Danny Russel cam kết với Thượng viện rằng ông sẽ làm mọi thứ trong quyền lực của mình để "giảm nhiệt độ" trong tranh chấp biển đảo ở Biển Hoa Đông và Biển Đông, và thúc đẩy các bên bao gồm cả Trung Quốc vào đàm phán ngoại giao. Ông cũng nói rằng "không thể chấp nhận" việc Trung Quốc đòi hỏi chỉ đàm phán song phương với các bên tranh chấp khác, và Mỹ cần ủng hộ mạnh mẽ những nỗ lực đàm phán của khu vực Đông Nam Á với tư cách một khối và để đạt được “bộ quy tắc ứng xử (COC)” giúp quản lý các tranh chấp - một nội dung sẽ được nêu ra tại các cuộc đàm phán an ninh khu vực ở Brunei cuối tháng này.

Ông Russel hiện đang là Giám đốc cấp cao của Nhà Trắng về các vấn đề châu Á, có thâm niên ngoại giao 28 năm, ít sôi nổi hơn ông Campbell, với kinh nghiệm lâu năm tại Nhật Bản và Hàn Quốc. Ông đã gắn mình với châu Á từ độ tuổi 20 khi ông dành ba năm học võ thuật tại Nhật Bản.

Ông đã đóng một vai trò trung tâm trong chiến lược "xoay trục" sang châu Á của chính quyền Obama, là người nhìn ra quyền lợi của Mỹ khi có vị trí ngoại giao về các vấn đề hàng hải. Washington đã làm Bắc Kinh khó chịu khi tuyên bố có một lợi ích quốc gia trong việc giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông.

Sáu chính quyền đã có tuyên bố chủ quyền “chồng lấn” nhau đối với các rạn san hô và các đảo nhỏ trên những vùng biển giàu tài nguyên, trong đó Trung Quốc tuyên bố có chủ quyền đối với hầu như tất cả. Trong khi nước Mỹ không nằm trong số các nước có yêu sách chủ quyền nhưng Mỹ nói có lợi ích trong tự do hàng hải trên các tuyến đường biển bận rộn ở khu vực, vốn rất quan trọng đối với thương mại thế giới.

Ông Russel nói "Tôi chắc chắn sẽ làm tất cả trong quyền lực của mình để cố gắng giảm nhiệt độ, đẩy các bên tranh chấp bao gồm cả Trung Quốc vào đàm phán ngoại giao và tiếp tục cảnh báo họ rằng các khu vực mà Trung Quốc sẽ “tung hoành” (flourish) là một khu vực của pháp luật, một khu vực trật tự, một khu vực tôn trọng các nước láng giềng, không phải nơi có chỗ cho cưỡng chế và bắt nạt ".

Ông nói rằng TTh Barack Obama và Ngoại trưởng John Kerry đã nêu lên vấn đề hành vi của Trung Quốc trên biển với các nhà lãnh đạo Trung Quốc và phía Trung Quốc "hiểu rõ rằng Mỹ đứng cạnh đồng minh của mình".

Các tranh chấp trên biển bất ổn nhất liên quan đến Trung Quốc trong vài năm qua có liên quan đến các nước có hiệp ước đồng minh với Mỹ là Philippines và Nhật Bản. Bắc Kinh đã đổ lỗi cho hai nước này đã gây căng thẳng.

Trong khi thừa nhận Mỹ - Trung Quốc cạnh tranh, ông Russel cho biết Mỹ ủng hộ Trung Quốc trỗi dậy một cách ổn định, thịnh vượng và tuân thủ các quy tắc và tiêu chuẩn quốc tế, rằng Mỹ hướng tới "hợp tác thiết thực" có lợi cho cả hai quốc gia và khu vực. Ông cho biết sự hợp tác tích cực với Trung Quốc sẽ là "cần thiết" nhằm làm cho Bắc Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân. Russel khẳng định rằng ông đã đến thăm Bình Nhưỡng trong thời gian ở Nhà Trắng. Theo ông, thúc đẩy Bắc Triều Tiên ngừng hoặc hạt chế trong chương trình hạt nhân sẽ là một ưu tiên hàng đầu nếu ông trở thành trợ lý bộ trưởng ngoại giao.

Việc bổ nhiệm ông Russel sẽ cần toàn bộ Thượng viện nhất trí.

Theo Japan Today

Trần Quang (gt)