Malcolm Fraser, cựu Thủ tướng Úc (giai đoạn 1975-1983), muốn chấm dứt sự phụ thuộc của Úc với Mỹ trong vấn đề an ninh và giành lại khả năng tự chủ. Ông Fraser đã làm đúng bởi Washington thường cư xử bản năng hơn là vì lợi ích quốc gia được đúc kết từ lịch sử, địa lý và chiến lược. Nhiều đồng minh đã từ bỏ cuộc chiến không hồi kết ở Vịnh Persian. Úc, nước giàu lên chủ yếu nhờ xuất khẩu nguyên liệu thô cho Trung Quốc, đang có xu hướng coi Bắc Kinh là khách hàng chứ không phải là kẻ thù. 

Với sự góp mặt các căn cứ của Mỹ, dù là nhỏ, Úc đã trở thành một phần trong chính sách "xoay trục sang châu Á" của Washington. Các chiến lược gia Mỹ đã đề nghị Mỹ làm "đối trọng hải quân" với Trung Quốc trong vùng Biển Đông và Hoa Đông. Họ cho rằng Úc sẽ là một đối tác cấp cao trung thành. 

Kể từ khi Nhật Bản giành chiến thắng và chiếm đóng Singapore trong Chiến tranh Thế giới thứ hai, Úc đã phụ thuộc vào tính ưu việt quân sự của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương nhằm đảm bảo an ninh cho mình. Điều này khó có thể duy trì vì đi cùng với đó là vai trò và trách nhiệm không cân bằng. Đây cũng là vấn đề tương tự tồn tại trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). 

Theo giới phân tích Úc, có một vài lựa chọn cho chính sách của Mỹ như: nỗ lực giữ lại tính ưu việt ở Tây Thái Bình Dương. Tuy nhiên, điều này không khả thi, cũng không cần thiết, và chắc chắn sẽ châm ngòi cho sự đối đầu. Hoặc nếu Mỹ rút khỏi khu vực, để lại ở đó một bá quyền Trung Quốc mà các quốc gia khác trong khu vực, bao gồm cả Úc, không muốn. Song, một số chuyên gia Úc cho rằng Mỹ là một nhân tố giúp duy trì ổn định trong khu vực, nên nếu thiếu vắng sự hiện diện của nước này có thể sẽ dẫn đến sự mất ổn định nghiêm trọng. 

Theo giới phân tích, Mỹ có thể chia sẻ tính ưu việt với Trung Quốc tại khu vực châu Á. Nhưng một Trung Quốc chủ nghĩa dân tộc và tự cho mình là đúng lại đang không sẵn sàng chia sẻ, đặc biệt là trong vấn đề biển đảo. Elbridge Colby, cựu quan chức quốc phòng Mỹ, giải thích lý do tại sao Trung Quốc đang thúc đẩy việc thay thế điện năng thông thường bằng điện hạt nhân. Colby cho rằng một cuộc chiến giữa Mỹ và Trung Quốc có thể kéo Úc tham gia. 

Các chuyên gia cho rằng Trung Quốc đang bá quyền trục lợi theo kiểu các cường quốc lớn phấn đấu để thống trị khu vực của mình và loại trừ các cường quốc khác. Với Trung Quốc, xu hướng này mạnh lên theo từng năm. Bắc Kinh củng cố yêu sách trên biển của mình trong cái mà Lầu Năm Góc gọi là "chống xâm nhập/tiếp cận". Mỹ cũng đã làm nhiều việc như vậy trong thế kỷ 19 khi xuất sắc lập bá quyền ở Tây bán cầu. 

Nền kinh tế đang phát triển của Trung Quốc là yếu tố trực tiếp nuôi dưỡng sức mạnh quân sự của nước này. Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đang nhanh chóng được hiện đại hóa, đặc biệt là lực lượng hải quân. Tên lửa đất đối hạm của Trung Quốc buộc Hải quân Mỹ phải đứng cách khá xa. Nếu các vũ khí thông thường của hai bên không phát huy tác dụng, ý tưởng về các loại vũ khí hạt nhân nổi lên tại khu vực này. Trung Quốc và Triều Tiên đều có vũ khí hạt nhân, do đó Mỹ không loại trừ khả năng phải lựa chọn xu hướng này. Một số nhà tư tưởng quốc phòng Hàn Quốc và Nhật Bản cũng muốn có bom hạt nhân của riêng họ. Các chuyên gia cảnh báo Úc cũng nên bắt đầu lập kế hoạch cho riêng mình . 

Theo giới chuyên môn, Mỹ phải phản đối việc Trung Quốc tìm kiếm bá quyền trong khu vực châu Á. Việc Mỹ không xác định được lợi ích quốc gia rõ ràng ở Tây Thái Bình Dương sẽ làm suy yếu chính sách, khiến nó trở nên mơ hồ và dễ dẫn tới "can dự nhầm". Trung Quốc đang muốn thống trị châu Á ở nhiều mặt, chẳng hạn như quyền đánh bắt cá, khai thác khoáng sản và các tuyến đường biển mở. Nhưng Washington chưa thể gắn kết bất kỳ lợi ích nào của Mỹ ở Biển Đông, chỉ đơn giản là chống quyền lực của Trung Quốc một cách không rõ ràng. 

Dân số, địa lý, kinh tế, và sức mạnh quân sự của Trung Quốc tự động giúp Bắc Kinh có quyền lực thống trị ở Đông Á. Vậy làm thế nào để ngăn chặn được sức mạnh này? Vai trò của ngoại giao sẽ giúp xác định lợi ích quốc gia hợp lý và khả thi, cho phép các nước lớn thỏa hiệp và tránh xung đột.

Theo East Asia Forum

Văn Cường (gt)