“Xoay trục” chưa bao giờ là từ thích hợp nhất để miêu tả cách chính quyền Obama tiếp cận với tình hình ở Thái Bình Dương. Kể cả “tái cân bằng” cũng không phải từ thích hợp. Cả hai từ đó đề cập đến những tình huống khác.

Việc Mỹ đóng vai trò nổi trội trong việc gìn giữ hòa bình và an ninh ở Thái Bình Dương chẳng phải chuyện mới mẻ. Từ lâu Mỹ đã là một cường quốc không thể thiếu ở khu vực này. Những gì mà chính quyền Obama đang thực hiện là tìm kiếm những cách thức mới để thể hiện cam kết lâu dài của Mỹ với vai trò này.

Cho dù giá trị của những phương thức mà Mỹ đang thực hiện, chẳng hạn như việc triển khai căn cứ luân chuyển tại Úc và các tàu chiến ven biển luân phiên qua Sing-ga-po có mang những ý nghĩa đặc biệt như thế nào, thì không gì thể hiện hơn việc Mỹ tôn trọng các điều khoản trong hiệp ước quân sự với Phi-lip-pin trong hoàn cảnh bế tắc hiện tại với Trung Quốc ở bãi cạn Scarborough. 

Không ai đề cập đến chiến tranh ở Biển Đông. Thật vậy, việc vạch một ranh giới đỏ quanh Phi-lip-pin có lẽ sẽ làm giảm khả năng xảy ra xung đột vũ trang. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc không phải là những người không có lý trí. Họ sẽ không tính toán sai lầm nếu họ nhận ra mối liên quan trực tiếp trong hiệp ước giữa Mỹ và Phi-lip-pin. Và mặc dù Mỹ không có lợi ích trực tiếp từ việc tranh chấp lãnh thổ này, nhưng hiệp ước giữa Mỹ và Phi-lip-pin có ý nghĩa quan trọng đối với tình hình bế tắc hiện tại giữa Trung Quốc và Phi-lip-pin.

Hiệp ước Phòng thủ Chung giữa Mỹ -Phi-lip-pin (MDT) “quy định rằng một cuộc tấn công vũ trang ở Thái Bình Dương xảy ra với một trong hai nước sẽ đe dọa hòa bình và an toàn của nước còn lại. Hiệp ước khẳng định hai bên sẽ giải quyết các mối đe dọa chung dựa trên những quy trình đã được định sẵn”. Hiệp ước bao quát ba trường hợp sau:

-  Tấn công trên lãnh thổ Phi-lip-pin (hoặc Mỹ);

-  Tấn công trên lãnh thổ đảo thuộc quyền tài phán của Phi-lip-pin hoặc Mỹ trên Thái Bình Dương;

-  Tấn công các lực lượng vũ trang, tàu dân sự, hoặc máy bay của mỗi bên ở Thái Bình Dương.

 

Trường hợp đầu tiên rõ ràng không liên quan đến xung đột hiện tại. Trong trường hợp thứ hai, Mỹ đã giải thích rõ rằng Hiệp ước không bao hàm những vùng mà Phi-lip-pin tự yêu sách chủ quyền mà chỉ công nhận ranh giới của Phi-lip-pin như đã nêu trong hiệp ước. (Trên thực tế, trong những năm qua, có lẽ Mỹ đã quá rạch ròi đến mức gây nhầm lẫn trong vấn đề này. Khi xảy ra tranh chấp trên một trong số những đảo thuộc quần đảo Trường Sa, Mỹ khó có thể giữ vai trò trung lập trong hoàn cảnh trước một cuộc tấn công lên một trong những hòn đảo quần đảo Trường Sa nằm dưới sự quản lý của chính quyền Phi-lip-pin).

Trong tình huống bế tắc hiện tại ở Scarborough giữa Trung Quốc và Phi-lip-pin, sự can dự của bên thứ ba là điều hiển nhiên.

