Khi Việt Nam kết thúc một năm giữ cương vị Chủ tịch ASEAN cũng là lúc Việt Nam tự hào và nhìn lại một cách hết sức hài lòng, nếu không nói là ngạc nhiên, về tất cả những thành quả quảng bá và tạo dựng niềm hứng khởi mà nước này đã đạt được. Rõ ràng, có rất nhiều thành tựu mang tính biểu tượng mà Việt nam đã đạt được thông qua các động thái ngoại giao được công phu dàn dựng cũng như thông qua các tuyên bố, phát biểu.

 

Trước hết, Việt Nam đã thành công trong việc quảng bá đất nước mình là một cường quốc kinh tế mới trong khu vực Đông Nam Á. Tăng trưởng kinh tế hai con số đầy ấn tượng của Việt Nam đã bổ trợ cho sự phát triển kinh tế của toàn khối ASEAN trong bối cảnh khu vực Đông Á đang đi đầu kỷ nguyên phục hồi kinh tế thế giới. Kết quả, các hoạt động và các chương trình làm việc của ASEAN với các đối tác đối thoại đã được tăng lên gấp nhiều lần. Cương vị Chủ tịch ASEAN cũng đã được cổ vũ thêm khi Việt Nam kỷ niệm 1000 năm Hà Nội hồi đầu tháng trước.


Thứ hai, tiếng thơm nên dành cho các nhà lãnh đạo Việt Nam vì tài năng ngoại giao của họ trong việc đối phó với đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc trên biển Đông, trong bối cảnh tuyên bố ứng xử biển đông (DCC) mà ASEAN và Trung Quốc từng nhất trí đã bị chìm lắng suốt 8 năm qua. Trong những ngày này, tại các quán cà phê dọc phố Lý Thường Kiệt ở Hà Nội, chủ đề “chơi với lửa mà không bị bỏng tay” đang là chủ đề phổ biến mà người dân thích bàn thảo. Rõ rang các tranh cãi rộng rãi về sự nóng lên của vấn đề biển đông trong ba tháng đã giúp nâng cao vị thế quốc tế của ASEAN và làm nổi bật vấn đê Biển Đông, tạo ra một môi trường chiến lược mới cho phép mọi đối tác có thể tham gia và cho phép một sự tiếp cận đa phương về các vấn đề liên quan đến tự do và an toàn hàng hải.


Thứ ba, Hà Nội đã nỗ lực điều hành Hội nghị các Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN + (ASEAN cộng) lần đầu tiên ngay sau khi xảy ra các tranh cãi căng thẳng về Biển Đông, mà không để xảy ra bất cứ sơ suất nào. Hội nghị này là một diễn đàn an ninh mới bổ trợ cho Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) và Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) trong việc giải quyết các thách thức an ninh chủ yếu ở khu vực. ASEAN giờ đây đã giành được một vị thế tốt hơn trong cộng đồng quốc tế và các nhà lãnh đạo các cường quốc ngày càng sẵn sàn vượt đường xa và sự mệt mỏi để can dự với ASEAN. Ngoại trưởng Thái Lan Kasit Piromya nhận xét tại hội nghị Á -Âu ở Brúcxen tháng trước, ASEAN đã chứng tỏ diện mạo và niềm tin khi EU bày tỏ dự định tham gia EAS. Ông Kasit cũng chỉ ra rằng các nước lớn ngày càng tỏ ra sẵn sàng tán thành các quan điểm của ASEAN.


Thứ Tư, Hà Nội đã nỗ lực tổ chức 14 hội nghị cấp cao trong vòng chưa đầy 60 giờ đồng hồ và cố gắng này đã phá vỡ mọi kỷ lục của ASEAN. Năm 2010 là một năm đặc biệt của ASEAN với rất nhiều hội nghị cấp cao quan trọng được tổ chức. Bên cạnh các hội nghị cấp cao thường niên với Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, ASEAN đã tổ chức các cuộc gặp cấp cao riêng rẽ với Ôxtrâylia, Niu Dilân, Nga và Ấn Độ. Chỉ còn Canađa là nước đối thoại duy nhất chưa có các cuộc gặp cấp cao với ASEAN. Hội nghị cấp cao ASEAN-Mỹ lần thứ hai cũng đã diễn ra tại Niu Yóoc hồi tháng 9 vừa qua. Ngày càng có nhiều nước muốn có một cuộc gặp cấp cao với các lãnh đạo ASEAN và Ngoại trưởng Campuchia Hor Namhong đã phải đề nghị ASEAN nên coi ưu tiên đối ngoại là một trọng tâm mới. Hội nghị cấp cao ASEAN cũng là dip để thúc đẩy các hợp tác kinh tế tiểu khu vực. Các nhà lãnh đạo đã gặp nhau để tăng cường hợp tác trong khuôn khổ hai hội nghị riêng rẽ là hội nghị cấp cao tiểu vùng sông Mêcông và tam giác phát triển IMT- GT giữa Inđônêxia, Malaixia và Thái Lan. Hội nghị cấp cao ASEAN - Liên Hợp Quốc cũng đã được tổ chức để củng cố đường hướng tăng cường khả năng của ASEAN trong sứ mệnh gìn giữ hòa bình, trợ giúp nhân đạo và quản lý thảm họa. Thủ tướng Abhisit đã tìm cách thúc đẩy căn cứ không quân U Tapao của Thái Lan thành trung tâm khu vực phục vụ các sứ mệnh này. 


