Bước đi sai lầm và “lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc ở Biển Đông thể hiện việc thiếu suy nghĩ chiến lược.

 

Dường như ngoại giao Trung Quốc ở khu vực đã có bước thụt lùi lớn. Trách ai bây giờ?

 

Một là, cuộc tranh luận (về “lợi ích cốt lõi” ở Biển Đông) cho thấy có sự thay đổi tình cảm trong giới hoạch định chính sách ngoại giao. Xuất phát từ quan niệm, tình cảm nổi trội hiện nay là chính sách ngoại giao của Trung Quốc phải phù hợp với sức mạnh về kinh tế. Lời răn dạy của Đặng Tiểu Bình về “dấu mình” dường như đã bị lãng quên vì Trung Quốc đang vui mừng về vị trí là nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới.

 

Hai là, có sự đứt quãng trong lãnh đạo đảng. Trong số các nhà lãnh đạo Trung Quốc trong những năm qua, thế hệ hiện nay là thế hệ ít được trang bị nhất về tư duy chiến lược. Những nhà lãnh đạo hiện nay vừa ít kinh nghiệm, vừa ít hòa nhập với thế giới bên ngoài. Các nhà lãnh đạo trước đây như Chu Ân Lai, Đặng Tiểu Bình sống ở nước ngoài trong những năm còn trẻ và sau này chỉ đạo việc ứng xử với các cường quốc.

 

Điều tồi tệ hơn là sau hàng thập kỷ dưới thời Mao và Chu, giờ đây việc thực hiện chính sách đối ngoại được thực hiện bởi một nhóm những chuyên gia về ngôn ngữ. Khi xem lý lịch của các nhà lãnh đạo về ngoại giao Trung Quốc, đa số là tốt nghiệp các trường ngoại ngữ. Thực tế này không phù hợp với vai trò và trách nhiệm của một cường quốc lớn. Các sai lầm không đáng có như sử dụng sai từ “lợi ích cốt lõi” xảy ra thường xuyên hơn khi sức mạnh của Trung Quốc tăng lên.

 

Trong nhiều thập kỷ qua Trung Quốc không có chính sách nhất quán về các nước láng giềng, cái gọi là “chính sách ngoại vi” chỉ là quan niệm gần đây. Trong nhiều năm, Mỹ đã cố gắng chèo lái đưa Đông Á tiến tới sự kiềm chế chống lại Trung Quốc mà không thu được thắng lợi nào. Giờ đây, dường như Mỹ đã nắm được gót chân Asin của Trung Quốc - sự thiếu nhất quán trong chính sách - bằng cách thực hiện cách tiếp cận đa phương tích cực và tham gia vào bất kỳ cuộc tranh chấp nào giữa Trung Quốc với các nước láng giềng, khiến chính sách kiềm chế mềm có thể thành công.

 

Thực tế là thời kỳ đa phương đã đến với khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Trung Quốc không nhất thiết là kẻ thua thiệt trong cộng đồng an ninh châu Á đang hình thành, nếu như Trung Quốc bắt đầu tư duy tương tự như một cường quốc đang lên và hành động với vai trò một nước lớn thành thục ở khu vực. Một cách tiếp cận đa phương sẽ tạo ra cơ hội tốt nhất để Trung Quốc thành công. Thậm chí nên hoan nghênh đề nghị của Clinton đóng vai trò trung gian giữa Trung Quốc và Nhật Bản về đảo Điếu Ngư/Senkaku. Việc Trung Quốc ngay lập tức bác bỏ đề nghị này cho thấy thiếu sự xem xét thấu đáo, chứ chưa nói đến tư duy chiến lược.

 

Theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng

(Đề nghị chỉ được dẫn đường link mọi thông tin, bài viết  trên www.nghiencuubiendong.vn, không cắt đăng lại khi chưa có sự đồng ý của Ban Biên tập Website)