Hiện đang có dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh đang chuẩn bị để bác bỏ phán quyết (được cho là bất lợi đối với Trung Quốc) mà Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) sẽ đưa ra liên quan đến vấn đề tranh chấp chủ quyền lãnh hải ở Biển Đông. Philippines cho rằng Trung Quốc đang hành động bất hợp pháp trong việc khai thác các nguồn tài nguyên trong khu vực, vượt ra ngoài những giới hạn của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982 nhưng vẫn dùng vũ lực ngăn cản các quốc gia lân cận (như Philippines) khai thác các nguồn tài nguyên trong cùng khu vực. Nếu PCA yêu cầu Trung Quốc phải từ bỏ tuyên bố về “Đường 9 đoạn” và Bắc Kinh bác bỏ phán quyết này, thì cộng đồng quốc tế sẽ có những lựa chọn nào? 

PCA là một tòa án có quyền lực ít hơn Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ). PCA không có quy định nào như Điều 94 trong Hiến chương Liên hợp quốc với nội dung: “Nếu bất kỳ bên nào trong một vụ kiện không tuân thủ nghĩa vụ của mình theo một phán quyết của tòa án thì bên kia có thể nhờ đến Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, nơi có thể, nếu xét thấy cần thiết, đưa ra kiến nghị hoặc quyết định về các biện pháp thực hiện để thi hành bản án”. Tuy nhiên, phớt lờ một phán quyết của PCA đồng nghĩa là phớt lờ luật pháp quốc tế và như vậy, các thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) có thể tổ chức một cuộc thảo luận và ra nghị quyết với diễn giải rằng: việc phớt lờ phán quyết của PCA làm suy yếu UNCLOS cũng như nỗ lực ngoại giao kéo dài hàng thập kỷ để đàm phán thành công văn bản này. Ngoài ra, HĐBA cũng có thể xếp loại "vấn đề Biển Đông" như một tranh chấp gây xích mích quốc tế và do vậy phải "nằm trong khuôn khổ nhiệm vụ" của cơ quan này. 

Ít nhất hai Ủy viên Thường trực HĐBA là Mỹ và Anh đang có vị trí khá mạnh. Mặc dù Mỹ chưa phê chuẩn UNCLOS, song Tổng thống Barack Obama đã đặc biệt nhấn mạnh sự cần thiết phải tôn trọng các phán quyết của PCA. Thủ tướng Anh David Cameron gần đây cũng tuyên bố rằng ông mong muốn Trung Quốc tuân thủ phán quyết của PCA. Pháp là thành viên khó dự đoán hơn. Mặc dù Paris và các thành viên khác của Liên minh châu Âu (EU) kêu gọi giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng luật pháp quốc tế nhưng chính Pháp lại chưa sẵn sàng để đối đầu với Trung Quốc hay tố cáo các hành động ngày một quyết đoán hơn của Bắc Kinh, chẳng hạn như tuyên bố thiết lập Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) ở Biển Hoa Đông năm 2013.

Trong khi đó, một số ủy viên không thường trực có thể sẵn sàng ủng hộ HĐBA thảo luận về vụ việc này. Nhật Bản dùng khái niệm “trật tự toàn cầu dựa trên các quy tắc” khi đề cập đến vấn đề Biển Đông. Mặc dù cũng là một nước có tuyên bố chủ quyền trong khu vực nhưng Malaysia lại muốn duy trì một “mối quan hệ song phương đặc biệt” với Trung Quốc. Vì vậy, cho đến nay Kuala Lumpur vẫn chưa công khai đối đầu với các hành động của Bắc Kinh. 

Úc có sự quan tâm lớn tới việc giải quyết các tranh chấp ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương bằng luật pháp quốc tế và các biện pháp hòa bình. Canberra nhận thấy “Đường 9 đoạn” của Trung Quốc là một tuyên bố không thể chấp nhận được và các hành động của Bắc Kinh không phù hợp với trật tự toàn cầu dựa trên các luật lệ. Bất kỳ phán quyết nào của PCA đặt dấu hỏi về “Đường 9 đoạn” của Trung Quốc đều tạo ra cơ hội quan trọng để Úc củng cố lập trường của mình. 

Trung Quốc có thể đe dọa trả đũa kinh tế và được cho là đã sử dụng đòn bẩy kinh tế như một biện pháp nhằm vào các nước “không theo mình” giống như vụ sử dụng kim loại đất hiếm chống Nhật Bản sau khi căng thẳng ở Biển Hoa Đông leo thang năm 2010. Tuy nhiên, Trung Quốc có thể chỉ muốn cảnh báo, làm gián đoạn thương mại với Úc. Như Alan Oxley gần đây đã đặt câu hỏi: "Điều gì quan trọng hơn với Trung Quốc trong dài hạn: tăng trưởng kinh tế, hài hòa xã hội hay tham vọng ở Biển Đông?" 

Một điểm thuận lợi đối với Úc là nước này đã từng đứng lên như một cường quốc ủng hộ trật tự toàn cầu dựa trên các luật lệ. Năm 1986, ICJ phát hiện chính sách của Mỹ đối với Nicaragua vi phạm luật pháp quốc tế nên đã ra phán quyết yêu cầu Washington phải giảm sự ủng hộ đối với các hoạt động quân sự và bán quân sự của Contra. Sau đó, HĐBA đã đưa ra dự thảo nghị quyết kêu gọi Mỹ phải tuân thủ. Úc, khi đó là Ủy viên không thường trực HĐBA, đã rất can đảm ủng hộ nghị quyết này. 

Trong khi Úc không đề xuất giải pháp nhưng có vẻ đồng quan điểm với một số lập luận hiện tại về vấn đề về chủ quyền và luật pháp. Ghana tuyên bố rằng “mọi hành động làm xói mòn chức năng hiện hành và có hiệu lực của Liên Hợp Quốc cũng sẽ làm xói mòn chủ quyền của chính chúng ta”. Đan Mạch thì cho rằng nước này “chắc chắn sẽ vẫn duy trì vai trò quan trọng của ICJ trong vấn giải quyết hòa bình tranh chấp và sự cần thiết đối với các quốc gia chấp thuận phán quyết của Tòa. Iran tuyên bố rằng do “thiếu vắng một cơ quan thực thi luật của luật quốc tế… việc tuân thủ Hiến chương Liên Hợp Quốc phụ thuộc vào mực độ  điều chỉnh mà các quốc gia thành viên thể hiện trong việc từ bỏ những hạn chế mang tính cục bộ nhằm phù hợp với tính phố quát được thừa nhận trong hệ thống quốc tế”.

Những điểm này ngày nay vẫn giữ nguyên giá trị như 30 năm trước đây. Nếu như vậy, Úc cần, cả công khai và tế nhị, lên tiếng về hành vi coi thường hệ thống luật quốc tế của Trung Quốc, như Úc đã từng làm đối với Mỹ năm 1986.

Theo Lowy Interperter

Văn Cường (gt)