1. Cho dù từ quan điểm lịch sử, địa lý, hay luật pháp quốc tế, Quần đảo Nam Sa (Trường Sa), Tây Sa (Hoàng Sa), quần đảo Trung Sa, và Đông Sa cũng như vùng nước xung quanh đều thuộc chủ quyền và vùng biển vốn có của Trung Hoa Dân Quốc. Trung Hoa Dân Quốc được hưởng tất cả quyền lợi của luật pháp quốc tế đối với các nhóm đảo và vùng nước xung quanh. Trung Hoa dân quốc không thừa nhận việc bất kỳ quốc gia nào dùng bất kỳ lý do hoặc phương thức nào chủ trương hoặc chiếm đóng tại khu vực này.

2. Các đảo ở Biển Đông được phát hiện sớm nhất, được đặt tên, và được sử dụng, cũng như đưa vào lãnh thổ quốc gia bởi đất nước chúng tôi. Năm 1938 và năm 1939, Nhật Bản chiếm đóng bất hợp pháp Đông Sa, Hoàng Sa và Trường Sa. Ngày 30 tháng 3 năm 1939, dựa trên Thông báo số 122 của Tổng đốc phủ Đài Loan đã cho nhập "Shinnan Gunto" (bao gồm một số đảo của quần đảo Trường Sa) vào Tỉnh Takao (ngày nay được gọi là thành phố Cao Hùng). Năm 1946, sau Thế chiến II, chính phủ Trung Hoa Dân Quốc giành lại quần đảo Đông Sa, Hoàng Sa và Trường Sa, dựng cột mốc đá trên đảo lớn và đóng quân thường trú ở một số đảo. Tháng 12 năm 1947, Trung Hoa Dân Quốc ban hành tên mới cho các đảo ở Biển Đông và Bản đồ Vị trí của các đảo ở Biển Đông, trong đó phân định phạm vi lãnh thổ và các vùng biển của Trung Hoa Dân Quốc. Ngoài ra, Hiệp ước Hòa bình San Francisco có hiệu lực vào ngày 28 tháng 4 năm 1952, Hiệp ước Hòa bình giữa Trung Hoa Dân Quốc và Nhật Bản được ký cùng ngày, cùng với các văn kiện pháp lý quốc tế liên quan đã xác nhận rằng các đảo bãi ở Biển Đông mà Nhật Bản chiếm đóng nên được trả lại cho Trung Hoa Dân Quốc. Trong nhiều thập kỷ kể từ đó, Trung Hoa Dân Quốc sở hữu và quản lý có hiệu quả trên thực tế những hòn đảo đã được công nhận bởi chính phủ nước ngoài và các tổ chức quốc tế.

3. Năm 1956, Trung Hoa Dân quốc đã cử quân đồn trú đến đóng quân tại đảo tự nhiên lớn nhất (0,5 km vuông) của quần đảo Trường Sa - đảo Thái Bình (Ba Bình). Cùng năm đó, chính phủ Trung Hoa Dân Quốc đã xây dựng Khu phòng trú Quần đảo Trường Sa trên đảo Ba Bình. Vào tháng Hai năm 1990, Viện hành chính Trung Hoa dân quốc phê chuẩn quần đảo Ba Bình thuộc quyền quản lý của Chính quyền thành phố Cao Hùng, quản hạt hành chính thuộc quận Kỳ Tân, thành phố Cao Hùng. Trong sáu thập kỷ qua, quân dân của Trung Hoa Dân Quốc đã tận dụng khai thác và phát triển nguồn tài nguyên thiên nhiên của đảo Ba Bình để sinh sống và tiến hành các nhiệm vụ của mình. Đảo Ba Bình có giếng nước ngầm, thảm thực vật tự nhiên, và quặng phốt phát và nguồn lợi thủy sản. Hơn nữa, các nhân viên đóng trên đảo tự trồng rau, cây ăn quả và chăn nuôi gia súc đảm bảo cho cuộc sống sinh hoạt. Nhằm đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, năm 1959, quân đội đã xây dựng đền Quan Âm thờ Quan âm bồ tát. Do đó, bất kể từ quan điểm pháp lý, kinh tế và địa lý, Ba Bình không chỉ phù hợp với các điều kiện về đảo theo các quy định tại Điều 121 của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), mà nó còn có thể duy trì cuộc sống của con người và đời sống kinh tế riêng của mình; như vậy, nó chắc chắn không phải là một "đảo đá". Chính phủ Trung Quốc sẽ kiên quyết bảo vệ sự thật này. Bất kỳ yêu sách của các quốc gia khác nhằm mục đích phủ nhận thực tế này sẽ không làm ảnh hưởng đến địa vị và quyền lợi biển được hưởng trên cơ sở UNCLOS của đảo Ba Bình.

