Diễn đàn Khu vực ASEAN tổ chức từ ngày 19-23/7 vừa qua tại Bali, In-đô-nê-xi-a, vấn đề Biển Đông đã trở thành một trong những tiêu điểm của các bên dự hội nghị, trong đó có Mỹ và Trung Quốc. Với tư cách là Chủ tịch luân phiên ASEAN, nước chủ nhà hội nghị In-đô-nê-xi-a trù tính thúc đẩy việc nâng cấp “Tuyên bố về ứng xử của các bên tại Biển Đông” (DOC) ký năm 2002 thành “Quy tắc ứng xử tại Biển Đông” (COC), làm cho DOC có tính ràng buộc. Về vấn đề này, Mỹ có thái độ tích cực, còn Trung Quốc lại bảo lưu thái độ của mình. Trong khi đó, các dấu hiệu từ năm 2010 tới nay cho thấy việc lâu dài hóa, phức tạp hóa của vấn đề Biển Đông đã trở thành xu thế lớn. 

Một số học giả Mỹ cho rằng vấn đề Biển Đông đã trở thành “hòn đá thử vàng” kiểm nghiệm việc Trung Quốc có thực là trỗi dậy hòa bình hay không. Xem xét các động thái của Trung Quốc gần đây, theo các học giả này, hành vi của Trung Quốc đã mang “tính xâm lược” và đây là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới phản ứng quyết liệt của các nước xung quanh. Về phần mình, một số học giả Trung Quốc lại coi vấn đề Biển Đông là thủ đoạn mới của Mỹ dùng để kiềm chế Trung Quốc, cho rằng Mỹ cố tình gây chuyện thị phi, dụ các nước liên quan thách thức Trung Quốc. 

Theo tác giả, hiện nay, tình cảm nhân dân của các nước như Trung Quốc, Việt Nam và Philíppin đối với vấn đề Biển Đông lên cao, giống như có thể xảy ra chiến tranh. Nếu các bên không thực hiện việc quản lý kiểm soát, để mặc cho tình cảm dân tộc không ngừng dâng lên, vấn đề Biển Đông có thể gây ra hậu quả các bên đều không muốn nhìn thấy và hình thành vấn đề lịch sử để lại. 

So với các cuộc khủng hoảng an ninh khu vực như vấn đề hạt nhân Bắc Triều Tiên, vấn đề hạt nhân Iran, hay tranh chấp đảo Điếu Ngư (Nhật Bản gọi là Senkaku) giữa Trung Quốc và Nhật Bản, vấn đề Biển Đông có tính đặc thù riêng. Tuy rằng ngay từ những năm 1970, các bên đã không ngừng xảy ra tranh chấp ở Biển Đông, nhưng hai năm lại đây vấn đề này mới bắt đầu được thế giới quan tâm chú ý và một trong những bối cảnh quan trọng chính là sự trỗi dậy nhanh chóng của Trung Quốc. Từ các luồng thông tin thấy rằng Trung Quốc sau khi trỗi dậy chí ít phải đối mặt với ba khảo nghiệm quan trọng sau

Khảo nghiệm thứ nhất nằm ở việc Trung Quốc xử lý quan hệ như thế nào với các nước nhỏ xung quanh

Trong vấn đề Biển Đông, nước có mâu thuẫn gay gắt nhất với Trung Quốc là Việt Nam, kế đó đến Philíppin, rồi tới Malaixia. Tình hình giữa Việt Nam và Philíppin không giống nhau. Trung Quốc và Việt Nam từng hai lần giao chiến, nhiều lần giằng co. Năm 1974 và năm 1988, Trung Quốc lần lượt đánh bại hải quân Nam Việt Nam và hải quân Việt Nam, thu hồi một số đảo ở Hoàng Sa (Trung Quốc gọi là Tây Sa) và Trường Sa (Trung Quốc gọi là Nam Sa). Địa hình Việt Nam dài và hẹp, đường ra biển chủ yếu là thông qua Biển Đông. Do đó, đối với Việt Nam , Biển Đông vô cùng quan trọng. Nếu căn cứ vào nguyên tắc kéo dài thềm lục địa trong Luật Biển có được vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý, diện tích mà Việt Nam có được thêm ở Biển Đông tương đương với diện tích đất liền của Việt Nam. Dưới sự thúc đẩy của ý nguyện người dân và để thực hiện lợi ích, Chính phủ Việt Nam có thể mạo hiểm trong vấn đề Biển Đông. 

