Theo báo chí Ấn Độ, tuyên bố của Chủ tịch có thể lại gây phản ứng giận dữ từ Trung Quốc nước đòi chủ quyền 80% diện tích Biển Đông và đã nhiều lần phản đối Việt Nam cho nước ngoài thăm dò dầu ở khu vực này.

Hãng thông tấn Ấn Độ PTI nhận xét phát biểu của Chủ tịch Sang về thăm dò dầu khí có thể ví như “sờ răng cọp”. Hãng thông tấn có uy tín của Ấn Độ cũng nói chuyến đi New Delhi lần này của Chủ tịch nước Việt Nam chắc “sẽ được Bắc Kinh theo dõi kỹ”, vì xảy ra trong thời điểm cả Việt Nam và Ấn Độ đang gặp khó khăn riêng với Trung Quốc.

Theo tờ The Times of India, các vấn đề quốc phòng và chiến lược sẽ bao trùm những cuộc hội đàm nhân chuyến viếng thăm Ấn Độ của Chủ tịch Trương Tấn Sang. Tờ báo này nhắc lại là Việt Nam đã cho Ấn Độ sử dụng cảng Nha Trang, nằm không xa Vịnh Cam Ranh, một căn cứ có tính chất chiến lược từng được Mỹ sử dụng trong thời gian chiến tranh Việt Nam. Ấn Độ hiện đang thúc đẩy quan hệ về hàng hải và hải quân với Việt Nam.

Ngoài ra, từ hơn một thập niên qua, Ấn Độ vẫn bàn đến việc trợ giúp Việt Nam phát triển chương trình hạt nhân dân sự, nhưng nhiều nước khác, đặc biệt là Nga và Nhật đã nhanh chân hơn. Chuyến đi của lãnh đạo Việt Nam Trương Tấn Sang sẽ là dịp để Ấn Độ bắt kịp các đối thủ kia trong lĩnh vực này.

Chuyến thăm Ấn Độ từ 11 đến 13/10 của Chủ tịch Việt Nam Trương Tấn Sang đã thu hút sự chú ý của giới quan sát và đang gây bàn luận sôi nổi trên báo chí Trung Quốc.

Tối ngày 9/10, kênh truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV-4 vừa có chương trình “Trọng tâm Hôm nay” bằng tiếng Hoa kéo dài 30 phút thảo luận về chiến lược của Delhi trong việc gia tăng quan hệ đối tác kể cả về kinh tế và quân sự với các quốc gia ĐNÁ.

Bình luận viên Diệp Hải Lâm từ Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc nói Ấn Độ đang chuẩn bị cho vai trò một cường quốc, nhưng “không giống như Trung Quốc, Ấn Độ chưa bao giờ tuyên bố rằng đây sẽ là một sự trỗi dậy hòa bình. Ấn Độ chưa bao giờ ngần ngại sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực”.

Khi nói về chuyến thăm Ấn Độ của ông Chủ tịch Việt Nam, ông Diệp Hải Lâm cho rằng Ấn Độ đang ráo riết thúc đẩy ký kết dự án thăm dò dầu khí ngoài khơi với Việt Nam vì Delhi “không cần đếm xỉa tới yếu tố chính trị” của việc này.

Giới bình luận Trung Quốc không ít lần chỉ trích Ấn Độ “khuấy động hiềm khích” ở Biển Đông nhằm phá vỡ trật tự địa chính trị trong khu vực và “cản trở sự trỗi dậy hòa bình của Trung Quốc”.

Trong khi đó, Giáo sư Bharat Karnad, Trung tâm Nghiên cứu Chính sách tại New Delhi: Việt Nam có thể được xem như tuyến phòng thủ đầu tiên của Ấn Độ và do vậy, mang tầm quan trọng đặc biệt.