Năm 1979, Bộ Trưởng Ngoại Giao Mỹ Cyrus Vance đã khẳng định trong lá thư chính thức tới Bộ Trưởng Ngoại Giao Phi-lip-pin xác nhận rằng: hiệp ước phòng thủ chung bao gồm cả “cuộc tấn công đối với quân đội, tàu bè dân sự và máy bay của Philipin dù cho các tấn công đó có xảy ra trên lãnh thổ đất liền và biển của Philippin hay không. Sự xác nhận này đã  phân ra rành mạch các trường hợp tấn công liên quan đến chủ quyền lãnh thổ đối và các trường hợp liên quan đến  quân đội và tàu dân sự.

Đại sứ Mỹ Thomas Hubbard đã tái khẳng định lại những cam kết này vào năm 1999 trong các cuộc thảo luận về "Hiệp định Viếng thăm Quân đội" giữa Mỹ và Phi-lip-pin. Ông Hubbard còn nhấn mạnh rằng: “Mỹ coi Biển Đông là một phần của Thái Bình Dương.”

Những trích dẫn này được Bộ Ngoại Giao Phi-lip-pin công bố vào đầu tháng 5 của năm nay và Mỹ vẫn chưa bác bỏ về tính chính xác của chúng.

Trong hoàn cảnh hiện tại, những tuyên bố này có nghĩa rằng nếu như có tàu nào của Phi-lip-pin triển khai xung quanh bãi cạn Scarborough bị Trung Quốc tấn công, hành vi đó sẽ dẫn đến việc hiệp ước MDT có hiệu lực. Điều này không có nghĩa với việc Mỹ sẽ phản ứng vũ trang ngay lập tức. Nó có nghĩa là Mỹ công nhận cuộc tấn công của Trung Quốc gây nguy hiểm tới hòa bình và an toàn của chính Mỹ và khẳng định rằng Mỹ sẽ hành động để đối phó với mối nguy hiểm đó. Từ đó, tham vấn song phương giữa Mỹ và Phi-lip-pin được tổ chức nhằm xác định phương thức hành động thích hợp. (Trong tình huống hiệp ước phòng thủ chung, những tham vấn này không hề mang tính chất nhất thời. Mọi hiệp ước của Mỹ trong khu vực đều mang chung sắc thái ngoại giao và cơ chế tham vấn).

Nếu như Mỹ chính thức tuân thủ hiệp định, Mỹ có thể phản ứng bằng nhiều cách từ việc lên tiếng chỉ trích Trung Quốc đến việc tăng cường bảo vệ cho các tàu của Phi-lip-pin. Việc quyết định lựa chọn phương thức phản ứng liên quan đến chính trị và phụ thuộc nhiều vào hoàn cảnh của xung đột. Tuy nhiên, việc khẳng định rằng hành động của Trung Quốc tại Biển Đông gây nguy hiểm đến hòa bình và an toàn của khu vực sẽ tạo nên những ảnh hưởng to lớn. Những khẳng định như vậy sẽ khiến cho quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc không thể bình thường như trước được nữa.

Trung Quốc đang thử tính vững chắc của hiệp ước giữa Mỹ và Phi-lip-pin. Cách chính quyền Mỹ xử lí thách thức này có ý nghĩa quan trọng trong khu vực, nhất là đối với những đồng minh khác như Nhật Bản và Hàn Quốc; với Đài Loan, nơi Mỹ có tránh nhiệm an ninh đặc biệt; và với những  bên như Ấn Độ, nơi mà lòng tin đã bị sụt giảm sau khi Mỹ rút quân sớm khỏi Afghanistan.

Nói tóm lại, nếu như chính quyền Obama không ủng hộ các nước đồng minh trong vấn đề Biến Đông, các nước này sẽ không còn lòng tin ở Mỹ. Vai trò trung tâm của Mỹ trên thế giới cũng không thể bù đắp cho sự mất mát này.

Walter Lohman là Giám Đốc của bộ phận Nghiên Cứu Châu Á tại Heritage Foundation. Ông là tác giả của bài viết gần đây nhất: “Bãi cãn Scarborough và việc bảo đảm các lợi ích của Mỹ”.

Theo The Diplomat

Thu Trà (gt)