Trong một bài phân tích mới đây, nhà nghiên cứu cấp cao Robert D. Kaplan của Trung tâm vì An ninh nước Mỹ mới ở Oasinhtơn nhận định những rắc rối và căng thẳng gần đây ở Biển Đông cho thấy quyết tâm hướng ra biển của Trung Quốc. Trung Quốc hiện có hơn 70 tàu ngầm. Cuối năm 2010, Trung Quốc đã đưa vào hoạt động một loại tàu ngầm tấn công điêzen-điện (SSK) mới được trang bị hệ thống đẩy tiên tiến cho phép lặn lâu hơn dưới nước, đó là chưa kể đến chương trình tàu sân bay được phát triển trên nền tảng tàu sân bay Varyag của Ucraina đã gần hoàn thành. Một số nhà quan sát cho rằng mặc dù tàu sân bay này hữu dụng cho huấn luyện hơn là tác chiến, song nó chứng tỏ Trung Quốc đã có một kế hoạch phát triển dài hạn đầy tham vọng cho hải quân của mình. 

Động thái trên đã làm dấy lên sự lo ngại của nhiều nước trong khu vực. In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a và Xinh-ga-po đã bổ sung tàu ngầm vào hạm đội của mình. Việt Nam, Thái Lan và Philíppin đã tuyên bố ý định trang bị tàu ngầm cho hải quân. Thái Lan, mặc dù không có yêu sách ở Biển Đông, cũng đã tuyên bố công khai kế hoạch mua tàu ngầm Type-206 của Đức để thích ứng với hoạt động hiện đại hóa hải quân của các nước láng giềng. Ngay cả Philíppin cũng đã công bố "Kế hoạch 2020 Sail", trong đó bao gồm cả việc mua tàu ngầm.

Ông Kaplan cho rằng trong khi tranh chấp chưa được giải quyết, sự phát triển như trên có thể tạo ra những tính toán và nhận thức sai lầm nếu không có một cơ chế điều tiết có hiệu quả. Nguy hiểm hơn là nó có thể tạo ra một chuỗi phản ứng thúc đẩy cho một cuộc chạy đua vũ khí hải quân trong khu vực.

Theo ông Supriyanto, với tư cách là Chủ tịch ASEAN năm 2011, In-đô-nê-xi-a có thể đóng vai trò tích cực trong vấn đề tranh chấp ở Biển Đông. In-đô-nê-xi-a cũng từng có kinh nghiệm riêng của mình trong các vấn đề liên quan đến Trung Quốc. Đáp lại tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với một phần của đặc khu kinh tế của mình, Inđônêxia đã tổ chức cuộc tập trận chung lớn nhất của quân đội năm 1996. Trung Quốc hiện đang "đi trên dây". Bất kỳ sai lầm nào cũng sẽ làm cho tình hình trở nên bấp bênh hơn. Nếu Trung Quốc tiếp tục đe dọa tấn công hay trừng phạt, các nước láng giềng không những sẽ tăng cường sức mạnh quốc phòng của họ mà còn chào đón các nước bên ngoài, như Mỹ, tham gia.

Do vậy, In-đô-nê-xi-a - với nhiều biện pháp khác nhau - có thể hỗ trợ cho những nỗ lực xem xét lại Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Tài liệu này không hiệu quả do thiếu sự rõ ràng và các thỏa thuận ràng buộc. Nếu không có sự bắt buộc đi đến một nghị quyết cuối cùng cho tranh chấp thì cũng cần những biện pháp có thể được thực hiện để cấm sử dụng hoặc đe dọa dùng vũ lực trong quá trình của nó.

Biện pháp đầu tiên là nâng DOC thành một cơ sở pháp lý có trọng lượng hơn, liên kết tất cả các bên. Các bên có thể tham khảo thỏa thuận về "sự cố trên biển" giữa Mỹ và Liên Xô trước đây hồi năm 1972.

Biện pháp thứ hai là tạo ra một cách tiếp cận phối hợp để tiến hành các "hoạt động hợp tác" như Điều 6 của DOC quy định. Điều này có nghĩa là khi bất kỳ bên nào muốn tiến hành nghiên cứu khoa học biển đều phải mời các bên khác quan sát, hoặc ít nhất là thường xuyên có những thông báo. Chính sách như vậy cũng có thể là một phần của các biện pháp xây dựng lòng tin cần thiết để tạo dựng sự tin tưởng giữa các bên tranh chấp.

Biện pháp thứ ba là tăng cường các cuộc thảo luận trong khu vực liên quan đến các vấn đề hàng hải. Ví dụ, vấn đề Biển Đông cần là một nội dung thảo luận thường xuyên tại Diễn đàn Hàng hải ASEAN. 

Biện pháp thứ tư là cải thiện các cơ chế hiện tại để các nước tiến hành tập trận quân sự. Cách tiếp cận hiệu quả nhất có thể là tiến hành tập trận chung giữa các bên tranh chấp. 

Như vậy, In-đô-nê-xi-a phải có khả năng thuyết phục đối với tất cả các bên, phải chỉ rõ cho họ thấy họ đang ở trên cùng một con thuyền, một giải pháp hòa bình cho tranh chấp sẽ đòi hỏi nhiều nỗ lực và thời gian, do vậy đe dọa hay sử dụng vũ lực sẽ chỉ làm cho tình hình trở nên tồi tệ hơn.

Theo Jakarta post

Hương Trà (gt)