Theo ông Hitoshi Tanaka, người hiện là Chủ tịch Viện Chiến lược quốc tế thuộc Viện Nghiên cứu Nhật Bản, để giảm nhẹ những rủi ro đó, đồng thời duy trì và củng cố hòa bình, ổn định và thịnh vượng, điều mang tính quyết định là phải củng cố hợp tác khu vực. Đông Á đã chứng kiến một sự phổ biến các diễn đàn đa phương, chủ yếu thông qua các tiến trình do ASEAN lãnh đạo, nhưng việc xây dựng sự đồng thuận và những nguyên tắc không can thiệp thường chiếm ưu thế hơn hẳn so với những sự hợp tác sâu sắc hơn. Đây là thời điểm để Đông Á tiếp thêm sinh lực cho hợp tác khu vực. Hướng tới điều đó, ASEAN phải được khuyến khích áp dụng các biện pháp nhằm củng cố vai trò của tổ chức này, đặc biệt trong việc giải quyết những vấn đề quản trị nội địa, đồng thời ba đối tác lớn ở Đông Bắc Á là Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc nên có một cách tiếp cận mang tính tiên phong hơn, mang lại "đầu vào" và thực chất hơn cho hợp tác khu vực Đông Á. 

Để củng cố hợp tác Đông Á, một mạng lưới các đối tác khu vực tinh vi nên được thành lập trong các thành viên của Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS). Những nét đặc trưng chính của mạng lưới này sẽ là trụ cột ASEAN vững mạnh và sự lãnh đạo ba bên Trung-Nhật-Hàn. Một ASEAN vững chắc hơn và sự lãnh đạo mang tính tiên phong hơn của Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ cho phép sự tương tác có ý nghĩa hơn nhằm củng cố sự hợp tác khu vực. Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đã có một số tiến bộ đáng kể trong việc củng cố hợp tác của ba nước này. Ví dụ, thay vì họp với nhau bên lề các hội nghị ASEAN+3, họ đã bắt đầu tổ chức các hội nghị thượng đỉnh ba bên độc lập, và họ hiện đang thành lập một ban thư ký chung để điều phối hợp tác ba bên. Ba nước này có thể có nhiều cơ hội hơn để tham khảo ý kiến, không chỉ về các vấn đề giữa ba nước, mà còn về những vấn đề rộng lớn hơn của hợp tác khu vực. 

Việc trao cho Trung Quốc một chỗ trong chiếc ghế của người chèo lái có thể được nhìn nhận như là một chiến lược nhằm đưa nước này vào nhóm nước cùng chung mục đích với tư cách là một "cổ đông" của khu vực, trong khi công nhận sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng cũng như sức mạnh quân sự gia tăng của Trung Quốc. Khi đó, Trung Quốc sẽ bị cân bằng bởi Nhật Bản và Hàn Quốc, hai nước đều có những liên minh vững mạnh với Mỹ. Đối với ASEAN, cách tiếp cận này cân bằng "những khoản đặt cược cao" vào các thị trường Trung Quốc cùng với những tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Biển Đông. Bằng việc có ba nước Đông Bắc Á tham gia sự lãnh đạo chung nhằm mang lại sự hợp tác khu vực thực chất toàn diện với trung tâm là EAS (diễn đàn mà Mỹ và Nga sẽ chính thức tham gia vào cuối năm nay), những lo ngại khác nhau do cán cân quyền lực thay đổi sẽ có thể được giải quyết. 

Những người chủ trương củng cố hợp tác khu vực đã tranh luận về những cách tiếp cận khác nhau có thể có . Trong số này, hợp tác toàn khu vực về tài nguyên là một cách thức tiến lên thực tiễn và đầy ý nghĩa mà sẽ cho phép các quốc gia Đông Á củng cố hợp tác khu vực và giảm bớt khả năng xung đột nảy sinh do sự dịch chuyển cán cân quyền lực. Sự hợp tác này nên lấy EAS làm trung tâm, căn cứ vào việc các thành viên của EAS bao gồm tất cả các nước thích hợp, và có thể đưa đến sự cộng tác trong bốn lĩnh vực: phát triển chung các tài nguyên năng lượng, những nguyên tắc chỉ đạo đối với an toàn hạt nhân và các biện pháp tiết kiệm năng lượng, an ninh lương thực, và an toàn của các tuyến đường giao thông trên biển. 

