14iht-edpei14-articleLarge(1).jpg

Mâu thuẫn liên tiếp nảy sinh khi Trung Quốc tiến hành xây dựng hàng loạt hòn đảo nhân tạo ở Biển Đông và nghiễm nhiên coi đây là “cái hồ” của mình bằng cách tự vạch ra cái gọi là “Đường 9 đoạn” để tuyên bố chủ quyền với hầu hết vùng biển này. Tuy nhiên, Washington không đồng tình với quan điểm của Bắc Kinh và khẳng định Biển Đông là vùng biển quốc tế, bởi vậy, Trung Quốc không có quyền áp đặt trong khu vực này. Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) cũng ủng hộ các nguyên tắc tương tự rằng không quốc gia nào có quyền chiếm hữu vùng biển có nhiều yếu tố chiến lược trọng yếu này.

Tuy nhiên, ngay cả khi vi phạm UNCLOS, Trung Quốc chắc chắn vẫn sẽ không lùi bước hay từ bỏ tham vọng ở Biển Đông. Hơn thế nữa, Trung Quốc coi đây là một khu vực thương mại trọng yếu với nhiều tuyến đường biển quan trọng bởi nhiều lý do. Thứ nhất, nguồn dầu mỏ nhập khẩu vào Trung Quốc đi qua tuyến đường này, và thứ hai, Biển Đông có thể sẽ là lợi thế cho Trung Quốc trong trường hợp nổ ra xung đột, cho phép Trung Quốc chi phối hoạt động giao thương trong khu vực. Không những cho phép Trung Quốc độc quyền kiểm soát các hoạt động thương mại trong khu vực, việc thao túng Biển Đông còn đem tới cho Trung Quốc nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào. “Đường 9 đoạn” mà Trung Quốc tự dựng lên chỉ là một phần trong nỗ lực nhằm độc chiếm toàn bộ nguồn khoáng sản trong khu vực này.

Sự quan tâm của quốc tế càng đổ dồn về phía Trung Quốc khi nước này đẩy mạnh hoạt động xây dựng đảo nhân tạo tại Biển Đông, và hầu hết các cơ sở hạ tầng này đều nhằm mục đích quân sự. Trong khi đó, Mỹ đang nỗ lực tìm cách “cứu” khu vực khỏi sự thao túng của Trung Quốc và khẳng định quyền tự do hàng hải, điều mà Trung Quốc mạnh mẽ chỉ trích. Tuy không công khai đứng về bất kỳ bên nào trong các tranh cãi ở vùng biển quốc tế này song Mỹ đang tăng cường hỗ trợ các đồng minh trong khu vực. Mỹ muốn các đồng minh của mình ở thế sẵn sàng đối mặt với mọi mối đe dọa ở Biển Đông, nhất là xuất phát từ phía Trung Quốc. Gần đây, Philippines thậm chí đã viện tới Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hague để tìm cách vô hiệu hóa các tuyên bố chủ quyền đối với toàn bộ Biển Đông của Trung Quốc, một bước đi nhằm phản đối quyền bá chủ của Bắc Kinh và giúp Philippines thể hiện quyền kiểm soát với vài vùng biển cụ thể. Liệu Philippines và Việt Nam có thể có được lợi thế từ bước đi này hay không vẫn là điều còn để ngỏ.

Trong khi đó, Nhật Bản cũng đang hỗ trợ quân sự cho Philippines và Việt Nam, và không đồng tình với Trung Quốc. Mặc dù Nhật Bản có thể trực tiếp phản đối các tuyên bố chủ quyền trong khu vực của Trung Quốc song nước này sẽ không trực tiếp đối đầu với Bắc Kinh bởi Tokyo và Bắc Kinh hiện đang vướng vào các tranh cãi về chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Đây là vấn đề tồn đọng suốt từ năm 1895 tới nay. Việc Nhật Bản nêu rõ quan điểm về Biển Đông có thể ảnh hưởng tới quan hệ Trung- Nhật và làm bùng phát xung đột trong khu vực.

Mới đây, một tàu chiến Mỹ đã được điều tới Biển Đông. Điều này có thể là nguyên nhân khiến Bắc Kinh có những biện pháp mạnh nhằm chống lại các kế hoạch mà Mỹ thực hiện nhằm kiềm chế Trung Quốc tại vùng biển này. Hơn thế nữa, xung đột bùng phát và leo thang còn có nguy cơ đẩy hai quốc gia tới trước mối đe dọa hạt nhân, bởi cả Mỹ và Trung Quốc đều sở hữu nhiều đầu đạn hạt nhân và có thể sử dụng loại vũ khí nguy hiểm này nếu bị khiêu khích nghiêm trọng. Tuy nhiên, chắc chắn cả hai nước đều không muốn vướng vào tình thế này, bởi nếu có, đó sẽ là thảm họa.

Bởi vậy, Mỹ cần hết sức thận trọng và tránh dùng vũ lực để giải quyết cuộc xung đột. Washington có thể thể hiện lập trường chống lại Bắc Kinh, tương tự những gì từng làm để phản đối việc Nga sáp nhập Crimea. Tuy nhiên, Biển Đông là một khu vực rộng lớn hơn Crimea và tại vùng biển quốc tế này, mọi đụng độ vũ trang giữa Trung Quốc và Mỹ đều có nguy cơ leo thang thành một cuộc chiến khu vực mà không quốc gia nào đủ sức chống đỡ nổi. Bởi vậy, các cuộc đàm phán là điều hết sức cần thiết nếu muốn Trung Quốc tuân thủ UNCLOS và tôn trọng luật pháp quốc tế. Nếu Trung Quốc tiếp tục "tự tung tự tác” ở Biển Đông, hoặc Mỹ quá mạnh tay, quan hệ Mỹ- Trung đều có thể bị hủy hoại nghiêm trọng và đẩy Đông Nam Á tới trước một cuộc xung đột khó lường.

Trang “Dailytimes

Vũ Hiền (gt)