Đối với Philíppin, nước này dựa vào Hiệp ước phòng thủ chung Mỹ-Philíppin, hy vọng lợi dụng tranh chấp Biển Đông thu được lợi ích thực tế từ nguồn tài nguyên dầu khí ở Biển Đông. Nếu như qua thăm dò thấy rằng tài nguyên dầu khí Biển Đông là có thực, các nước Đông Nam Á rất có thể trở nên giàu có nhanh chóng. Nhưng cho dù Biển Đông không có nguồn dầu khí phong phú, các nước cũng có thể sử dụng vấn đề Biển Đông như một quân bài chính trị để đạt được thêm nhiều lợi ích thực tế trong quan hệ thương mại với Trung Quốc. 

Kinh nghiệm lịch sử cho thấy sau khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được thành lập, tâm lý “e ngại Trung Quốc” đã lây lan ở các nước Đông Nam Á. Nhưng thông qua hội nghị Banđung và một số nhượng bộ thực chất, Trung Quốc đã dẹp yên được sự bất an của các bên, làm cho các bên tin rằng Trung Quốc không có ý đồ “xuất khẩu cách mạng”. Hiện nay, khi đang trỗi dậy, Trung Quốc cần một lần nữa làm cho các nước Đông Nam Á tin rằng Trung Quốc không có ý đồ bành trướng. 

Khảo nghiệm thứ hai nằm ở việc Trung Quốc làm thế nào tuân thủ luật pháp quốc tế và thực thi trách nhiệm quốc tế

Vấn đề Biển Đông gần đây nóng lên có quan hệ nhất định với việc cuối năm 2009 Ủy ban ranh giới Thềm lục địa Liên hợp quốc yêu cầu các nước trình nộp chủ trương phân giới của mình. Trong lĩnh vực hải dương, hiện thế giới đã có một số bộ luật quốc tế, Liên hợp quốc cũng có tổ chức trực thuộc và cơ quan tư pháp quốc tế về vấn đề này. Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển hiện là công ước được nhiều nước ký kết nhất sau Hiến chương Liên hợp quốc, hội tụ những hiểu biết và nhận thức chung của nhiều thế hệ chính trị gia và chuyên gia pháp luật quốc tế các nước về vấn đề hải dương. Trung Quốc cũng là một trong những nước ký Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển, nhưng lại biểu thị một cách rõ ràng rằng Trung Quốc không chấp nhận sự phân giới trên của cơ quan tư pháp quốc tế hoặc sự phán quyết của trọng tài quốc tế. Trong vấn đề tranh chấp biển, từ lâu Trung Quốc đã kiên trì đàm phán song phương, giữ thái độ cự tuyệt đối với bất cứ sự đa phương hóa, quốc tế hóa nào. Hành động này của Trung Quốc được các nước liên quan trực tiếp khác gọi là “chiến thuật câu giờ” hoặc “lấy thịt đè người”, làm cho Trung Quốc rơi vào thế bị động trong dư luận quốc tế. Ở khía cạnh trách nhiệm quốc tế, nguyên nhân quan trọng để Mỹ can dự vào vấn đề Biển Đông là vấn đề an ninh đi lại trên Biển Đông. Vấn đề an ninh đi lại trên Biển Đông không chỉ phù hợp với lợi ích của các nước như Mỹ, Nhật Bản, mà cũng phù hợp với lợi ích của Trung Quốc. Sau khi đã trở thành nước lớn nhất khu vực, việc Trung Quốc có xem xét đảm nhiệm một phần trách nhiệm quốc tế hay không sẽ trở thành thông tin quan trọng truyền tải việc dư luận quốc tế sẽ nhìn nhận như thế nào đối với sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Khảo nghiệm thứ ba nằm ở việc Trung Quốc cùng chung sống, tiến hành cạnh tranh chiến lược tốt đẹp như thế nào với Mỹ ở Đông Nam Á

Sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai, Mỹ đã có nhiều năm quan hệ ở Đông Nam Á. Thông qua việc ký kết hiệp ước, Mỹ đã xây dựng đồng minh an ninh với Thái Lan, Philíppin, Ôxtrâylia và Niu Dilân. Sau khi Tổng thống Barack Obama lên nắm quyền, Mỹ lại cùng một số nước như Ấn Độ thiết lập quan hệ đối tác đặc biệt, mở rộng quan hệ đối tác đồng minh tại châu Á. Biển Đông cũng là tuyến đi lại quan trọng của hạm đội Mỹ từ Thái Bình Dương tới Vịnh Pécxích, có ý nghĩa chiến lược lớn. Mỹ không chỉ là công cụ quan trọng để kiềm chế Trung Quốc của các nước Đông Nam Á, mà cũng là nước cung cấp dịch vụ công như an ninh đi lại, viện trợ nhân đạo cho khu vực. Vì thế, Trung Quốc không thể né tránh Mỹ trong vấn đề Biển Đông, các nước Đông Nam Á cũng không từ bỏ Mỹ để chọn Trung Quốc. Một mặt, Mỹ không muốn tranh chấp Biển Đông leo thang, buộc Mỹ phải can dự, từ đó làm xấu đi quan hệ Mỹ-Trung vốn quan trọng hơn đối với sự phục hồi kinh tế của Mỹ. Mặt khác, Mỹ cũng không muốn để mặc Trung Quốc tiếp tục bành trướng thế lực ở khu vực này, nắm lấy quyền chủ đạo về an ninh khu vực, đặc biệt là trong bối cảnh kinh tế khu vực ở một mức độ cao đã đi vào xu thế “từ bỏ Mỹ, theo Trung Quốc”. 

Xuất phát từ những tính toán trên, mục tiêu trực tiếp của việc Mỹ can dự vào vấn đề Biển Đông không phải là Trung Quốc mà là ASEAN. Sau khi Trung Quốc và ASEAN thiết lập khu vực mậu dịch tự do, mức độ lệ thuộc kinh tế của ASEAN vào Trung Quốc ngày càng tăng. Mỹ muốn giành lấy con bài Biển Đông để thúc đẩy việc xây dựng Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương, cho dù không thể đoạt lại quyền chủ đạo kinh tế của khu vực, cũng phải giành được “phần thơm” trong quá trình tăng trưởng với tốc độ cao trong tương lai của ASEAN. Mỹ còn muốn mượn vấn đề Biển Đông để gia tăng ảnh hưởng với ASEAN, thúc đẩy ASEAN tiếp tục chuyển đổi dân chủ, trở thành quân cờ quan trọng trong bố cục chiến lược Thái Bình Dương tương lai của Mỹ. Do đó, Mỹ và Trung Quốc không tồn tại xung đột trực tiếp, nhưng lại có sự cạnh tranh lợi ích trên các vấn đề trên. 

Nếu Trung Quốc có thể đối phó thành công với các khảo nghiệm nêu trên, vấn đề Biển Đông sẽ trở thành một bằng chứng đầy sức thuyết phục cho việc trỗi dậy hòa bình của Trung Quốc. Nhưng nếu tình hình phát triển theo hướng ngược lại, tranh chấp Biển Đông sẽ tiêu hao một phần lớn quốc lực của Trung Quốc, làm xói mòn uy tín quốc tế của Trung Quốc, gia tăng tình cảm chống Trung Quốc ở các nước xung quanh, trở thành “phiền phức lâu dài”, thậm chí là “cạm bẫy nước lớn” đối với Trung Quốc. Do vậy. Trung Quốc cần phải tỉnh táo nhận thức tình hình hiện thực, cân nhắc một cách thận trọng cái trước mắt và cái lâu dài, cái được và cái mất. Một khi đã là nước lớn, Trung Quốc cần phải có phong thái và phương thức của nước lớn.  

Theo Tin tức Liêu Vọng (Trung Quốc) ngày 24/7

 Mỹ Anh (gt)