4. Kể từ năm 2008, Chính quyền Trung Hoa Dân Quốc đã tích cực thúc đẩy việc sử dụng biển Biển Đông một cách hòa bình, đạt được những kết quả đáng kể. Những đóng góp lớn của Trung Hoa Dân Quốc cho hòa bình và ổn định khu vực bao gồm: Trong tháng 7 năm 2010, Bộ Nội vụ chính thức thành lập các Trạm quản lý Công viên Quốc gia đảo Đông Sa để thực hiện Dự án Trạm nghiên cứu Hải dương Quốc tế Đông Sa, thúc đẩy Đông Sa trở thành trung tâm nghiên cứu hải dương quốc tế. Trong năm 2011, Bộ Kinh tế đã lập bản đồ khu vực khai thác quanh Đông Sa và đảo Ba Bình, và hoàn thành các khảo sát sơ bộ về địa chất và đại dương. Từ năm 2011, Bộ Quốc phòng và Cục Hải tuần đã tổ chức các Trại nghiên cứu liên quan đến Quần đảo Nam Sa (Trường Sa) và Tungsha (Đông Sa) để nâng cao nhận thức trong giới trẻ về tầm quan trọng của việc giải quyết hòa bình các tranh chấp trong khu vực. Kể từ tháng mười năm 2013, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Quốc phòng và Cục Hải tuần đã cùng thực hiện các công trình hạ tầng cơ sở giao thông trên đảo Ba Bình. Trong tháng 12 năm 2013, Bộ Giao thông vận tải hoàn thành một mạng lưới thông tin liên lạc trên đảo Ba Bình, nhằm hỗ trợ thông tin liên lạc bình thường và khẩn cấp cho các hoạt động cứu hộ nhân đạo quốc tế. Trong tháng 12 năm 2014, giai đoạn thứ hai của một hệ thống quang điện trên đảo Ba Bình đi vào hoạt động. Kết hợp với giai đoạn 1 hoàn thành vào năm 2011, hệ thống cung cấp 16% nguồn cung cấp điện và giảm 128 tấn khí thải carbon mỗi năm, biến Ba Bình thành một hòn đảo thải ra các-bon thấp.

5. Trung Hoa Dân Quốc là một thành viên sáng lập của tổ chức Liên Hiệp Quốc. Mặc dù Trung Hoa Dân Quốc mất tư cách thành viên của mình năm 1971, nhưng tên đầy đủ Trung Hoa dân quốc vẫn còn trong Điều 23 và Điều 110 của Hiến chương Liên Hợp Quốc. Từ trước đến nay, Trung Hoa Dân Quốc luôn tuân thủ nguyên tắc Hiến chương Liên Hợp Quốc và các quy định luật pháp quốc tế đó là giải quyết hòa bình các tranh chấp và tự do hàng hải và hàng không. Trên thực tế, Trung Hoa Dân Quốc đã bảo vệ Ba Bình (Itu Aba) và các đảo khác mà chưa từng gây ra xung đột quân sự với các quốc gia khác. Trung Hoa Dân Quốc cũng không cản trở vào quyền tự do hàng không hàng hải của các nước khác tại vùng biển này.

6. Chính phủ Trung Hoa Dân Quốc kêu gọi các nước xung quanh Biển Đông tôn trọng tinh thần và nguyên tắc của Hiến chương Liên Hợp Quốc và UNCLOS, tự kiềm chế, duy trì hòa bình ổn định hiện trạng khu vực Biển Đông, tránh sử dụng bất cứ hành độngđơn phương nào làm tình hình căng thẳng leo thang.

 7. Chính phủ Trung Hoa Dân Quốc kiên trì nguyên tắc cơ bản “ Chủ quyền tại ngã, gác tranh chấp, hòa bình cùng có lợi, cùng khai thác phát triển”, sẵn sàng trên cơ sở hiệp thương bình đẳng, cùng với các quốc gia liên quan thúc đẩy hòa bình ổn định khu vực biển Đông, cùng bảo vệ và khai thác phát triển nguồn tài nguyên Biển Đông.

8. Bất kỳ sự sắp xếp hay thỏa thuận liên quan đến Ba Bình hoặc các đảo khác ở Biển Đông và vùng nước xung quanh đó đạt được mà không có sự tham gia và đồng ý của Trung Hoa Dân Quốc sẽ không có hiệu lực pháp lý đối với Trung Hoa Dân Quốc và không được công nhận bởi chính phủ Trung Hoa Dân Quốc.

Theo Bộ Ngoại giao Trung Hoa Dân quốc

Văn Cường (gt)