Philippines-vs-China-675x379.jpg

Phát biểu tại một diễn đàn, Đại sứ Úc tại Philippines Amanda Gorely nêu rõ: "Chúng tôi tin rằng (phán quyết này) phản ánh luật pháp quốc tế, và Úc ủng hộ một trật tự quốc tế dự trên các quy tắc". Bà Gorely lưu ý rằng quyết định của PCA "là giá trị, nguyên tắc rất quan trọng và cơ bản, là cốt lõi trong chính sách đối ngoại của Úc". Khi được hỏi liệu Úc có bị đe dọa bởi các tuyên bố chủ quyền mở rộng của Trung Quốc ở Biển Đông hay không, bà Gorely đáp: "Tôi cho rằng những cơ sở (mà Trung Quốc xây dựng trên Biển Đông) làm gia tăng căng thẳng trong khu vực, hoặc bằng cách nào đó ngăn chặn tuyến đường hàng hải qua Biển Đông thì Úc và nhiều nước khác sẽ bị ảnh hưởng". Quan chức ngoại giao này nhấn mạnh mặc dù Úc không phải là một bên tuyên bố chủ quyền ở vùng biển này, nhưng Canberra vẫn có lợi ích to lớn “đối với an ninh khu vực cũng như việc tuân thủ luật pháp quốc tế của tất cả các nước”. Bên cạnh đó, bà Gorely khẳng định cách tiếp cận và chính sách của Canberra đối với Biển Đông là rất nhất quán trong một khoảng thời gian dài. Bà nói: “Úc không phải là nước có tuyên bố chủ quyền, nhưng chúng tôi có lợi ích đáng kể đối với tự do hàng hải ở Biển Đông. Có khoảng 70% lượng hàng hóa của chúng tôi được vận chuyển qua tuyến hàng hải quan trọng này. Chúng tôi là đối tác lớn nhất của Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, do đó, chúng tôi có rất nhiều sản phẩm đi qua khu vực này, và chúng tôi tin rằng tự do hàng hải được thiết lập theo luật pháp quốc tế và cần được tôn trọng. Chúng tôi phản đối bất kỳ hoạt động quân sự hóa này diễn ra trên Biển Đông và chúng tôi đã rất kiên định về tuyên bố này”.

Tuy nhiên, khi đề cập về mối quan hệ giữa Úc-Mỹ-Trung Quốc, bà Gorely viện dẫn trường hợp của Manila khi nói rằng Philippines không phải lựa chọn giữa Mỹ và Trung Quốc. Bà nói: “Úc giống với Philippines ở chỗ cả hai đều có mối quan hệ đồng minh với Mỹ. Các hiệp ước đồng minh của Úc được ký kết chỉ hai ngày sau khi các hiệp định giữa Mỹ và Philippines được ký kết và đều có những cam kết đồng minh giống nhau”. Bên cạnh đó, nữ quan chức ngoại giao này nói rằng Úc cũng có mối quan hệ song phương mạnh mẽ với Trung Quốc: “Chúng tôi là đối tác thương mại hàng đầu của nhau và thường xuyên tổ chức các cuộc họp song phương cấp bộ trưởng, chúng tôi có mối quan hệ đối tác chiến lược với Trung Quốc và đó là mối quan hệ rất đáng tôn trọng”. Theo bà, Philippines cũng có thể làm theo cách của Úc khi xét đến mối quan hệ với Mỹ và Trung Quốc.

Khi được hỏi về việc Úc chưa bày tỏ quan ngại về vấn đề Biển Đông với Tổng thống Duterte, người vốn đang ngả theo Bắc Kinh và gạt phán quyết của tòa Trọng tài sang một bên, bà đáp: “Chúng tôi không nói các nước khác phải điều hành chính sách đối ngoại của họ như thế nào. Chúng tôi làm việc mang tính xây dựng, thông qua các diễn đàn như hội nghị thượng đỉnh Đông Á và các hội nghị ASEAN”.

Đề cập cách thức xây dựng mối quan hệ quốc tế bằng việc tôn trọng chủ quyền của nước khác đồng thời thảo luận được các vấn đề chiến lược, bà Gorely đã viện dẫn việc Úc và Timor Leste đã giải quyết tranh chấp lãnh thổ thông qua quá trình hòa giải. Bà Gorely nói: “Đây là một ví dụ điển hình cho thấy các nước có thể giải quyết tranh chấp thông qua hòa giải. Trung Quốc và ASEAN đã thương lượng về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) và chúng tôi tin rằng đây cần phải là văn kiện mang tính ràng buộc pháp lý”. Tuy nhiên, khi được hỏi liệu COC sẽ được thảo luận tại cuộc họp thượng đỉnh ASEAN-Úc từ ngày 16-18/3/2018, bà Gorely đáp: “Vấn đề đó không nằm trong chương trình nghị sự”.

Các tuyên bố trên được Đại sứ Gorely đưa ra để phản hồi câu hỏi Úc cảm thấy như thế nào về hoạt động quân sự hóa của Bắc Kinh tại một số quần đảo và thực thể mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông. Ngoài ra, bà cũng được đặt câu hỏi liệu Úc sẽ phản ứng như thế nào trước việc Trung Quốc tiếp tục xây dựng ở một số thực thể ở Biển Đông trong bối cảnh lực lượng quân sự của Canberra đã cùng Hải quân Mỹ tham gia các hoạt động tự do hàng hải ở vùng biển này cách đây hai năm.

Theo các nguồn tin, Trung Quốc vẫn tiến hành cải tạo và nâng cấp các cơ sở mà nước này xây dựng trên các đảo đá ở Biển Đông bất chấp phán quyết của Tòa Trọng tài ở La Haye hồi tháng 7/2016 bác bỏ tính hợp pháp của cái mà Bắc Kinh gọi là “đường 9 đoạn”. Ví dụ, một cơ quan nghiên cứu của Mỹ tiết lộ rằng trong 3 tháng cuối năm 2017, Trung Quốc không chỉ cải tạo mà còn xây thêm các cơ sở quân sự mới trên các đảo đá ở Biển Đông, như lắp đặt thêm các hệ thống tên lửa và radar. Ngoài ra, Chương trình Sáng kiến Minh Bạch Hàng hải châu Á (AMTI), thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế của Mỹ (CSIS), đã công bố những hình ảnh vệ tinh mới cho thấy các cơ sở thông tin liên lạc, radar và nhà chứa tên lửa đang được xây dựng ở Đá Chữ thập, Đá Vành Khăn, Đá Xu bi ở quần đảo Trường Sa. Mỹ đã chỉ trích các hoạt động này của Trung Quốc, đồng thời lo ngại Bắc Kinh có thể sử dụng các cơ sở này để cản trở sự tự do đi lại trên Biển Đông.

Theo “Business Mirror

Hương Trà (gt)