Thứ năm, các nước thành viên đều phải thửa nhận nước chủ nhà Việt Nam đã khéo léo giúp hạ thấp các cuộc thảo luận về khủng hoảng chính trị ở Mianma bằng cách dấy lên mối lo ngại về Biển Đông. Năm ngoái, với vai trò nước chủ nhà, Thái Lan đã chịu nhiều áp lực tuân thủ các tiêu chuẩn và thông lệ ASEAN. Thực ra, tại hội nghị năm nay các nhà lãnh đạo ASEAN có thể đã tạo ra được một áp lực lớn hơn đòi đưa các nhà quan sát bầu cử tới Mianma nếu như nước chủ nhà đi đầu với một lập trường mạnh mẽ hơn. 


Thứ sáu, việc thông qua kế hoạch tổng thể liên kết ASEAN đã đánh dấu một bước ngoặt mới trong hợp tác ASEAN, xuất phát từ quy mô khổng lồ, tham vọng của khu vực cũng như nhu cầu lớn về vốn. ASEAN đã đề nghị các đối tác đối thoại can dự đầy đủ trong thực hiện kế hoạch này. Kế hoạch kết nối ASEAN do Thái Lan đề xướng năm ngoái nhằm thúc đẩy hội nhập giữa 10 thành viên ASEAN thông qua cải thiện và phát triển liên kết các hệ thống hạ tầng cơ sở, gắn kết các thể chế khu vực và thúc đẩy giao lưu của nhân dân các nước thành viên.


Tuy nhiên báo trên cho rằng hai vấn đề then chốt mà nước chủ nhà Việt Nam đã bỏ qua do e ngại có thể gây ra chia rẽ nghiêm trọng nội bộ ASEAN. Thứ nhất, cuộc tiếp xúc giữa các nhà lãnh đạo ASEAN và đại diện các tổ chức xã hội trong ASEAN đã không được tổ chức. Các tổ chức xã hội đã nỗ lực làm sống lại cơ chế đối thoại này nhưng không thành công. Trước hội nghị cấp cao ASEAN, một cuộc họp ít quan trọng đã được tổ chức giữa các tổ chức xã hội của Việt Nam và các nước ASEAN, nhưng cuộc họp này không có liên quan đến khuôn khổ đối thoại ASEAN. Giờ đây tới lượt Inđônêxia, nước tiếp quản chức Chủ tịch ASEAN, sẽ phải hoạch định một công thức mà tất cả các bên đều chấp nhận. Đối thoại của các tổ chức xã hội với lãnh đạo ASEAN, manh nha từ hội nghị cấp cao ASEAN 2005 tại Cuala Lămpơ, nhằm thu nhận trực tiếp các phản ánh của nhân dân lên các nhà lãnh đạo khu vực. Các tổ chức phi chính phủ đều muốn có một tiến nói trọng lượng hơn trong tiến trình ra các quyết định liên quan đến xây dựng ba trụ cột an ninh, kinh tế và văn hóa - xã hội. Các nhà hoạt động của tổ chức Nhân quyền ASEAN muốn tiếp xúc trực tiếp với Cao ủy liên chính phủ ASEAN về nhân quyền để bày tỏ quan ngại và giám sát tình hình nhân quyền ở ASEAN. Họ cũng muốn có một vai trò tích cực hơn trong soạn thảo Tuyên ngôn nhân quyền ASEAN và xây dựng các công cụ bảo vệ quyền lao động nhập cư.

Thiếu sót thứ hai là việc ASEAN thiếu đi khả năng đưa ra tiếng nói chung trong các vấn đề toàn cầu. Trong tháng 4 vừa qua, các ngoại trưởng ASEAN đã nhất trí soạn thảo một bộ quan điểm chung của ASEAN về các vấn đề xuyên quốc gia và dự kiến sẽ công bố tại hội nghị cấp cao lần này. Philíppin, nước chủ trì một hội nghị quốc tế về không phổ biến, đã đề nghị ASEAN xây dựng lập trường chung về các vấn đề liên quan đến hạt nhân. Inđônêxia và Thái Lan cũng muốn dương cao ngọn cờ ASEAN trong lĩnh vực biến đổi khí hậu, gìn giữ hòa bình cũng như các vấn đề truyền thống và phi truyền thống khác. Tuy nhiên các nhà lãnh đạo ASEAN đã quyết định khởi động lại tiến trình này. Thái Lan và Malaixia hiện đang thúc bách các thành viên khác thống nhất lập trường chung về nguồn vốn đổ vào khu vực và các biện pháp ngăn ngừa tác động, để công bố tại Hội nghị G-20 tại Xơ-un và Hội nghị APEC sắp tới tại Yôkôhama. 


Nếu đặt trong chủ đề “Hướng tới một cộng đồng ASEAN: Từ tầm nhìn đến hành động”, ASEAN đã đưa ra rất nhiều tuyên bố và thảo luận về Biển Đông nhưng không có “hành động” nào để thúc đẩy xây dựng một cộng đồng ASEAN hướng tới nhân dân khi chỉ còn hơn 1.500 ngày nữa để hiện thực hóa mục tiêu xây dựng cộng đồng này./.

Theo The Nation; TTXVN