Washington tập trung ổn định khu vực bằng cách cổ vũ tất cả các bên tôn trọng nguyên tắc và luật pháp quốc tế, đồng thời khẳng định rõ ràng quan điểm của mình về cách giải quyết xung đột theo đường hướng hòa bình. Bên cạnh đó, Washington cũng rất chú trọng các sáng kiến nhằm điều chỉnh những sự mất cân bằng về sức mạnh giữa các quốc gia ASEAN - như Philippines, Việt Nam, Malaysia, Indonesia, Brunei - và Trung Quốc. Không chỉ vậy, Washington còn chủ động tăng cường các hành động răn đe như thắt chặt liên minh với Philippines.

Chính quyền Mỹ đã nhận thức được tầm quan trọng của sự hiện diện quân sự tại Đông Nam Á cũng như trên Biển Đông. Để phục vụ mục tiêu này, Washington đã bổ sung thêm bốn tàu khu trục cỡ nhỏ cho hạm đội của mình đang đóng tại Singapore. 

Song song với đó, Mỹ cũng đang có kế hoạch tăng cường sự hiện diện quân sự luân phiên tại Philippines. Thỏa thuận Tăng cường Hợp tác Quốc phòng 2014 (EDCA) giữa Washington và Manila đã cho phép quân đội Mỹ triển khai các lực lượng đồn trú luân phiên trên lãnh thổ Phillipines. Thỏa thuận có hiệu lực trong vòng 10 năm này sẽ cho phép các lực lượng Mỹ được quyền tiếp cận các cơ sở hạ tầng quân sự của Philippines, như căn cứ không quân Clark và căn cứ hải quân ở Vịnh Subic. EDCA cũng bao gồm điều khoản quy định sự hỗ trợ của Mỹ đối với kế hoạch hiện đại hóa Lực lượng Không quân Philippines (AFP), với mục tiêu triển khai một "lực lượng phòng thủ có đủ năng lực".

Những thỏa thuận triển khai quân mà Mỹ thực hiện với Singapore và Philippines là hết sức quan trọng bởi đây là những nhân tố mở đường cho sự hiện diện thường trực của Mỹ tại Đông Nam Á, nhất là với các nước ven Biển Đông. Sự gần gũi này không chỉ thể hiện tầm ảnh hưởng mà còn giúp trấn an các đối tác bè bạn và các đồng minh trong khu vực rằng Mỹ không bao giờ "bỏ rơi" Biển Đông để Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) "tự tung tự tác".

Diễn tập quân sự chung cũng là một cách hiệu quả để tăng cường sự hiện diện và giúp củng cố năng lực của đối tác. Có thể nói, việc hỗ trợ để củng cố năng lực của đối tác là một trong những nội dung quan trọng trong chính sách đối với Biển Đông mà Washington đang theo đuổi. Trong suốt 20 năm qua, Hải quân Mỹ đã liên tục tổ chức hàng loạt cuộc tập trận song phương với các đối tác Đông Nam Á.

Chỉ huy Lực lượng Đặc nhiệm 73 thuộc Hạm đội 7, đồn trú tại Singapore, hàng năm đều tiến hành các cuộc tập trận quân sự kéo dài trong nhiều tháng - được biết đến với tên gọi "Hợp tác huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu trên biển" (CARAT) - với kế hoạch huấn luyện phối hợp cùng lực lượng hải quân các nước Bangladesh, Brunei, Campuchia, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan.

Bắt đầu vào mùa Xuân hàng năm, Hải quân Mỹ và Quân đoàn Lính thủy đánh bộ Mỹ, các đơn vị thực hiện các cuộc tập trận này, sẽ dành thời gian huấn luyện tại từng quốc gia. Hoạt động huấn luyện liên tục diễn ra trong suốt khoảng 7 tháng. Chương trình, kế hoạch và bản chất của các hoạt động huấn luyện được xây dựng dựa trên nguyện vọng cụ thể của từng nước tham gia. Các cuộc tập trận này tập trung vào mục tiêu triển khai thành thục các chiến dịch và mặc dù CARAT thường diễn ra không mấy ồn ào, song quy mô và mức độ của các cuộc tập trận có thể khiến nhiều người kinh ngạc.

CARAT 2014, diễn ra từ tháng 5 tới tháng 11 vừa qua, đã có sự tham gia của hơn 40 tàu chiến, 50 máy bay tuần tra cánh bằng cùng nhiều trực thăng và hơn 10.000 quân nhân từ Mỹ và nhiều quốc gia khác. Với các nước ven Biển Đông, việc tham gia huấn luyện với lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ trong các cuộc diễn tập đổ bộ thực là một phần quan trọng trong chương trình huấn luyện thường niên.

Bên cạnh đó, CARAT 2014 còn có sự tham gia của tiểu đoàn công binh thuộc Hải quân Mỹ, nhóm chuyên gia rà phá bom mìn, các chuyên gia y tế và lặn biển. CARAT 2014 là một chương trình tương tác kéo dài 150 ngày, được triển khai với các hội thảo lập kế hoạch cùng nhiều hoạt động diễn tập trên thực địa quan trọng. Bên cạnh CARAT thường niên, Mỹ cũng tổ chức các cuộc tập trận song phương riêng với một số nước Đông Nam Á.

Trong suốt nhiều năm qua, CARAT đã không ngừng tăng cường về quy mô, mức độ và uy tín, và ngày càng có nhiều quốc gia Đông Nam Á cũng như Nam Á đề nghị được tham gia.

Với uy tín của CARAT, có ý kiến cho rằng một trong những biện pháp nhằm gia tăng sự hiện diện của Mỹ tại Biển Đông song song với việc củng cố năng lực cho các đối tác là tăng cường thời gian tiến hành CARAT với các nước như Malaysia, Indonesia và Philippines.

Việc đạt thỏa thuận để Việt Nam tham gia CARAT cũng là một cách hữu ích để thúc đẩy mục tiêu nêu trên. Ngoài ra, tác giả McDevitt cho rằng việc mời các nước ven biển khác tại châu Á như Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc và có thể là cả Ấn Độ cũng nên cần được cân nhắc, bởi nó có thể cho thấy sự quan tâm của các nước này đối với vấn đề an ninh và ổn định ở khu vực Biển Đông.

Tuy nhiên, sẽ là sai lầm nếu cho rằng cách tiếp cận của Mỹ trong vấn đề Biển Đông mang nặng màu sắc quân sự. Tác giả McDevitt cho rằng chính sách đối với khu vực này của Washington nên ưu tiên chú trọng vào các sáng kiến ngoại giao và thương mại. Tăng cường sự hiện diện của Mỹ, nhất là trên không và trên biển, sẽ trấn an các bè bạn và đồng minh rằng Mỹ cam kết theo đuổi một chiến lược dài hạn đối với Đông Nam Á nhằm bảo vệ an ninh hàng hải trong khu vực.

Cựu Đô đốc Michael McDevitt, nhà nghiên cứu cấp cao thuộc Bộ phận Nghiên cứu Chiến lược tại Trung tâm Phân tích Hải quân. Bài viết được đăng trên Asia Maritime Transparency Initiative, CSIS.

Trần Quang (gt)