Vai trò trung tâm của ASEAN luôn là một chủ đề lớn trong chính sách đối ngoại của Indonesia. Dưới thời Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono (2004-2014), vai trò trung tâm của ASEAN có vị trí cốt lõi trong chính sách “cân bằng động” với mục tiêu đưa ASEAN trở thành động lực chính trong cấu trúc khu vực đang định hình ở Châu Á-Thái Bình Dương. Mặc dù ASEAN chưa thể mang lại một cơ chế giải quyết tranh chấp phù hợp giữa các thành viên và đã không ít lần lợi ích của Indonesia phải thỏa hiệp vì lợi ích của ASEAN (như việc duy trì lực lượng gìn giữ hòa bình trong khuôn khổ APSC), các nhà hoạch định chính sách đối ngoại của Indonesia vẫn tiếp tục duy trì quan điểm nhấn mạnh vai trò trung tâm của ASEAN trong chính sách đối ngoại của mình.

Đối với chính quyền Tổng thống Jokowi, chính sách đối ngoại được đánh giá là thực dụng hơn và mang hơi hướng chủ nghĩa dân tộc, tập trung vào thắt chặt quan hệ song phương với các nước lớn trong Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương với ưu tiên phục vụ kinh tế trong nước. Sự thay đổi chính sách này dẫn đến lập luận cho rằng các ưu tiên chính sách đối ngoại của Indonesia đang chuyển hướng ra ngoài ASEAN.

Học thuyết hàng hải mới của Jokowi đưa ra khái niệm “điểm tựa hàng hải toàn cầu” cho thấy rõ ý định “nhìn về phía Tây” (Look West) của Indonesia theo nghĩa nước này sẽ tăng cường quan hệ với các nước lớn ở Ấn Độ Dương như Ấn Độ hay Nam Phi. Tăng cường quan hệ song phương với các cường quốc Thái Bình Dương cũng đang trở thành một chương trình nghị sự chính.

Retno Marsudi, ngoại trưởng mới của Indonesia cho biết trọng tâm chính sách hiện tại sẽ là hướng tới người dân. Tuyên bố này được Tổng thống Jokowi nhắc lại trong một cuộc thảo luận về việc thực hiện Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC). Ông cho biết Indonesia sẽ không ủng hộ mục tiêu một thị trường và cơ sở sản xuất chung của AEC vào cuối năm 2015 nếu như điều này đặt Indonesia vào thế bất lợi và đơn thuần biến nước này trở thành thị trường  tiêu thụ cho hàng hóa sản xuất của các nước láng giềng. Một số chính sách khác như vụ chìm tàu đánh cá bất hợp pháp trong vùng biển của Indonesia cũng là một tín hiệu khác cho thấy Indonesia sẽ không ngần ngại bảo vệ lợi ích quốc gia của mình và đặt lợi ích đó cao hơn ASEAN.

Tuy vậy, sẽ không công bằng khi cho rằng cách tiếp cận chủ nghĩa dân tộc là một khẳng định cho việc Indonesia đang rời xa ASEAN. Các cam kết đối với ASEAN và quá trình xây dựng cộng đồng đã được Đại sứ Indonesia tại ASEAN, Rahmat Pramono, tái khẳng định vào tháng 12/2014. Suy cho cùng, việc duy trì vị trí lãnh đạo trong ASEAN là một yếu tố quan trọng góp phần vào xây dựng hình ảnh quốc tế của Indonesia. Với các nước bên ngoài, ASEAN vẫn quan trọng bởi đây là một địa điểm toàn diện nhất cho sự tương tác trong khu vực với sự tham gia của nhiều nước lớn. Trên thực tế, vị trí chiến lược của Indonesia trong ASEAN đã dẫn đến sự gia tăng chưa có tiền lệ trong quan hệ đối tác với các nước chủ chốt, trong đó có Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Úc, Hàn Quốc và EU.

Do đó, dù có các thay đổi lớn trong chính sách đối ngoại, vai trò của Indonesia trong ASEAN vẫn sẽ được duy trì dưới chính quyền Jokowi. Tuy nhiên, chủ nghĩa thực dụng sẽ là đặc tính xác định cách thức Indonesia thực hiện vai trò này, và mối quan tâm của Indonesia sẽ là mở rộng phạm vi của ASEAN thành một diễn đàn bao quát hơn và dễ tiếp cận hơn đối với các nước lớn trong khu vực Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương nhằm đạt mục tiêu đưa ASEAN trở thành trung tâm của Châu Á-Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, một yếu tố quan trọng trong chiến lược “điểm tựa hàng hải toàn cầu”.

Theo RSIS

Văn Cường (gt)