Cựu Thủ tướng Úc Kevin Rudd năm 2009 từng nói với Ngoại trưởng Mỹ khi đó là bà Hillary Clinton rằng cùng với việc họ cần đưa Trung Quốc hòa nhập với cộng đồng thế giới nhiều nhất có thể thì họ cũng cần phải “chuẩn bị triển khai lực lượng nếu mọi việc không đi đúng hướng”. Nội dung cuộc đối thoại do Wikileaks tiết lộ này chưa bao giờ bị phủ nhận, nó bộc lộ suy nghĩ thật đằng sau Sách Trắng Quốc phòng mà Chính phủ của ông Kevin Rudd đưa ra năm đó. Úc và Mỹ đã nhất trí về một chiến lược bao vây cổ điển đối với Trung Quốc, đồng thời xúc tiến để có những kết quả tốt nhất và cũng chuẩn bị cho những tình huống xấu nhất. Chính vì vậy, Úc đã quyết định xây dựng lực lượng hải quân mạnh, đúng như điều mà ông Kevin Rudd nói với bà Clinton khi đó.

Sau 7 năm lãng phí, tầm nhìn của ông Rudd đến giờ mới được thực hiện thông qua kế hoạch quốc phòng được công bố hồi tuần trước của Chính phủ Thủ tướng Malcolm Turnbull, bởi dù Sách Trắng quốc phòng thời đó cam kết tăng gấp đôi quy mô hạm đội tàu ngầm của Úc như một phần trong kế hoạch xây dựng lực lượng hải quân mạnh, nhưng ông Rudd lại không chi đủ tiền để làm việc đó do bị trói buộc trong một chương trình cắt giảm chi tiêu khổng lồ đáng ngờ. Bộ Quốc phòng được yêu cầu cắt giảm 20 tỷ AUD chi phí trong 10 năm.

Vào thời điểm bà Julia Gillard thay ông Rudd lên làm thủ tướng, bà đã bác bỏ hoàn toàn Sách Trắng này. Chính phủ của bà nhận thấy không cần thiết phải xây dựng lực lượng hải quân mạnh và bắt đầu cắt giảm chi tiêu quốc phòng. Công đảng đã có 6 năm cầm quyền và không mua một tàu hải quân lớn nào. Chi tiêu quốc phòng tính theo GDP giảm từ 2% xuống còn 1,5%, mức thấp nhất kể từ trước Chiến tranh Thế giới thứ II. Sau chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2013, Thủ tướng Tony Abbott khi đó đã cam kết khôi phục ngân sách quốc phòng lên mức 2% GDP, và giờ đây Thủ tướng Malcolm Turnbull công bố chiến lược quốc phòng dài hạn là có sự kết hợp cả tầm nhìn quân sự của cựu Thủ tướng Kevin Rudd với mức chi như cam kết của ông Abbott. Những lo ngại về Trung Quốc mà ông Rudd đưa ra 7 năm trước đã trở thành hiện thực trong những năm qua, và ngày càng thu hút sự quan tâm nhiều nhất trên khắp châu Á.

Mối lo ngại không phải là việc Trung Quốc đã xây dựng được một lực lượng hải quân hiện đại với số lượng tàu nhiều như Hạm đội 7 của Mỹ, mà là về cách hành xử của Trung Quốc. Ở Biển Đông, Trung Quốc đã cho xây dựng các đảo nhân tạo trên những rạn đá ngầm mà hiện nhiều nước khác nhau cũng tuyên bố chủ quyền, và hàng thập kỷ nay vẫn trì hoãn việc ký kết thỏa thuận về Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) với 10 nước ASEAN. Trung Quốc đã xây dựng các bến cảng, đường băng trên những đảo này và trang bị mọi thứ để có thể sử dụng làm các căn cứ quân sự. Nước này sử dụng cả đội tàu cao tốc của lực lượng bảo vệ bờ biển và tàu thuyền của chính quyền để "bắt nạt" các tàu đánh cá và các tàu thuyền của những nước có tuyên bố chủ quyền nhỏ hơn - chủ yếu là Philippines và Việt Nam - một cách vô cớ.

Nhiều người đã tỏ ra yên tâm khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu trong một cuộc họp báo với Tổng thống Mỹ Barack Obama hồi tháng 9/2015 ở Washington rằng “Trung Quốc không có ý định theo đuổi quân sự hóa các đảo tranh chấp”. Tuy nhiên, mọi hy vọng đã tiêu tan vào hai tuần trước khi các hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc đã thực sự đặt các hệ thống tên lửa tiên tiến trên một trong những đảo tranh chấp. Điều đáng nói là rất ít nước có đủ can đảm để lên tiếng chống lại cách hành xử hung hăng của Trung Quốc.

Quyết định của Úc về việc củng cố lực lượng hải quân được đưa ra vào thời điểm đặc biệt quan trọng. Với Sách Trắng Quốc phòng, Úc khẳng định họ sẽ tiến lên. Việc xây dựng lực lượng hải quân mạnh vẫn không đủ để Úc có thể chiến thắng trong một cuộc chiến tranh độc lập chống Trung Quốc, song nó chắc chắn gia tăng vị thế của Úc, làm rối các kế hoạch của bất kỳ kẻ thù nào, và đánh dấu “xứ chuột túi” như một nhân tố quan trọng trong nỗ lực chung bảo vệ hòa bình ở châu Á-Thái Bình Dương.

Trong bối cảnh Trung Quốc gia tăng sử dụng bạo lực chống các nước láng giềng, mọi quốc gia sẽ phải đưa ra sự lựa chọn khó khăn để quyết định lập trường của mình. Khi Liên Xô thách thức châu Âu, Phần Lan đã nhượng bộ chủ quyền của mình cho Moskva trong những vấn đề trọng yếu, trong khi Anh kiên quyết giữ lập trường phản đối. Ý nghĩa thực sự của Sách Trắng Quốc phòng Úc được công bố hồi tuần trước là Úc đã chọn đi theo một nước Anh kiên quyết chứ không phải Phần Lan yếu đuối.

Bài viết của Peter Hartcher, người phụ trách chuyên mục chính trị, quốc tế của tờ “Sydney Morning Herald”.

Nhật Linh (gt)