Thứ nhất, việc cùng nhau phát triển các nguồn tài nguyên năng lượng có thể là "một mũi tên trúng hai đích": điều đó không chỉ giúp giải quyết những thiếu hụt về năng lượng mà còn giúp xây dựng niềm tin trong các nước có liên quan. Ví dụ, Trung Quốc và Nhật Bản có thể ký kết một hiệp định cơ bản cho việc thăm dò khí đốt tự nhiên chung ở Biển Hoa Đông bất chấp bất đồng trong những cách giải thích của hai nước về luật pháp quốc tế. Lịch sử đã cho thấy rằng khi nhìn qua thấu kính của một vấn đề song phương, những căng thẳng mang tính dân tộc chủ nghĩa có khả năng bùng lên ở cả hai phía, nhưng nếu được nhìn nhận qua một thấu kính đa phương và được tiến hành như là một dự án khu vực, những triển vọng ngày càng trở nên hữu hình hơn. Ví dụ, những bất đồng giữa Trung Quốc và Nhật Bản về các tuyến đường ống dẫn dầu từ Nga có thể được quản lý một cách hữu hiệu hơn nếu chúng được thiết kế để đáp ứng các nhu cầu khu vực hơn là những lợi ích quốc gia mang tính cạnh tranh. 

Thứ hai, những nguyên tắc chỉ đạo đối với an toàn năng lượng và các biện pháp tiết kiệm năng lượng nên được phát triển. Việc giảm phụ thuộc vào các nhiên liệu hóa thạch và đấu tranh chống sự biến đổi khí hậu là những thách thức có tác động xuyên biên giới. Đông Á không thể tồn tại mà không có năng lượng hạt nhân (chí ít là trong ngắn hạn), do đó, nên có những nỗ lực khu vực nhằm củng cố các biện pháp an toàn hạt nhân quốc tế. Đồng thời, việc quá phụ thuộc vào năng lượng hạt nhân cũng là điều nguy hiểm (như cuộc khủng hoảng Fukushima đã chứng minh rõ ràng) và những nỗ lực khu vực nhằm phát triển các công nghệ mới để huy động các nguồn năng lượng tái tạo (như gió, mặt trời và địa nhiệt) nên được phát triển để hỗ trợ cho những nhu cầu năng lượng của khu vực trong dài hạn. Điều này sẽ giúp giảm bớt những mâu thuẫn về tài nguyên trong tương lai khi các nguồn năng lượng hóa thạch trở nên cạn kiệt. 

Thứ ba, cần có sự hợp tác để bảo đảm an ninh lương thực khu vực. Dân số châu Á đang ngày càng tăng, nhất là tầng lớp trung lưu, vốn hiện có số lượng hơn 500 triệu người và dự kiến sẽ tăng lên con số 2,5 tỉ người trong vòng 20 năm tới. Tầng lớp trung lưu mới đang nổi lên này sẽ đòi hỏi nhiều lương thực cũng như lương thực có chất lượng cao hơn, điều này đòi hỏi phải có công nghệ sản xuất lương thực được cải tiến và sự tự do hóa nông nghiệp trên khắp khu vực nhằm thúc đẩy hiệu quả sản xuất lương thực. 

Thứ tư, những lo lắng về sự an toàn của các tuyến đường giao thông trên biển cần được quản lý nhằm bảo đảm việc vận chuyển tài nguyên. Hơn 80% các nguồn năng lượng chủ chốt của Nhật Bản được nhập khẩu từ nước ngoài, chủ yếu thông qua vận tải đường biển. Trung Quốc cũng dựa nhiều vào các ngồn năng lượng được đưa đến qua Eo biển Malắcca. Do những lo ngại về việc duy trì sự an toàn của những tuyến đường này là một mối quan tâm chung trong khu vực, nên điều đó cần được phối hợp như là một tập quán khu vực chung. 

Cán cân quyền lực đang dịch chuyển ở Đông Á bộc lộ những rủi ro mới cho sự ổn định khu vực và đòi hỏi phải có sự củng cố hợp tác khu vực. Trong khi ASEAN nên tiếp tục dẫn dắt, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng nên chia sẻ những trách nhiệm lãnh đạo. Bằng việc tập trung vào những lĩnh vực hợp tác cụ thể có tác động rộng rãi trên khắp khu vực, hợp tác đa phương thật sự sẽ có thể vượt qua những thách thức từ những lợi ích quốc gia mang tính cạnh tranh vốn thường gây khó chịu cho hợp tác song phương, đặc biệt với và giữa một số các cường quốc chính ở Đông Á./.

  Theo Eastasiaforum (ngày 15/8)

 Vũ Hiền (gt)