Vị trí của Indonesia có tầm quan trọng chiến lược vì sự tham gia của nước này vào ASEAN, Thượng đỉnh Đông Á (EAS) và G20. Làm thế nào để Indonesia có thể cải thiện được vai trò và phối hợp quan điểm trong các thể chế khu vực và toàn cầu này. Ở cấp tiểu khu vực, Indonesia đóng vai trò rất quan trọng trong ASEAN bởi nước này là Chủ tịch ASEAN 2011. Indonesia đã sử dụng cách tiếp cận khu vực để thúc đẩy lợi ích quốc gia bằng cách tạo ra các chương trình nghị sự và kết quả trong khuôn khổ ASEAN. Chủ đề của ASEAN năm 2011 phản ánh thực tế Indonesia sẽ đảm bảo việc thực hiện Cộng đồng ASEAN 2015. Sau đó, Indonesia sẽ lái ASEAN thành tổ chức lấy người dân làm trung tâm. Indonesia cũng muốn thúc đẩy giá trị của mình như xã hội đa nguyên, Hồi giáo ôn hòa và dân chủ để theo đuổi vai trò lãnh đạo tại Đông Nam Á vốn đã bị suy giảm từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á cuối những năm 1990. Indonesia cũng đã nâng cao vai trò của mình với tư cách là Chủ tịch ASEAN vào việc điều phối EAS bằng cách triển khai cách tiếp cận đa nguyên để đảm bảo rằng ASEAN là lực lượng chèo lái trong việc thúc đẩy cấu trúc khu vực. Việc kết nạp Nga và Mỹ sẽ cải thiện uy tín của Thượng đỉnh năm nay, đồng thời cũng thể hiện sự trỗi dậy của lục địa châu Á với tư cách là trung tâm kinh tế toàn cầu. Indonesia hiểu rằng sự trung lập của ASEAN là rất cần thiết để duy trì sự cân bằng quyền lực giữa Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ và Nga trong EAS. Sự tham gia của nước này sẽ thúc đẩy hoạt động đầu tư và thương mại tại khu vực. Indonesia không muốn vai trò của ASEAN bị suy giảm khi chuyển giao EAS thành Cộng đồng Đông Á cuối cùng cũng đã bắt đầu diễn ra.

Ở cấp độ đa phương, Indonesia sẽ sử dụng cách tiếp cận đa phương bằng cách tận dụng tối đa vị trí vừa là thành viên G20 vừa là nền kinh tế đang nổi. Cùng lúc, Indonesia đại diện cho cả ASEAN và EAS tại Nhóm các nước đầy thanh thế này bởi Indonesia vừa thành Chủ tịch ASEAN vừa là tiêu điểm của EAS. Từ các cấp độ và cấu trúc phức tạp hiện nay, sự phối hợp hiệu quả là cần thiết để tăng cường vai trò của Indonesia trong ASEAN, EAS và G20. Sự phối hợp hiệu quả có thể đạt được bằng cách: Một là, Indonesia phải tăng cường chính sách đối ngoại tự do và tích cực để củng cố sự cân bằng năng động dựa trên nguyên tắc của Trục Lợi ích đối xứng trong cả 3 cấp độ. Trên thực tế, Indonesia phải là cầu nối giữa ASEAN, Đông Á và G20. Hai là, Indonesia cần duy trì vai trò là người chơi chính ở các cấp độ khác nhau. Trên thực tế, Indonesia phải thúc đẩy sự gắn kết cởi mở với ASEAN, EAS và G20, áp dụng ngoại giao đa chiều với sự tham gia của chính phủ, xã hội dân sự và các học giả. Ba là, Indonesia phải đảm bảo rằng sự hội nhập khu vực trong ASEAN sẽ tiến triển theo những đường hướng phù hợp. Và cuối cùng, Indonesia nên tiếp tục cải tổ quản lý chính phủ và cộng tác với các nhân tố phi nhà nước để duy trì vai trò hiệu quả trong ASEAN, EAS và G20.

Ngày 3/10, phát biểu tại hội nghị ASEAN các nhà tổ chức bầu cử, diễn ra tại Phủ Tổng thống, Tổng thống Susilo B. Yudhoyono cho rằng Indonesia đã trải qua 3 lần bầu cử “công bằng và hòa bình”: lần bầu cử dân chủ đầu tiên diễn ra vào năm 1999, chấm dứt chế độ độc tài Soeharto kéo dài nhiều thập niên; lần thứ hai được tổ chức vào năm 2004, mở ra thời kỳ mới khi toàn dân tham gia bầu cử trực tiếp Tổng thống. Tổng thống hiện nay là đời Tổng thống thứ 6 của Indonesia. Ông cho rằng: “Chúng tôi đã trải qua một quá trình lâu dài, đôi khi gặp nhiều đau đớn. Nhưng từ đó, nền dân chủ tại Indonesia ngày càng trưởng thành hơn lên”. Theo Tổng thống Yudhoyono, một nền dân chủ non yếu chỉ dẫn đến xung đột nội tại, tạo nên bất ổn chính trị ; vì vậy, Indonesia sẽ tiếp tục đi theo con đường cải cách hệ thống bầu cử nhằm củng cố sinh hoạt dân chủ, qua đó phản ánh đúng những giá trị thật sự của đất nước.

Hội nghị nói trên là hội nghị đầu tiên được tổ chức tại Indonesia, diễn ra trong 2 ngày 3 - 4/10. Tham dự và giới thiệu kinh nghiệm tại hội nghị có đại biểu đến từ các nước thành viên ASEAN như Malaysia, Thái Lan, Campuchia, Myanmar và Philippines. Ngoài ra, còn có đại diện các nước không thành viên ASEAN: Đông Timor, Mỹ, Australia và Ấn Độ. Tại hội nghị, nước chủ nhà Indonesia đã phân tích tình trạng rối ren của đợt bầu cử 2009: đó là lần bầu cử lớn nhất và phức tạp nhất trong lịch sử Indonesia từ trước đến nay, vì liên quan đến hơn 171 triệu cử tri trên toàn quốc, 5 triệu nhân viên phục vụ tại các đơn bị tổ chức bầu cử địa phương, 44 đảng phái chính trị tham gia tranh cử, thời gian vận động tranh cử kéo dài đến 9 tháng, tốn 700 triệu ram giấy in ấn các loại, ngốn hết 9,8 ngàn tỷ Rupiah của ngân sách quốc gia./.

Hồng Nga (gt)