Nhật Bản sẽ điều 2 tàu ngầm lớp Soryu và 2 chiến hạm cùng 450 binh sĩ tới Sydney tham gia cuộc diễn tập chung với hải quân Úc kéo dài 11 ngày (từ ngày 14-26/4 tới) nhằm rút ngắn khoảng cách với hai đối thủ cạnh tranh là Pháp và Đức trong cuộc đua giành hợp đồng cung cấp tàu ngầm cho hải quân Úc và cũng để chứng minh tàu ngầm Nhật Bản có thể giúp Úc củng cố năng lực phòng thủ quanh khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Căng thẳng ở khu vực này gia tăng khi Trung Quốc trở nên quyết đoán hơn trong các tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông - một hành động "đáng lo ngại" cho các quốc gia xung quanh cũng như các quốc gia có lợi ích trong khu vực (như Mỹ). 

Việc Tokyo gửi tàu ngầm Soryu tham gia diễn tập hải quân chung là muốn gây ấn tượng với người Úc về trình độ công nghệ, đồng thời tạo điều kiện cho hải quân Úc thực hành với loại tàu ngầm này cũng như có cơ hội so sánh với tàu ngầm lớp Collins hiện nay. Đối với nhiều nhà quan sát, đây không chỉ đơn thuần là bản hợp đồng sinh lợi cho người Nhật mà còn là cơ hội để phô trương tàu ngầm và sức mạnh kho vũ khí của Tokyo và để nói với khu vực và thế giới rằng Nhật Bản đã trở lại vị thế của một nước lớn. Lịch sử cho thấy đây không phải là lần đầu tiên Nhật Bản, dưới sự bảo trợ của Mỹ, đang tăng cường sức mạnh quân sự để đối phó với Trung Quốc. 

Trong con mắt người ngoài, có lẽ Biển Hoa Đông không có giá trị gì đặc biệt nhưng với Trung Quốc và Nhật Bản thì đó lại là "niềm tự hào dân tộc". Ngoài lịch sử và bồi thường chiến tranh, một chuỗi căng thẳng nghiêm trọng trong quan hệ Trung-Nhật đều có liên quan đến tranh chấp quần đảo Điếu Ngư/Senkaku trên Biển Hoa Đông. Nguồn gốc của sự căng thẳng bắt nguồn từ cuộc Chiến tranh Trung-Nhật đầu tiên (năm 1894-1895), khi Nhà Thanh ở Trung Quốc buộc phải để mất Đài Loan và “tất cả các đảo thuộc Đài Loan” theo Hiệp ước Shimonoseki. Trước chiến thắng của quân đồng minh trong Chiến tranh Thế giới thứ Hai, những hòn đảo này đã trở về Trung Quốc sau khi Nhật Bản đầu hàng vô điều kiện. 

Tuy nhiên, để đối phó trước mối đe dọa cộng sản từ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa mới thành lập, Mỹ đã quyết định thay đổi nguyên tắc để củng cố vị thế đồng minh Nhật Bản, nhằm ngăn chặn sức mạnh cộng sản ngày càng gia tăng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Theo đó, Washington và Tokyo đã ký kết Hiệp ước Hòa bình tại San Francisco năm 1951 cho phép Nhật Bản tuần tra, kiểm soát những hòn đảo này - một thỏa thuận mà Bắc Kinh không công nhận và dẫn đến những căng thẳng kéo dài đến ngày nay. 

Ngoài tranh chấp quần đảo Điếu Ngư/Senkaku giữa Trung Quốc và Nhật Bản, một số quốc gia châu Á-Thái Bình Dương khác như Việt Nam, Philippines, Malaysia, Indonesia, Brunei và Trung Quốc đều có những tuyên bố chủ quyền chồng chéo đối với quần đảo Hoàng Sa, bãi cạn Scarborough và quần đảo Trường Sa ở Biển Đông. Những yêu sách của các nước này cùng với tác động ảnh hưởng bên ngoài từ các siêu cường như Mỹ, đang khuyến khích các bên liên quan chuyển sang quân sự hóa như là cách để đạt được mục tiêu của riêng mình. 

Xét về lịch sử, Trung Quốc từng chiếm ưu thế chính trị và chi phối văn hóa trong khu vực. Với nền kinh tế, địa lý rộng lớn và chi tiêu quân sự ngày càng tăng, Trung Quốc đang trở nên tự tin hơn với những yêu sách lãnh thổ của mình. Mỹ, với mong muốn khẳng định lại vai trò trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương qua những bài phát biểu của Tổng thống Mỹ Barack Obama, đã ủng hộ Nhật Bản và các quốc gia khác như Việt Nam và Philippines tăng cường năng lực quân sự. 

Nếu Úc có thể học được một điều gì đó từ lịch sử thì đó là việc sử dụng sức mạnh quân sự sẽ phản tác dụng khi chống lại một thế lực đang lớn mạnh như Trung Quốc với khao khát trở thành một trong những siêu cường trong tương lai. Việc các cường quốc phương Tây như Mỹ và thậm chí Úc tham gia cùng các nước châu Á khác để thách thức các yêu sách của Trung Quốc sẽ chỉ kích động Bắc Kinh có những hành động quyết liệt hơn. Các diễn đàn như ASEAN, APEC và Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS) đã cố gắng giải quyết những vấn đề này, nhưng đến nay vẫn chưa có nghị quyết hòa bình nào được đưa ra. Vậy Úc có vai trò gì trong cuộc chơi này? 

Một châu Á-Thái Bình Dương quân sự hóa là điều bất lợi đối với các lợi ích kinh tế và địa chính trị của Úc. Không giống như nhiều quốc gia trên thế giới, Úc đang có được những mối quan hệ song phương tích cực với Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản. Với vị trí địa lý và sự hiểu biết văn hóa của Úc, thì vai trò lãnh đạo của Úc trong cuộc chơi này là nên làm yên lòng việc quân sự hóa và giảm bớt mối lo ngại xung đột khu vực. Thay vì là bên tham gia, Úc nên đảm nhận vai trò trên mặt trận ngoại giao, tạo điều kiện cho các đối thoại và thảo luận với tất cả các bên liên quan. Úc không nên làm giảm ảnh hưởng ngoại giao của mình bằng cách tham gia những tranh chấp này. Trên thực tế, những gì Úc nên làm là đóng vai trò "cầu nối" cho các cuộc đàm phán, góp phần xoa dịu căng thẳng trong khu vực. 

Theo The Huffington Post

Văn Cường (gt)