Ông Tillerson chỉ đưa ra những phát biểu ngắn gọn được chuẩn bị trước, không trả lời bất kỳ câu hỏi nào của phóng viên, không công khai phản đối kế hoạch cắt giảm 37% ngân sách Bộ Ngoại giao của Nhà Trắng, chấp nhận im lặng trước việc Tổng thống Donald Trump bác bỏ lựa chọn thứ trưởng ngoại giao của mình, vắng mặt trong các cuộc gặp của Tổng thống Trump với những nhà lãnh đạo hàng đầu thế giới và không dự buổi ra mắt báo cáo nhân quyền thường niên, thời điểm quan trọng để thể hiện vai trò của Mỹ trong việc chống áp bức trên toàn cầu.

Ngày 14/3, ông Tillerson có chuyến thăm đầu tiên tới Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc - một chuyến thăm vô cùng quan trọng. Tuy vậy, dường như sẽ không có nhiều thông tin chiến lược từ Ngoại trưởng Tillerson trong chuyến thăm này do lần đầu tiên trong hơn 40 năm qua, một ngoại trưởng Mỹ công du nước ngoài mà không có giới báo chí đi cùng. Hành động này khiến cho kết quả chuyến thăm sẽ do truyền thông của các nước đối tác "nhào nặn".

Cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger, người vừa gặp ông Tillerson vào tuần trước, cho biết rất ấn tượng với sự tự tin của ông Tillerson, đồng thời nói rằng tân Ngoại trưởng Mỹ muốn làm quen với mọi vấn đề trước khi gia tăng sự hiện diện. Những người ủng hộ ông Tillerson cho rằng ông đã làm rất nhiều việc ở hậu trường, bao gồm thu xếp chuyến thăm đầu tiên của ngoại trưởng Saudi Arabia tới Iraq sau hơn 1/4 thế kỷ và đang xây dựng một kế hoạch ngăn chặn những hành động hung hăng của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Bob Corker cho biết ông Tillerson được Tổng thống Trump, Cố vấn An ninh Quốc gia H.R. McMaster tin tưởng, và ông cũng thường xuyên trao đổi với Jared Kushner - Cố vấn Cao cấp và cũng là con rể của Tổng thống.

Một số quan chức Bộ Ngoại giao nhận xét ông Tillerson hiểu biết về một số quốc gia hơn hẳn những người tiền nhiệm, đồng thời hiểu rõ cách thức làm việc của các đại sứ quán do Exxon Mobil thường xuyên phải phối hợp với họ. Cũng có ý kiến cho rằng ông Tillerson chưa thể hiện nhiều vì ông chưa có đội ngũ riêng của mình. Bộ Ngoại giao thực tế chưa có một thứ trưởng và trợ lý bộ trưởng nào, mà mới chỉ có vài đại sứ.

Tuy vậy, dưới chính quyền Trump, nơi chính sách đối ngoại thường xuất hiện đầu tiên trên mạng xã hội Twitter và các cố vấn cao cấp trong Nhà Trắng vẫn đang đấu đá tranh giành quyền lực, cách tiếp cận của ông Tillerson có thể bị coi là dấu hiệu của việc không có quyền lực. Điều làm giới ngoại giao và Quốc hội lo ngại nhất lúc này là ông Trump phát biểu về an ninh quốc gia nhưng không hề quan tâm đến đối ngoại. Tổng thống Trump đã cắt giảm ngân sách của Bộ Ngoại giao để tăng chi tiêu quốc phòng, đi ngược lại với quan điểm của Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis khi ông còn là Tư lệnh tại châu Âu. Ông Mattis khi đó khẳng định nếu Bộ Ngoại giao không được cấp kinh phí đầy đủ, quân đội cần sẵn sàng cho chiến tranh. Một quan chức ngoại giao cho biết ông Tillerson cũng đồng ý về điều này, nhưng không nói ra với Tổng thống.

Có một vài giả thuyết về sự im lặng của ông Tillerson:

Thứ nhất, sự im lặng của ông Tillerson mang tính chiến lược cao. Ông muốn xây dựng các mối quan hệ bên trong chính quyền một cách vững chắc, đảm bảo ông có được sự tin tưởng của Tổng thống Trump trước khi đưa ra các tuyên bố.

Thứ hai, ông Tillerson đợi đến khi cuộc chiến bên trong Nhà Trắng kết thúc. Ông muốn tránh va chạm với với Cố vấn Chiến lược Steve Bannon và xây dựng mối quan hệ đồng minh với Mattis, Kushner và McMaster, tương tự như cách Condoleezza Rice và Hillary Clinton đã làm trong nhiệm kỳ của mình.

Thứ ba, ông Tillerson coi công việc ngoại giao giống như những gì đã làm ở Exxon Mobil: nói càng ít càng tốt và đạt được các thỏa thuận.

Một số ý kiến cho rằng vấn đề không nằm ở ông Tillerson mà ở Nhà Trắng. Theo Chủ tịch Cơ quan Nghiên cứu Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (CFR) Richard Hass, Tổng thống Trump cần trao cho Ngoại trưởng Tillerson những nhân sự mà Ngoại trưởng muốn, đồng thời phải duy trì chứ không cắt giảm ngân sách của Bộ Ngoại giao và nói rõ với thế giới rằng chỉ có Ngoại trưởng mới có quyền đại diện cho chính quyền trong vấn đề đối ngoại.

Theo “New York Times

Nhật Linh (gt)