Trong tuần qua TTg. Tony Abbott đã đặt được dấu ấn cá nhân của mình trong việc làm sâu sắc thêm quan hệ Australia - Nhật Bản với tuyên bố chắc chắn rằng Australia sẽ trở thành một chủ thể trong thách thức lớn nhất của chính trị toàn cầu hiện nay - tạo ra một cân bằng quyền lực mới ở châu Á xung quanh sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Sự phản đối công khai của Trung Quốc với tuyên bố “quan hệ đặc biệt” giữa Australia và Nhật Bản là không đáng kể - và đây được xem là một phần trong những khái niệm mới nổi lên sau những căng thẳng ở khu vực Đông Bắc Á khi sự nguyên trạng hiện nay đang bị tấn công.

Sự gắn bó giữa Australia và Nhật Bản thể hiện hai đánh giá then chốt: (i) Nhật Bản phải thoát ra khỏi bóng đen của chiến tranh thế giới lần thứ II như một cường quốc “bình thường”, và; (ii) Quan hệ giữa Australia và nước Nhật Bản mới là nội dung chính trong sự gắn kết sâu sắc hơn của Australia với châu Á.

Ông Abbott hoàn toàn không thái quá khi đã đưa quan hệ với Nhật Bản lên một tầng mức mới. Ngược lại, những người có ý kiến phản đối ông Abbott mới chính là những kẻ cực đoan. Những người này dường như muốn có một sự thay đổi căn bản trong chính sách đối ngoại của Australia: Tạo khoảng cách giữa Australia và Nhật Bản, xác định lại quan hệ đồng minh với Mỹ và tiến gần hơn với Trung Quốc trong định vị chiến lược của mình. Thật khó có thể tưởng tượng được sự điên rồ nào lớn hơn thế cho Australia.

Trung tâm trong chính sách của ông Abbott là ý tưởng về chiến lược không loại trừ. “Anh không thể có những người bạn mới bằng cách mất đi những người bạn cũ”. Ông Abbott muốn có hiệp định thương mại tự do với Trung Quốc, dành cho Trung Quốc những điều kiện đầu tư vào Australia tự do hơn, ông hoan nghênh những cuộc tập trận quân sự với sự tham gia của Trung Quốc, Mỹ và Australia. Australia đã thiết lập “đối tác chiến lược” với Trung Quốc từ thời cựu TTg. Gillard. Và ông Abbott sẽ mời Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu trước QH Australia vào cuối năm nay, điều mà người tiền nhiệm của ông Tập, Hồ Cẩm Đào, đã làm trước đây.

Hiện nay đang là một kỷ nguyên phức tạp với những yêu cầu cao cho vai trò của Australia tại châu Á. Điểm mấu chốt là, dù sao chúng ta cũng đang vận động cùng với khu vực, chứ không phải chống lại xu hướng đó. Hầu hết những bình luận công khai đã không sát với thực tế của những sự kiện mang tính biến động ở châu Á trong vòng 24 tháng qua. GĐ nghiên cứu viện Lowy, Rory Medcalf cho rằng “có một sự nhầm lẫn cơ bản trong việc hiểu về thái độ của châu Á trong những cuộc tranh luận này. Tôi có thể tranh luận với ông Malcolm Fraser về điều này khi ông cho rằng Đông Nam Á không muốn có Mỹ ở đây. Thực tế cho thấy điều ngược lại. Tất cả các nước Indonesia, Malaysia, Việt Nam, Philippines và Singapore đều muốn một sự hiện diện thường xuyên hoặc tăng cường của Mỹ. Thêm vào đó là Ấn Độ và Nhật Bản. Lý do là thái độ quyết đoán của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông”. Ông Medcalf cũng cho rằng, nếu Australia đi theo những ý kiến chỉ trích với chính sách của ông Abbott, Australia có nguy cơ trở thành “một người lập dị ở châu Á”.

GS. Michael Wesley từ ĐH. Quốc gia Australia cho rằng “Trung Quốc đã tạo ra môi trường cho một chiến lược an ninh quyết đoán hơn của Nhật Bản và sự chấp nhận rộng rãi hơn với vai trò của Nhật Bản trong khu vực. Trong vòng sáu tháng qua, đi qua khắp các nước ở Đông Nam Á và Ấn Độ, tôi ngạc nhiên vì số người nay cho rằng họ coi Nhật Bản là đối tác an ninh đang trỗi dậy của mình. Nhật Bản dù đã quyết đoán hơn, nhưng sẽ vẫn liên kết với Mỹ và những đối tác tin cậy. Chính vì vậy Australia có vai trò quan trọng, và Ấn Độ cũng vậy”. Vì vậy, có thể thấy rằng, Nhật Bản đang triển khai chính sách gắn kết tích cực hơn bao gồm Ấn Độ, Australia và Đông Nam Á.

