Bà Soderberg cho biết người dân Mỹ sẵn sàng hợp tác trong nỗ lực đó. Sáu tháng qua, "Quỹ Kết nối nước Mỹ" đã thu thập ý kiến của cộng đồng và thể hiện trong một bức thư thúc giục các nhà lãnh đạo Mỹ nhanh chóng đáp ứng những thách thức quốc tế quan trọng hiện nay. Bức thư được gửi cho Tổng thống Obama ngày 8/11 có chữ ký của 181 chuyên gia chính sách đối ngoại và các nhà lãnh đạo của các tổ chức đại diện hàng triệu người Mỹ. Những người ký tên gồm các cựu tướng lĩnh đến các nhà tổ chức đã cùng nhau xác định những ưu tiên trong nhiệm kỳ hai của Tổng thống Obama gồm: nhân quyền, biến đổi khí hậu, cấm phổ biến hạt nhân và phát triển. Thúc đẩy nhân quyền quốc tế và luật nhân đạo, ngăn ngừa và giảm bớt xung đột chết người sẽ tiếp tục là những ưu tiên trong nhiệm kỳ hai của tổng thống. 

Cuộc khủng hoảng hiến pháp tại Ai Cập cho thấy Chính quyền Obama cần tăng cường ủng hộ các tiến trình chuyển đổi dân chủ do "Mùa xuân Arập" tạo nên. Trong nước, ông Obama cần hành động để giải quyết di sản của các vụ vi phạm nhân quyền liên quan đến việc giam giữ vô thời hạn, tra tấn, theo dõi trái phép, cũng như Vịnh Guantanamo. Việc thành lập Ban Phòng chống các hành vi tàn bạo khẳng định Chính quyền Obama coi phòng ngừa hành vi tàn bạo là mối quan tâm an ninh quốc gia cốt lõi. Thách thức cơ bản của nhiệm kỳ hai là đảm bảo Ban Phòng chống Các hành vi tàn bạo và các cơ quan chính phủ khác có đủ các nguồn lực cần thiết. Đặc biệt sức ép ngày càng tăng trong việc xác định rõ vấn đề sử dụng các máy bay không người lái, hiện là một công cụ trung tâm trong các nỗ lực của Mỹ để chống lại bọn khủng bố.

Tiến bộ trong việc giải quyết các thách thức của biến đổi khí hậu bị cản trở rất lớn trong nhiệm kỳ đầu của ông Obama do cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu và "chiến dịch xuyên tạc" của ngành công nghiệp nhiên liệu trong lòng đất. Trong nhiệm kỳ hai, Tổng thống Obama phải khẳng định sự lãnh đạo mạnh mẽ hơn của Mỹ ở trong và ngoài nước để thúc đẩy các cuộc đàm phán toàn cầu về việc cắt giảm lượng khí thải toàn cầu. Các nước phát triển phải thực hiện tốt cam kết để cung cấp tài trợ cho các nước đang phát triển 100 tỷ USD vào năm 2020, trong đó có thực hiện các cơ chế ở các khu vực hàng không và vận tải biển quốc tế nhằm giảm bớt lượng khí thải và tạo ra lợi nhuận. Cuối cùng, Tổng thống Obama nên thực hiện cam kết loại bỏ tất cả các khoản trợ cấp nhiên liệu trong lòng đất vào năm 2015. Một thách thức quan trọng nữa trong nhiệm kỳ hai của Tổng thống Obama là đẩy mạnh các nỗ lực nhằm giảm bớt mối đe dọa của chiến tranh hạt nhân và ngăn chặn phổ biến hạt nhân của các nhân tố nhà nước và phi nhà nước - hai trong số các mối đe dọa an ninh nguy hiểm nhất mà Mỹ đang đối mặt. 

Trong nhiệm kỳ đầu, ông Obama đặt ưu tiên giảm các mối nguy hiểm hạt nhân, phê chuẩn hiệp ước START mới để giảm các kho vũ khí của Mỹ và Nga, đồng thời đề ra tiến trình của Hội nghị thượng đỉnh An ninh Hạt nhân nhằm đẩy mạnh các sáng kiến toàn cầu ngăn chặn chủ nghĩa khủng bố hạt nhân. Trong nhiệm kỳ hai, ông Obama sẽ đối mặt với các quyết định quan trọng về việc cắt giảm hơn nữa vai trò của các vũ khí hạt nhân trong chính sách của Mỹ. Việc chỉ đạo chính sách vũ khí hạt nhân của tổng thống sẽ tạo nên các yêu cầu mục tiêu mới phù hợp với nhu cầu an ninh hiện nay và tạo thuận lợi cho việc cắt giảm trong tương lai giữa Mỹ và Nga. Hơn nữa, Tổng thống Obama hầu như đã thống nhất ý kiến toàn cầu chống Iran cũng như chương trình hạt nhân của nước này và các biện pháp cấm vận đa phương bắt đầu gây áp lực với các nhà lãnh đạo Iran. 

Cuối cùng, Tổng thống Obama nên phối hợp với Quốc hội để bảo vệ ngân sách của các vấn đề quốc tế không bị cắt giảm hơn nữa, tiếp tục thúc đẩy và đầu tư cho viện trợ nước ngoài, đặc biệt giảm nghèo đói để tìm cách giải quyết các nguyên nhân sâu xa của nghèo đói. Việc hỗ trợ các nước nghèo phát triển không những là công việc phải làm, mà cũng sẽ tăng cường sự ổn định toàn cầu và đem lại các lợi ích kinh tế cho Mỹ. Tổng thống Obama nên bắt đầu đặt nền móng cho những ưu tiên quan trọng đã đề ra trong bức thư của "Quỹ Kết nối nước Mỹ". Mạng lưới rộng lớn của các chuyên gia chính sách đối ngoại và các tổ chức sẵn sàng hợp tác với chính phủ để thực hiện nhiệm vụ đó.

Bài viết của bà Nancy E. Soderberg, Chủ tịch "Quỹ Kết nối nước Mỹ" và cựu Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc (LHQ) từ năm 1997-2001.

Báo "Bưu điện Huffington" (Mỹ) 

Thuỳ Anh (gt)