Việc Việt Nam cho phép hải quân Ấn Độ sử dụng cảng Nha Trang tại Biển Đông có ý nghĩa vô cùng to lớn về cả chính trị và quốc phòng. Cảng Nha Trang nằm cùng kinh độ với cảng Tam Á, căn cứ của Hạm đội “Nam Hải” của Trung Quốc; và chắc là chính phủ Việt Nam cũng đã phải cân nhắc kỹ trước khi quyết định cho hải quân Ấn Độ được tiếp cận sử dụng. Nước Nga ngày nay không thể đóng vai trò như trông đợi, Mỹ thì không đáng tin cậy. Bởi vậy nên hy vọng của Hà Nội dường như đang đặt lên hải quân Ấn Độ.

Cần phải nói rằng không phải lãnh đạo Ấn Độ nào cũng đồng ý với quan điểm cần thúc đẩy quan hệ chiến lược với Việt Nam và tăng cường hiện diện của hải quân Ấn ở Biển Đông. Pradeep Kumar, cựu Bộ trưởng Quốc phòng, là một ví dụ. Ông này cho rằng nên tránh có các động thái có thể bị cho là “khiêu khích Trung Quốc”.

Tuy nhiên, nếu như hiểu rằng Việt Nam là tuyến phòng thủ đầu tiên của Ấn Độ trước sức mạnh của Trung Quốc, thì Delhi chắc sẽ thống nhất nay là thời điểm cần hành động.

Iskander Rehman, chuyên gia an ninh tại Quỹ Nghiên cứu Observer tại Delhi: Tôi cho rằng quan hệ giữa Việt Nam và Ấn Độ có gốc rễ sâu xa trong lịch sử.

Có thể nói không ngoa rằng Ấn Độ, cùng với nước Nga, là các đồng minh bền bỉ và trung thành nhất của Việt Nam trong nhiều năm qua.

Quan hệ Việt - Ấn phát triển nhanh chóng trong nhiều mặt, như Delhi ủng hộ Việt Nam gia nhập WTO và ghế ủy viên thường trực Hội đồng bảo an Liên hiệp quốc năm 2007, Việt Nam cũng ủng hộ Ấn Độ trở thành thành viên thường trực Hội đồng bảo an.

Thế nhưng tôi cho rằng lĩnh vực gặt hái được nhiều thành công nhất trong quan hệ giữa hai nước vẫn là quân sự.

Với vị trí chiến lược ở Đông Nam Á, Việt Nam được nhiều nhà chiến lược của Ấn Độ coi là rào cản chính yếu trên con đường bành trướng về phía Nam của Trung Quốc. Những người này cũng cho rằng trong tương lai, nếu Trung Quốc tiếp tục hỗ trợ Pakistan về hạt nhân và quân sự, quan hệ Việt - Ấn có thể dùng làm đối trọng cho quan hệ Trung Quốc - Pakistan.

Ấn Độ đã và đang hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực hải quân nhằm phá bỏ thế độc tôn của Trung Quốc tại Biển Đông.

Trong thời gian từ 5 tới 10 năm tới, các quan ngại an ninh và hải quân chính của Việt Nam và Ấn Độ sẽ còn xoay quanh hải đội tàu ngầm hùng hậu của Trung Quốc, vốn hoạt động mạnh trong các vùng biển nông gần bờ biển Trung Quốc nhưng đang muốn vươn ra xa hơn và sâu hơn.

Việt Nam và Ấn Độ cần hợp tác chặt chẽ hơn để đương đầu với thách thức này, thí dụ trong việc nghiên cứu đáy biển ở khu vực phía Nam Biển Đông.

Các hoạt động tập trận hải quân giữa hai bên cũng cần chú trọng đối phó tàu ngầm. Hai nước có thể cùng thiết lập hệ thống báo động dọc bờ biển Việt Nam và Ấn Độ có thể điều chiến đấu cơ tuần tra biển tới Việt Nam nhằm không chỉ theo dõi các tuyến hàng hải quan trọng ở Biển Đông và Eo biển Malacca, mà còn để phát hiện các hoạt động tàng hình ở phía dưới./.

Thái Thịnh (gt)