Hội nghị Thượng đỉnh Hàn – Trung – Nhật lần thứ tư diễn ra tại Nhật Bản trong hai ngày 22 - 23/ 5 đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận thế giới. Hội nghị ba bên này diễn ra vào thời điểm Nhật Bản vừa phải hứng chịu thảm họa động đất, sóng thần và sau đó là sự cố tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima. Bên cạnh đó, truyền thông thế giới đều đồng loạt đưa tin nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Châng In đã có chuyến thăm bất ngờ tới quốc gia láng giềng Trung Quốc. 

Sau hai ngày làm việc, các nhà lãnh đạo ba quốc gia Đông Á đã ký Tuyên bố chung về hòa bình hướng tới sự thịnh vượng của thế giới cùng với ba văn bản phụ đi kèm (gồm hợp tác an toàn năng lượng hạt nhân, hợp tác phòng chống thiên tai và tăng trưởng lâu dài thông qua việc nâng cao tính hiệu quả của năng lượng tái sinh và chú trọng các biện pháp bảo tồn năng lượng). Các bên nhất trí tăng cường hợp tác để quản lý thảm họa thiên tai, an toàn năng lượng hạt nhân, rút kinh nghiệm từ bài học đối phó với thảm họa động đất và sóng thần gần đây tại Nhật Bản, đồng thời ủng hộ một bán đảo Triều Tiên không có vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, điều quan trọng ở đây không phải là những lời tuyên bố mà phải là những hành động cụ thể. Theo các nhà phân tích, Bắc Kinh chính là bên cần phải tuân thủ những nguyên tắc đã đề ra trong thỏa thuận trên. Thực tế cho thấy mọi cam kết quốc tế mà có sự tham gia của Trung Quốc đều không thể trở thành hiện thực nếu thiếu “sự hợp tác” thiện chí của Bắc Kinh.

Cũng tại Hội nghị trên, các nhà lãnh đạo ba nước Hàn – Trung – Nhật cũng bày tỏ sự lo ngại về chương trình làm giàu urani của Bắc Triều Tiên và nhấn mạnh đối thoại liên Triều cần được tiến hành một cách chân thật và mang tính xây dựng. Theo đó, ba nước ủng hộ việc Bình Nhưỡng cần nỗ lực tích cực tiến tới đối thoại song phương với Xơun trước khi vòng đàm phán sáu bên về vấn đề hạt nhân của Bắc Triều Tiên được nối lại. Các nhà phân tích cho rằng việc lãnh đạo ba nước Đông Bắc Á kêu gọi Bắc Triều Tiên tích cực thực hiện đối thoại liên Triều trong bối cảnh ông Kim Châng In đang có chuyến thăm Trung Quốc có thể sẽ góp phần mở ra một giai đoạn mới trong việc giải quyết vấn đề hạt nhân của Bình Nhưỡng vốn đang rất bế tắc hiện nay.

Theo nhận định của giới chuyên gia, nếu Bắc Kinh tiếp tục thể hiện thái độ “bênh vực” Bình Nhưỡng trong khi vẫn lên tiếng yêu cầu một bán đảo Triều Tiên không có vũ khí hạt nhân thì chắc chắn Bắc Triều Tiên sẽ chẳng bao giờ từ bỏ tham vọng đang theo đuổi. Chính vì vậy, điều mà Bắc Kinh cần làm là phải đưa những cam kết của mình trong Hội nghị trên vào ứng dụng trong việc thực thi Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ). Nếu Bắc Kinh thực sự mong muốn một bán đảo Triều Tiên không có vũ khí hạt nhân thì đây chính là thời điểm lý tưởng để thể hiện quan điểm đúng đắn của mình. Theo đó, Trung Quốc cần đưa ra lời khuyên để “người anh em” láng giềng Bắc Triều Tiên sớm trở thành một quốc gia bình thường khi chính thức từ bỏ vũ khí hạt nhân, cải cách và mở cửa. Bên cạnh đó, Bắc Kinh cần phải từ chối hợp tác quân sự với Bình Nhưỡng bởi đó chính là nguyên nhân gây tổn hại đến hòa bình ở khu vực Đông Bắc Á nói chung và bán đảo Triều Tiên nói riêng. Đây cũng chính là vấn đề then chốt mà Tuyên bố chung nói trên có được với Trung Quốc - nước đang nắm giữ chiếc ghế Ủy viên thường trực HĐBA LHQ.

Khi tin tức về rò rỉ phóng xạ tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima của Nhật Bản bị lọt ra ngoài, Tôkiô đã không kịp thời thông báo cho các quốc gia láng giềng những thông tin chính xác nhất về vụ việc này. Lãnh đạo ba nước trên đã đạt được thỏa thuận xây dựng hệ thống cảnh báo sớm trong trường hợp khẩn cấp và thảo luận biện pháp thúc đẩy giao lưu giữa các chuyên gia hạt nhân. Ngoài ra, ba bên cũng nhất trí chia sẻ thông tin về quan trắc khí tượng khi sự cố nhà máy điện hạt nhân xảy ra, nhanh chóng viện trợ khắc phục hậu quả thiên tai và hợp tác cùng huấn luyện lực lượng cứu hộ đối với những thảm họa quy mô lớn. Nếu việc xây dựng và vận hành các nhà máy điện hạt nhân là điều bắt buộc thì vấn đề an toàn là yêu cầu đầu tiên và bên cạnh đó phải giảm thiểu tối đa mọi thiệt hại.

Theo báo trên, 13 nhà máy điện hạt nhân của Trung Quốc đang hoạt động và đều được xây dựng ở vùng bờ biển phía Đông Nam của quốc gia này. Bên cạnh đó, Bắc Kinh đang tiếp tục cho xây dựng thêm 27 nhà máy khác. Chính vì vậy, nếu có tai nạn xảy ra tại các nhà máy điện hạt nhân của Trung Quốc thì Hàn Quốc, Nhật Bản và cả Trung Quốc đều là những nước phải hứng chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi gió luôn thổi từ Tây sang Đông. Cũng theo các chuyên gia trên, cùng với nỗ lực thúc đẩy phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên, vấn đề không kém phần quan trọng hiện nay đối với cả ba nước trên - đặc biệt là Trung Quốc - đó chính là sự an toàn của các lò phản ứng hạt nhân của Bắc Triều Tiên.

 

Theo DongA

Đinh Anh (gt)