1a.jpg

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân hôm 22/11 cho biết, ngoài việc cho vay để xây dựng cơ sở hạ tầng, Bắc Kinh sẽ hỗ trợ các quốc gia chậm phát triển ở khu vực ASEAN 560 triệu USD trong năm 2016. Tuy nhiên, “củ cà rốt”, hay còn gọi là “sự đút lót” này đã vô hiệu khi không thể xóa bỏ những quan ngại được dấy lên tại các hội nghị trước sự gia tăng căng thẳng tại một trong những tuyến hàng hải nhộn nhịp nhất thế giới này.

Tóm lược kết quả Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á, Thủ tướng Malaysia Najib Razak cho biết một số nước đã nêu quan ngại về các hoạt động xây dựng của Trung Quốc ở Biển Đông. Đến tận 11 giờ đêm ngày 22/11, tuyên bố chung của hội nghị vẫn không được đưa ra. Bắc Kinh đã và đang thúc đẩy hợp tác kinh tế trong khu vực nhằm cố gắng khôi phục quan hệ vốn đã bị hủy hoại do những tranh chấp trên Biển Đông, vấn đề gây tranh cãi giữa Trung Quốc với các bên có tuyên bố chủ quyền khác như Philippines và Việt Nam.

Tuy nhiên, những căng thẳng đã gia tăng trong suốt hai năm vừa qua bởi Trung Quốc đã biến một số bãi đá ở quần đảo Trường Sa  thành những đảo nhân tạo. Tổng thống Mỹ Barack Obama cho biết Trung Quốc nên chấm dứt việc xây dựng và quân sự hóa các đảo này. Ông Obama cũng nói rằng các nhà lãnh đạo ASEAN đã chấp nhận lời mời của ông đến thăm Mỹ vào năm tới. Đáp lại, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường phát biểu tại hội nghị rằng các nước bên ngoài (ám chỉ Mỹ, Nhật) nên kiềm chế các tuyên bố khiêu khích nhằm vào Trung Quốc.

Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân hôm 22/11 phát biểu rằng Trung Quốc sẽ tiến hành việc xây dựng một số cơ sở trên các đảo trong vài năm tới. “Những đảo và bãi đá này ở cách xa Trung Quốc Đại lục vì thế việc xây dựng và duy trì các cơ sở quân sự là hết sức cần thiết. Điều này cần thiết cho việc bảo vệ quốc gia của Trung Quốc cũng như bảo vệ những đảo và bãi đá này”, ông Lưu Chấn Dân tuyên bố. Ngoài ra, ông Lưu Chấn Dân miêu tả việc Mỹ điều tàu quân sự đến khu vực 12 hải lý xung quanh đá Subi, thực thể được Trung Quốc cải tạo từ một bãi đá ngầm, là hành động khiêu khích.

Trong khi đó, Tổng thống Philippine Benigno Aquino nói rằng thế giới sẽ theo dõi xem liệu Trung Quốc có cư xử như một cường quốc có trách nhiệm qua phản ứng của nước này trong vụ kiện của Manila tại tòa án quốc tế.

Về phía Nhật Bản và Australia, các quốc gia không có tranh chấp ở Biển Đông, Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng hai nước cũng cho biết họ phản đối “những hành động ép buộc và đơn phương” ở vùng biển này.

Như một đòn giáng mạnh vào những nỗ lực của Trung Quốc trong việc mở rộng ảnh hưởng kinh tế trong khu vực, các cuộc đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) sẽ tiếp tục bị kéo dài mặc dù Trung Quốc hi vọng có thể kết thúc đàm phán vào năm nay.

 

Mỹ Anh (gt)