19135_5280a3627324f-386x290.jpg

Đây sẽ là hội nghị khu vực đầu tiên kể từ khi Tòa Trọng tài ở La-Hay ra phán quyết bác bỏ những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông cũng như việc nước này xây dựng các đảo nhân tạo. Phán quyết được xem là chiến thắng đối với Philippines, Indonesia, Việt Nam, Malaysia và Brunei, những quốc gia cũng có tuyên bố chủ quyền tại vùng biển chiến lược này. Bắc Kinh đã bác bỏ phán quyết và tuyên bố sẽ không thay đổi chiến lược. Mới trong tuần này, Trung Quốc tuyên bố triển khai 2 máy bay oanh tạc tầm xa làm nhiệm vụ tuần tra thường xuyên một số vùng thuộc Biển Đông, đồng thời cho biết gần đây họ đã thực hiện một chuyến bay tuần tra quân sự gần Bãi cạn Scarborough, ngư trường giàu tài nguyên cá mà Philippines cũng tuyên bố chủ quyền. Trung Quốc nói rằng họ cũng sẽ không ngừng hoạt động xây dựng các hòn đảo nhân tạo trên quần đảo Trường Sa.

Kể từ khi Tòa ra phán quyết đến nay, 10 thành viên ASEAN và cả Mỹ vẫn phản ứng rất thận trọng. Họ đưa ra những tuyên bố có chừng mực, kêu gọi sự tôn trọng luật pháp quốc tế, chứ không hối thúc Trung Quốc rút các tuyên bố chủ quyền của nước này. Trong bối cảnh đó, chương trình nghị sự tại Lào sẽ phức tạp hơn bình thường. ASEAN lâu nay vẫn bị chia rẽ xung quanh vấn đề Biển Đông, với việc các quốc gia nhỏ như Campuchia cản trở khối có tiếng nói chung về vấn đề này trong khi một số nước khác không muốn chọc giận một trong những đối tác thương mại và đầu tư lớn nhất của họ. Khi Campuchia chủ trì các hội nghị của ASEAN trong năm 2012, Trung Quốc đã vận động thành công quốc gia này tránh đề cập đến tranh chấp trong tuyên bố chung. Hội nghị các ngoại trưởng năm đó đã không thể ra được tuyên bố chung.

Hiện chưa rõ liệu Lào, một quốc gia có chung biên giới với Trung Quốc và nhận rất nhiều khoản đầu tư của Trung Quốc trong những năm gần đây, có hành động tương tự như Campuchia hay không, khi Trung Quốc không muốn vấn đề gai góc Biển Đông trong chương trình nghị sự lần này. Các nhà ngoại giao khu vực cho biết Trung Quốc đang vận động nhiều quốc gia tránh đưa ra những tuyên bố chính thức đề cập đến phán quyết của Tòa Trọng tài hay luật pháp quốc tế khi nhắc đến vấn đề Biển Đông. Họ cũng cho biết một số quốc gia ASEAN đang tỏ thái độ cứng rắn với Trung Quốc.

Ông Derry Aman, Vụ trưởng Vụ Hợp tác liên khu vực của Bộ Ngoại giao Indonesia, cho biết Jakarta sẽ hối thúc hội nghị thảo luận về vấn đề Biển Đông, và đề cập đến khu vực đang tranh chấp này trong tuyên bố kết thúc hội nghị. Với ý ám chỉ tới hội nghị tại Campuchia hồi năm 2012, ông nói: "Chúng tôi sẽ phải tránh lại rơi vào tình huống như vậy". Khuyến khích các quốc gia ủng hộ luật pháp quốc tế, cụ thể là Công ước Liên hợp quốc về luật Biển (UNCLOS), được Tòa Trọng tài trích dẫn, là chìa khóa thành công của những quốc gia đang tập trung bảo vệ các vùng biển xung quanh vùng lãnh thổ thuộc chủ quyền của họ. Theo UNCLOS, công ước mà Trung Quốc là thành viên, các quốc gia có quyền đối với những vùng biển cách bờ biển của họ 200 hải lý.

Trung Quốc không đóng vai trò chính thức nào tại các cuộc hội đàm đầu tiên của ASEAN vào cuối tuần nay, song trong sáng 25/7, họ sẽ có cuộc gặp chung với cả khối ASEAN, cùng với các đại diện đến từ Mỹ, Liên minh châu Âu, Ấn Độ, Nhật Bản và một số nước khác. Ngày 26/7, Trung Quốc, Mỹ và một số quốc gia khác dự kiến cùng ASEAN tiến hành Hội nghị cấp cao Đông Á và Diễn đàn Khu vực ASEAN gồm 27 thành viên. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry sẽ tham dự các cuộc gặp này - và sau đó sẽ bay tới Manila để gặp tân Tổng thống Rodrigo Duterte.

Một nhân vật thạo tin liên quan đến ASEAN cho biết một số nhà ngoại giao đặt nhiều hy vọng vào cuộc gặp này, đặc biệt mong đợi sẽ có một tuyên bố "chưa từng có" về tình hình địa chính trị khu vực hậu phán quyết của Tòa Trọng tài. Tuy nhiên, một số chuyên gia khu vực lại tỏ ra hoài nghi. Ông Ian Storey, chuyên gia về Đông Nam Á thuộc Viện Yusof Ishak ở Singapore, nói: "May ra thì chúng ta được chứng kiến ASEAN đề cập một cách mơ hồ về phán quyết của Tòa Trọng tài trong tuyên bố cuối cùng, chứ không nên hy vọng họ sẽ đề ra được những hướng giải quyết mới". Về các cuộc hội đàm sắp tới với Trung Quốc, ông Storey dự đoán rằng những ngày tới không phải là thời điểm thích hợp để thảo luận với Bắc Kinh về Biển Đông, và nói thêm "Trước khi Tòa Trọng tài ra phán quyết, Trung Quốc không tỏ thái độ sẵn sàng có sự thỏa hiệp và giờ đây lại càng không”.

Theo “The Wall Street Journal” (ngày 21/7)

Nhật Linh (gt)