Xét về mọi góc độ, dự thảo Sách trắng Quốc phòng mới của Australia vẫn chưa hoàn chỉnh, hậu quả của sự thiếu tin tưởng giữa vị Bộ trưởng Quốc phòng và cơ quan Bộ này, cũng như sự cắt giảm ngân sách quốc phòng và những nghi ngờ ngày càng tăng về những mục tiêu chính sách tham vọng vạch ra trong sách trắng quốc phòng 2009. Tuy nhiên, dù có khiếm khuyết, tài liệu này cũng sẽ hữu ích nếu các tác giả làm rõ được những thay đổi chiến lược có thể gây mất ổn định hoặc định hình khu vực đầy biến động của chúng ta, gồm 4 điểm sau:

Một là, nhận ra sự chuyển đổi cấu trúc định hình cân bằng quyền lực trong khu vực không phải chỉ có sự trỗi dậy của Trung Quốc, sự suy yếu tương đối của Mỹ, mà còn là sự tái định hướng trọng tâm chiến lược của Trung Quốc từ đất liền chuyển sang đại dương. Cả về ngữ nghĩa và hình ảnh, đây sẽ là sự thay đổi lớn lao với những hệ quả to lớn cho Australia vì chiến lược mới của Trung Quốc thách thức sự độc quyền sức mạnh hải quân truyền thống của Mỹ và đồng minh ở Thái Bình Dương. Nếu quan hệ Trung Quốc với Mỹ và Nhật Bản xấu đi, sẽ rất khó cho Australia tránh được việc phải đứng về một phe hoặc được Bắc Kinh nhìn nhận như một bên không thiên vị, đặc biệt nếu Tổng Thống Barack Obama quyết định tăng cường lực lượng quân sự ở châu Á thông qua tăng cường hợp tác quân sự với Australia. Sự xoay trục của bản thân Trung Quốc hướng tới Tây Thái Bình Dương đã gia tăng mạnh mẽ nguy cơ xung đột với các nước châu Á khác, cũng như với Mỹ, do những xung đột lãnh thổ phức tạp chưa được giải quyết tại Biển Đông và Biển Hoa Đông đang ngày càng gắn kết đầy nguy hiểm khi các bên tranh chấp diễn giải hoặc đáp ứng với mỗi hành động của nhau. Trong khi các tranh chấp ngoài khơi có những động lực và câu chuyện lịch sử riêng, sự tương đồng giữa các tranh chấp này là đáng quan ngại. Các tranh chấp đều có sự tham gia của ít nhất một cường quốc châu Á; không tranh chấp nào trong số này có vẻ được giải quyết một cách hợp pháp và Mỹ không đứng về bên tranh chấp nào, mặc dù rõ ràng Mỹ có dự phần và phải gánh chịu hậu quả. Tựu chung lại, những quần đảo không nhiều ý nghĩa về mặt địa lý này đã trở thành vết đứt gãy địa chính trị ở châu Á, với nguy cơ trở thành mối đe dọa chia rẽ khu vực kể từ sau cuộc chiến tranh ở Việt Nam.

Hai là, mối lo ngại cho Australia là sự gia tăng vũ trang mạnh mẽ tại khu vực Tây Thái Bình Dương  khi các nước châu Á tăng cường khả năng quân sự để đối phó với những căng thẳng trên biển. Hầu hết các nỗ lực này là nhằm vào việc mua tàu ngầm, tàu kiểm ngư và những tàu hải quân lớn hơn có khả năng hoạt động ngoài vùng nước ven biển. Tuy chưa phải là chạy đua vũ trang, nhưng khu vực có thể sẽ hướng đến khả năng này trừ khi động lực tăng cường chi tiêu quân sự và đối đầu trên biển bị ngăn chặn và đổi hướng.Tuy nhiên Australia đã chọn một thời điểm hoàn toàn không thích hợp khi cắt giảm mạnh mẽ chi tiêu quốc phòng trong khi chính xác là nên làm ngược lại.

Ba là, sự thay đổi chiến lược và gây mất ổn định là những tiến triển trong khả năng phát triển tên lửa xuyên lục địa của Bắc Triều Tiên có thể đưa toàn bộ châu Á, Australia và một phần bờ Tây của Mỹ vào trong tầm bắn của vũ khí hạt nhân Bắc Triều Tiên vào cuối thập kỷ này, nếu không sớm hơn. Đáp ứng hiển nhiên của Australia là tăng cường hợp tác với Mỹ và Nhật Bản để hỗ trợ phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa trên biển và đất liền hiệu quả. Trong trường hợp Bắc Bắc Triều Tiên tấn công Hàn Quốc hoặc Nhật Bản, Australia phải chuẩn bị và trang bị để hỗ trợ cả hai nước này về mặt quân sự, để hoàn tất trách nhiệm của Liên Hiệp Quốc kể từ sau chiến tranh Bắc Triều Tiên.

Bốn là, những thay đổi chiến lược mạnh mẽ có thể thúc đẩy Nhật Bản thoát khỏi quá khứ hòa bình của mình để tạo một vị thế an ninh hướng ra bên ngoài trong bối cảnh lo ngại về chương trình tên lửa của Bắc Bắc Triều Tiên và tham vọng hải dương của Trung Quốc. Nhiệm kỳ hai của Thủ Tướng Shinzo Abe có thể dẫn tới kết quả chính sách cứng rắn hơn với Trung Quốc và Bắc Bắc Triều Tiên và tăng cường tiềm lực của lực lượng phòng vệ Nhật Bản. Đây là những đáp ứng có thể hiểu được trong môi trường an ninh biến động mà Nhật Bản đang hứng chịu. Với Australia, việc ngưng lại hợp tác quốc phòng với Nhật Bản sẽ mang lại kết quả tiêu cực và là sự cự tuyệt với chính sách lưỡng đảng của Australia. Là một đồng minh dân chủ, quốc gia có thương mại hàng hải và đối tác quân sự, rõ ràng lợi ích của Australia là khiến Nhật Bản trở nên một nhân tố có ảnh hưởng lớn hơn và mang tính xây dựng trong các vấn đề an ninh khu vực.

Tác giả Alan Dupont là giáo sư an ninh quốc tế tại Đại học New South Wales. Bài viết được đăng lần đầu tiên trên The Australian (ngày 18/12).

Hương Trà (gt)