Australia không thiết lập một hiệp ước phòng thủ với Nhật Bản. Trái với một số bình luận, rất ít khả năng Australia sẽ thiết lập một liên minh an ninh với Nhật Bản. Thay vào đó, Australia và Nhật Bản đang làm sâu sắc thêm quan hệ đối tác chiến lược và đây là điều quan trọng. Một số bình luận cho rằng quan hệ được nâng cấp này có thể khiến Australia dính líu vào một cuộc chiến tranh của Nhật Bản là một điều kỳ lạ, vì nếu có, nó sẽ là kết quả của quan hệ đồng minh với Mỹ. Các chính quyền Australia trong thời gian qua đã biết rõ nguy cơ này, họ cho rằng nguy cơ đó là hợp lý với lợi ích quốc gia của Australia và dư luận xã hội cũng có vẻ đồng ý với điều đó. Medcalf khẳng định lại điều này “tôi tin rằng quan hệ chiến lược và quốc phòng với Nhật Bản có thể được kéo dài mà sẽ không cần phải có liên minh về an ninh”.

Chiến lược của ông Abbott là gắn kết toàn diện với khu vực: Nhật Bản, Trung Quốc, Indonesia, Ấn Độ. Điều này phù hợp với xu hướng chiến lược như Medcalf nhận định: “Sự tự lực của khu vực đang diễn ra cho dù có vai trò của Mỹ hay không. Khu vực đang đưa ra quyết định, chứ không phải chỉ là Washington hoặc Tokyo.”

Vấn đề ở khu vực hiện nay là sự mâu thuẫn không thể giải thích trong hành vi của Trung Quốc: Nước này tuyên bố ưu tiên của mình là phát triển kinh tế trong nước, nhưng lại phát động những chiến dịch tranh giành lãnh thổ theo kiểu cách trước đây tại Biển Đông dù biết rõ rằng điều này sẽ báo động những quốc gia láng giềng của mình. Gs. Wesley cho rằng “câu hỏi lớn nhất trên thế giới hiện nay là: Tại sao Trung Quốc lại quyết đoán như vậy? Nó đang tạo ra trên biên giới của mình những tình huống mà nước này đã cố gắng tránh kể từ 1978. Trong vòng 30 năm qua…”

“Chúng ta đang ở giai đoạn mà tôi gọi là mối quan hệ mang tính chất ghen tuông giữa các cường quốc. Điều này có nghĩa là những nước như Australia khi đưa ra những quyết định dù nhỏ thì cũng có thể bị diễn giải thái quá. Nếu chúng ta được thấy là quá gần với Trung Quốc thì Mỹ và Nhật Bản sẽ phản ứng. Nếu chúng ta được thấy là quá gần với Nhật Bản, khi đó Trung Quốc sẽ phản ứng”.

Đây chính là vùng nước chiến lược mới. Sự hỗn loạn này sẽ còn trở nên tồi tệ hơn vì quan hệ Trung Quốc-Nhật Bản dường như đang tiến tới ngày càng xấu hơn. Với lợi ích quốc gia của Australia, quy mô kinh tế và vai trò trong hệ thống đồng minh của Mỹ, Australia ngày càng gắn vào sự thay đổi trong cân bằng quyền lực hiện nay. Không thể có sự trung lập. Rút khỏi quan hệ của chúng ta với Mỹ hay Nhật Bản sẽ được xem là hành động của một quốc gia yếu đuối, không chắc chắn và dễ dàng bị ép nếu có áp lực.

Khi các TTg Abbott và Abe phát biểu về việc tuân thủ luật pháp, chứ không phải sử dụng sự ép buộc đang hiện hữu ở Biển Đông, đó là thông điệp được mã hóa dành cho Trung Quốc. Không còn nghi ngờ gì về việc nguyên trạng trong khu vực sẽ thay đổi. Vấn đề là sự thay đổi đó sẽ diễn ra như thế nào.

Vai trò thực sự với chính sách của Australia ở châu Á sẽ vẫn là sự can dự toàn diện. Đó là sự bảo đảm tốt nhất. Điều đó đòi hỏi phải can đảm hơn và có quan điểm cứng rắn hơn về lợi ích quốc gia so với trước đây.

Theo The Australian

Trần Quang (gt)