bách” của phóng viên mạng Hải Nam Tần Phong, nội dung chính như sau.

 

Vùng biển của Trung Quốc rộng hơn 3 triệu km2, trong đó có hơn 1 triệu km2 đang tồn tại tranh chấp, bao gồm cả khu vực quần đảo Trường Sa. Trữ lượng dầu thô ở Biển Đông ước tính khoảng 23 tỷ tấn, tính cả khí thiên nhiên khoảng hơn 40 tỷ tấn. Hiện nay, các nước Việt Nam, Philippin, Malaysia đang đẩy nhanh khai thác dầu khí Biển Đông. Được sự trợ giúp của Mỹ, lượng dầu khí Việt Nam khai thác được đã vượt con số 100 tỷ tấn.

 

Tuy nhiên, Trung Quốc do thiếu kỹ thuật khai thác dầu khí nước sâu nên đến nay vẫn chưa tiếp cận được với vùng biển Trung Quốc có chủ quyền. Mặc dù Trung Quốc cũng có một số dàn khoan nước sâu trên 100m ở khu vực phía Bắc Biển Đông, nhưng không biết đến bao giờ mới khoan được dầu ở quần đảo Trường Sa. Khi đặt câu hỏi này với nhiều chuyên gia kỹ thuật dầu khí Trung Quốc, dường như không có câu trả lời hoặc trả lời “không biết”. Từ đó có thể thấy rõ, việc khai thác dầu khí biển sâu của Trung Quốc vẫn còn kém xa. Vấn đề hiện nay cần cân nhắc là, chính trị nên phục vụ chiến lược năng lượng của Trung Quốc hay hy sinh năng lượng để phục vụ mục đích chính trị hư vô.

 

Có một số việc khiến người ta rất khó hiểu, ví dụ, Tổng công ty dầu khí hải dương Trung Quốc lo ngại việc khai thác dầu khí ở biển Hoa Đông và Biển Đông sẽ bị các bộ ngành khác phê phán, cho rằng “không phù hợp với lợi ích chính trị của đất nước”. Thử hỏi, những quan chức xuất thân từ phiên dịch đi đàm phán mười mấy vòng với Việt Nam về vấn đề trên biển và vấn đề tranh Biển Đông đã có kết quả thiết thực gì cho lợi ích của Trung Quốc? Đối với các doanh nghiệp trong nước thì họ rất cứng rắn, nhưng đối với hành vi xâm chiếm của Philippin, Malaysia, Việt Nam thì lại nhắm mắt làm ngơ. Lợi ích quốc gia của Trung Quốc là an ninh năng lượng hay cái gọi là “láng giềng hữu nghị”? Trung Quốc thường nói “gác tranh chấp”, nhưng quên mất “cùng khai thác”, do đó Trung Quốc đã bị đẩy ra khỏi cuộc chơi. Đối với vấn đề an ninh năng lượng, thỏa hiệp chính trị hay lợi ích quốc gia quan trọng hơn? Nhiệm vụ bảo vệ lợi ích biển của Trung Quốc trên toàn cầu đã trở nên cấp bách. Xin các nhà đàm phán về tranh chấp Trường Sa hãy cứng rắn hơn trong quyết sách về vấn đề Biển Đông.

Quốc Trung ( cộng tác viên tại Bắc Kinh)

(Đề nghị chỉ được dẫn đường link mọi thông tin, bài viết  trên www.nghiencuubiendong.vn, không cắt đăng lại khi chưa có sự đồng ý của Ban Biên tập Website)