Thách thức chiến lược lớn nhất của Úc hiện nay phần lớn nằm ở lĩnh vực địa chính trị, nhất là ở khu vực Ấn Độ- Thái Bình Dương. Những thách thức này có liên quan đến việc thay đổi cán cân quyền lực, việc sử dụng vũ lực và cách thức hoạch định tương lai Úc gắn với lợi ích quốc gia, những mối đe dọa và hành vi gây bất ổn của các quốc gia khác. Đó là những gì nằm trong chiến lược của Úc.

Lợi ích quan trọng sống còn đối với Úc là phải giữ gìn trật tự dựa trên luật pháp quốc tế, đặc biệt là ở khu vực biển rộng lớn và năng động như Ấn Độ- Thái Bình Dương, nơi hiện được coi là trung tâm toàn cầu mới về kinh tế và chiến lược. Trật tự ở khu vực này đang bị xói mòn nghiêm trọng bởi những bất ổn xung quanh sức mạnh quân sự ngày càng gia tăng của Trung Quốc cũng như những hành vi đối đầu, trục lợi của Trung Quốc trong lĩnh vực hàng hải và không gian mạng. Những hành vi đó ảnh hưởng nghiêm trọng không chỉ đến cộng đồng doanh nghiệp mà còn đối với an ninh quốc gia Úc. Vấn đề này liên quan đến việc Trung Quốc xây dựng các đảo quân sự ở vùng Biển Đông đang tranh chấp và sự phô diễn sức mạnh của Bắc Kinh nhằm làm lung lay lòng tin của các đồng minh Mỹ trong khu vực này. Ngoài ra, hoạt động đánh cắp thông tin từ các doanh nghiệp và chính phủ ở nhiều nước đang diễn biến phức tạp với tính chất ngày càng nghiêm trọng và việc đánh cắp thông tin đã xảy ra quy mô lớn tại Mỹ. Do đó, có nhiều lý do để lo ngại rằng Úc cũng sẽ phải đối mặt với nguy cơ này.

Một câu hỏi quan trọng đối với Úc hiện nay là liệu nước này có nên tiếp tục im lặng hoặc nếu Úc lên tiếng về những hành động đáng lo ngại của Trung Quốc thì Canberra sẽ cần phải chuẩn bị hành động như thế nào? Rồi liệu những nỗ lực của Úc xây dựng một mối quan hệ kinh tế, chính trị sâu sắc và bền vững với Trung Quốc - ngoài tất cả những bất ổn nội bộ của riêng mình- có nên được bù đắp bởi những nỗ lực đa dạng hóa nguồn vốn kinh tế chiến lược của Úc ở châu Á và trên toàn cầu hay không? Úc có lý do chính đáng để thực hiện sáng kiến ngoại giao trong việc xây dựng các liên minh cường quốc mới nhằm củng cố một trật tự dựa trên luật pháp trong khu vực. Cùng với Mỹ, Úc đang đi đúng hướng khi tăng cường quan hệ an ninh với Nhật Bản, Ấn Độ và Singapore- và tiếp tục tìm kiếm cơ hội để làm như vậy với Indonesia.

Đây không phải là vấn đề “kiềm chế” - thuật ngữ thường xuyên được các nhà bình luận Trung Quốc sử dụng để chỉ trích các nước khác có biểu hiện hợp tác với nhau nhằm chống lại Trung Quốc. Thật thú vị khi phương tiện truyền thông của Úc suy đoán quan điểm của tân Thủ tướng Malcolm Turnbull về Trung Quốc và thường sử dụng thuật ngữ “bờ dậu”. Thuật ngữ này không ám chỉ bao vây Trung Quốc mà là ngăn chặn khả năng xấu có thể xảy ra- một Trung Quốc hùng mạnh có thể sử dụng quyền lực của mình theo những cách trái với lợi ích của Úc, hoặc sự trỗi dậy của Trung Quốc mang lại những rủi ro và bất trắc.

"Kiềm chế" là một thuật ngữ hoàn toàn sai cho việc sử dụng cân bằng chiến lược. "Kiềm chế" là một từ vay mượn từ thời Chiến tranh Lạnh, khi đó Mỹ và các đồng minh tìm cách làm suy yếu Liên Xô cũ, kể cả làm tổn thương về kinh tế. Úc và các đối tác không tìm cách làm suy yếu Trung Quốc về kinh tế mà gắn kết với Bắc Kinh về kinh tế, xã hội. Úc đang cố gắng tìm kiếm sự nhận thức chung tốt hơn về an ninh với Trung Quốc.

Tất nhiên, Úc cần có sự cân bằng và những lựa chọn trong việc cài đặt chiến lược của mình. Trong một thế giới phức tạp, bất ổn nhưng có sự gắn kết chặt chẽ, những cú sốc gây tổn thương có thể nhanh chóng vượt qua các biên giới, lúc đó Úc cần phải có khả năng phục hồi, thích ứng và đa dạng hóa. Những nguyên tắc tương tự như vậy nên được áp dụng cho việc hoạch định quốc phòng tương lai- đó là lý do tại sao việc Chính phủ Úc chi trả nhiều tỷ đôla cho tàu chiến và tàu ngầm có thể là không cần thiết. Số tiền đó có thể được dùng vào các mục đích khác sẽ tốt hơn cho an ninh quốc gia và làm cho Úc mạnh hơn, ví dụ đầu tư vào năng lực quốc phòng và công nghệ mới- trong lĩnh vực không gian, không gian mạng và hệ thống tự động. Một phần số tiền có thể được sử dụng để xây dựng khả năng phục hồi quốc gia, năng lực cạnh tranh hay phúc lợi, góp phần đảm bảo an ninh cho các mục tiêu chiến lược khác, chẳng hạn như đầu tư vào giáo dục và cơ sở hạ tầng.

Dù thế nào đi nữa Úc cũng cần chuẩn bị cho những cú sốc chiến lược ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương thời gian tới.

Giáo sư Rory Medcalf - Giám đốc trường An ninh Quốc gia thuộc Đại học Quốc gia Úc. Bài viết được đăng trên trang Interpreter của Viện nghiên cứu chính sách quốc tế Lowy.

 

Văn Cường (gt)