Vấn đề tranh chấp Biển Đông đã diễn ra nhiều năm qua, nhưng có một số điểm đang dần trở nên rõ ràng, đó là gần đây, Bắc Kinh ngày càng kiên quyết với yêu sách chủ quyền của mình, đồng thời đưa ra một chuỗi các động thái chiến lược liên hoàn để bảo vệ chủ trương của họ. Và điều quan trọng nhất là Bắc Kinh có thể chờ đợi được.

Năm 2011, sau khi giới bên ngoài tỏ rõ sự lo ngại trước những hành động tự phụ của TQ, Bắc Kinh đã có những động thái hòa dịu hơn, nhưng vẫn kiên quyết lựa chọn đàm phán song phương với từng quốc gia có tranh chấp. Tổng Công ty Dầu khí hải dương TQ (CNOOC) tháng 6/2012 đưa ra tuyên bố mời thầu quốc tế tại 9 lô dầu khí trên Biển Đông; vài ngày sau, Bắc Kinh lại tuyên bố tiến hành “tuần tra chiến lược” tại vùng biển tranh chấp.

Ông Robert Beckmen, Chủ nhiệm Trung tâm Luật Quốc tế thuộc Đại học Quốc lập Singapore bày tỏ, hành động gọi thầu quốc tế của CNOOC có thể là một “bước ngoặt quan trọng”, động thái này “dường như đã chứng thực một điều rằng, TQ không chỉ có đòi hỏi ‘chủ quyền’ đối với các đảo và vùng biển, mà còn có tham vọng lợi ích và quyền tài phán đối với toàn bộ các nguồn tài nguyên nằm trong phạm vi đường 9 đoạn”.

TQ đang ngày càng quyết liệt trong vấn đề Biển Đông, đây vốn không phải là điều gì mới mẻ, nhưng cái mới ở đây là TQ không vượt qua giới hạn chính trị một cách rõ ràng, trong khi vẫn tăng thêm quyết tâm. Đây là điều trước đây chưa từng xảy ra.

Tháng 4/2012 vừa qua, trong bản báo cáo tựa đề “Khuấy động Biển Đông” của tổ chức International Crisis Group (Brussel) có nói rằng, TQ rất giỏi trong việc sử dụng các lực lượng phi quân sự trên biển để bảo vệ yêu sách chủ quyền của mình. Đây là biện pháp hữu hiệu và có lợi đối với Bắc Kinh. Quân đội TQ về cơ bản không tham gia vấn đề tranh chấp lãnh thổ, điều này giúp ngăn ngừa tranh chấp leo thang biến thành xung đột toàn diện. Và các nước tranh chấp đều biết rất rõ là quân đội TQ dù không xuất đầu lộ diện nhưng luôn đứng sau sẵn sàng đợi lệnh.

TQ một mặt ngày càng kiên quyết trong tranh chấp, một mặt vẫn kiên trì sử dụng các lực lượng phi quân sự để bảo vệ chủ trương, cách làm này giúp cho TQ thực hiện được điều mà Manila gọi là “xâm lược chậm”. Nhìn tổng thể, chiến lược của TQ không chỉ cho thấy sự lý tính, mà còn hết sức có lợi cho lợi ích của TQ.

Một vấn đề khác nữa là, TQ mặc dù có đủ thực lực để giành được cục diện có lợi trong tranh chấp, nhưng nếu họ gia tăng sức ép quá mức cũng sẽ ảnh hưởng không tốt đến hình ảnh “trỗi dậy hòa bình” của mình.

Một học giả người Australia mới đây khi tham gia một hội thảo khoa học tổ chức tại Singapore đã phát biểu cho rằng, trong 20 năm qua, nước Mỹ đã 2 lần có được “cơ hội vàng”, đó là vào các năm 1995 và 1996 khi xảy ra khủng hoảng vấn đề Đài Loan, Mỹ đã lập tức cử 2 hàng không mẫu hạm đến khu vực gần eo biển Đài Loan, nhằm thể hiện vai trò chỗ dựa an ninh đáng tin cậy của Mỹ đối với châu Á. Nay TQ đang ngày càng lấn lướt trong vấn đề Biển Đông, đã mang lại cho Washington một cơ hội chính trị mà họ rất có hứng thú tiếp nhận.

Học giả này cũng khuyến nghị TQ không nên tỏ ra quá quyết liệt khi phô diễn “sức mạnh mềm”, bởi như Joseph Nye từng nói, “sức mạnh mềm là biện pháp làm các nước khác tự nguyện tuân theo, chứ không phải thực hiện bằng thủ đoạn uy hiếp đe dọa”. Còn với Bắc Kinh, sức mạnh mềm là thứ có thể tích lũy lại ở bên trong, rồi “xuất khẩu” ra nước ngoài tựa như sản phẩm đồ chơi trẻ em.

Theo Straits Times

Văn Cường (gt)