Các nước liên quan - đặc biệt là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và ở một mức độ thấp hơn là hòn đảo Đài Loan - đang đòi hỏi các năng lực phô diễn sức mạnh mới mở rộng hơn đồng thời thể hiện sự "sẵn sàng chính trị" sử dụng chúng vì những lý do chiến lược khác nhau.

Quả thực, lần đầu tiên kể từ nỗ lực của Nhật Bản nhằm khẳng định sự hiện diện chiến lược trong khu vực hồi nửa đầu thế kỷ 20, các quốc gia Đông Á hiện sở hữu khả năng theo đuổi các chiến lược an ninh quốc gia dựa trên năng lực phô diễn sức mạnh hiện đại: Trung Quốc đang theo đuổi chiến lược hiện đại hóa lực lượng toàn diện để giành lại và tái khẳng định vai trò địa chính trị lịch sử của mình trong khu vực; Nhật Bản đặt mục tiêu vượt qua những rào cản của hiến pháp hòa bình thời hậu chiến và học thuyết Yoshida; Hàn Quốc tìm cách bù đắp bất kỳ cuộc khủng hoảng tiềm tàng nào trong tương lai xuất phát từ cạnh tranh giữa các cường quốc; và Đài Loan tìm cách duy trì "sự răn đe" với Trung Quốc. Vì những lý do này, sức mạnh không quân và hải quân kết hợp với vũ khí tấn công chính xác, tên lửa đạn đạo và hành trình, và hệ thống C4ISR đang ngày càng trở thành "những nền tảng lựa chọn" khi cho phép các cường quốc khu vực vượt qua "sự chuyên chế địa lý" (hay cạm bẫy địa chính trị truyền thống). 

Bất chấp tranh cãi tiếp diễn về năng lực, ý đồ, sự thiếu chiến lược và công nghệ, Không quân Trung Quốc (PLAAF) đang có tiến bộ nhanh chóng và tương đối quan trọng trong việc chuyển đổi không chỉ khí tài, mà còn là những ưu tiên chiến lược, cấu trúc lực lượng và khái niệm hoạt động. Chỉ trong hơn một thập kỷ, PLAAF đã loại bỏ hầu hết máy bay chiến đấu lỗi thời do Liên Xô thiết kế hồi thập niên 1950 (J-6 và J-7) và thay thế bằng hơn 400 máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư (J-10, các biến thể J-11), trang bị tên lửa không đối không hiện đại, đạn dẫn đường chính xác, và năng lực bay trong mọi điều kiện thời tiết. Máy bay kiểm soát và cảnh báo sớm (KJ-2000) lần đầu tiên do Trung Quốc tự chế tạo và hệ thống phòng không tầm xa (HQ-9) thế hệ mới cũng đang được đưa vào phiên chế. 

Tuy nhiên, có lẽ điều quan trọng nhất là việc ngành công nghiệp hàng không quốc phòng Trung Quốc đã tăng tốc các chương trình nghiên cứu, phát triển và thử nghiệm của mình: từ máy bay chiến đấu đa chức năng trên tàu sân bay (J-15), máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ năm (J-20 và J-31), máy bay vận tải hạng nặng (Y-20), đến các thiết bị bay không người lái và các hệ thống bay siêu thanh trong tương lai. Mặc dù các rào cản công nghệ vẫn tồn tại, đặc biệt trong việc tự phát triển động cơ phản lực hiện đại (WS-10A), nhưng cũng không đủ để ngăn cản PLAAF khái niệm hóa tầm nhìn dài hạn về không lực.

Học thuyết không lực Trung Quốc đặt ra mục tiêu đến năm 2030 sẽ tiến hành các chiến dịch trên không độc lập trong bán kính 3.000 km bên ngoài Trung Quốc: chuyển đổi nhiệm vụ chính từ phòng không truyền thống trên bộ, đánh chặn, và hỗ trợ trên không sang tấn công răn đe và chiến lược trên biển. Trong bối cảnh đó, khái niệm "tấn công và phòng thủ đồng thời" của PLAAF (tấn công đối không kết hợp với tên lửa đạn đạo đối hạm (ASBM) của quân đoàn Pháo binh số 2) được xem là có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.

Dù phản ứng với sự trỗi dậy dần dần của Trung Quốc trên trường quốc tế là khác nhau, song hầu như không một quốc gia nào trong khu vực cảm thấy "thoải mái" trước những chính sách quyết đoán hơn của Trung Quốc, đặc biệt trong tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông và Biển Hoa Đông. Thực tế là hiện không quốc gia nào trong khu vực có đủ năng lực đơn phương đối kháng tham vọng chiến lược của Trung Quốc mà không có hỗ trợ từ Mỹ. 

Thách thức quân sự của Trung Quốc mang lại thế "tiến thoái lưỡng nan" đặc biệt với Nhật Bản (vốn đang bị bó buộc bởi các điều ước lịch sử, vấn đề chính trị và pháp lý trong liên minh Nhật-Mỹ). Tuy nhiên, những năm gần đây Nhật Bản đã có các bước hướng tới chính sách an ninh mạnh mẽ hơn là "Phòng vệ năng động", tìm kiếm tính linh hoạt trong hoạt động và chiến lược để ứng phó những tình huống bất ngờ ở khu vực. Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản đang dần chuyển hình mẫu sứ mệnh từ phòng thủ tĩnh truyền thống sang năng lực răn đe và phô diễn sức mạnh nhiều hơn: mua máy bay MV-22 Ospreys, máy bay chiến đấu F-35, máy bay không người lái Global Hawk và tàu đổ bộ.

Tương tự, các cải cách quốc phòng liên tục của Hàn Quốc không chỉ nhằm mục đích tăng cường năng lực đối phó với các mối đe dọa không tương xứng của Triều Tiên, mà còn nhằm phát triển cả năng lực không quân và hải quân để bổ sung cho sự hiện diện chiến lược lâu dài của Mỹ ở Đông Á. Để đạt mục tiêu này, các chương trình hiện đại hóa quốc phòng của Hàn Quốc nhiều khả năng sẽ bao gồm cả việc mua máy bay chiến đấu tàng hình F-35, trực thăng đa chức năng, tàu ngầm, tàu khu trục, tên lửa đất đối không, hệ thống cảnh báo sớm, vũ khí tấn công chính xác độc lập, và C4ISR thế hệ mới.

Cuối cùng, những thực tế chiến lược đang thay đổi của Đông Á cùng sự phổ biến của công nghệ vũ khí không quân, hải quân và vũ trụ thế hệ mới sẽ là những yếu tố làm hạn chế năng lực của Mỹ trong việc định hình môi trường an ninh khu vực. Năng lực phô diễn sức mạnh lớn hơn của Trung Quốc và các nỗ lực giành lại những gì mà Bắc Kinh xem là sự hiện diện chiến lược "hợp pháp" của mình ở Đông Á sẽ khiến khả năng ứng phó với khủng hoảng của Mỹ và các đồng minh ở khu vực gặp nhiều khó khăn. 

Nhà nghiên cứu Michael Raska thuộc Viện Nghiên cứu Quốc phòng và Chiến lược (Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore)

Thùy Anh (gt)