Hai bên khẳng định tiếp tục duy trì cam kết lâu dài và kiên định với khu vực, tiếp tục hợp tác trong những vấn đề an ninh trên toàn phạm vi Châu Á - Thái Bình Dương; bên cạnh việc tiếp tục tăng cường hợp tác sâu sắc trong các lĩnh vực song phương.

Tuyên bố chung nhấn mạnh những ưu tiên của hai nước trong các vấn đề: (i) Bảo vệ và thúc đẩy an ninh Châu Á - Thái Bình Dương; (ii) Ủng hộ các đối thoại trong khu vực; (iii) Tăng cường an ninh toàn cầu; (iv) Thúc đẩy phát triển toàn cầu; (v) Tăng cường hợp tác song phương về quốc phòng. Một số điểm đáng chú ý gồm:

An ninh Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương: Hai nước nhấn mạnh vai trò quan trọng của Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước thành viên ASEAN trong việc xây dựng một khu vực mạnh và tự cường; hoan nghênh một Trung Quốc mạnh, thịnh vượng và hòa bình, đóng vai trò xây dựng trong việc tăng cường an ninh và thịnh vượng cho khu vực. Hai nước cũng thừa nhận tầm quan trọng ngày càng gia tăng của Ấn Độ trong khu vực và tầm quan trọng của Ấn Độ Dương đối với thương mại, an ninh hàng hải, kế hoạch chiến lược và quốc phòng. Tiếp tục phối hợp với Ấn Độ xác định các lĩnh vực hợp tác tiềm năng giữa Ấn Độ, Australia và Mỹ trên các diễn đàn khu vực và quốc tế, đặc biệt nhằm tăng cường hơn nữa chương trình nghị sự của Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS) và các diễn đàn khác như Hiệp hội Hợp tác Khu vực của các nước ven Ấn Độ Dương (IOR-ARC).

Tái khẳng định không đứng về bên nào trong các đòi hỏi về lãnh thổ ở Biển Đông; và Biển Hoa Đông, kêu gọi giải quyết vấn đề thông qua các biện pháp hòa bình, không có bất kỳ hành động gây hấn hay áp lực nào.

Australia và Mỹ sẽ phối hợp với Nhật Bản thông qua các hoạt động Đối thoại Chiến lược, tập trận ba bên; tăng cường hợp tác với Hàn Quốc. Tiếp tục xây dựng quan hệ toàn diện, xây dựng và hợp tác với Trung Quốc, thông qua hợp tác mạnh mẽ về kinh tế và khuyến khích những tiến bộ trong vấn đề nhân quyền. Tăng cường quan hệ quốc phòng với Trung Quốc và khuyến khích Trung Quốc công khai minh bạch hơn quá trình hiện đại hóa quân sự.

Trả lời phỏng vấn, Ngoại Trưởng Australia Bob Carr cho rằng “không hề có sự thể hiện của chính sách “bao vây” trong tuyên bố chung và hoan nghênh vai trò của Trung Quốc như một thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”. Ngoại Trưởng Mỹ Hillary Clinton cũng cho rằng Thái Bình Dương đủ lớn cho tất cả các bên và “việc tăng cường hợp tác với Trung Quốc là cùng có lợi và đây không phải là cuộc cạnh tranh kẻ thắng người thua”.

ASEAN và các thể chế trong khu vực: Australia và Mỹ thừa nhận vai trò lãnh đạo khu vực mạnh mẽ của Indonesia, thông qua ASEAN và EAS; nhất trí sẽ hỗ trợ Indonesia chủ trì APEC 2013.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của các thể chế khu vực trong việc thúc đẩy hòa bình, ổn định, an ninh; khuyến khích hội nhập kinh tế, phát triển và bảo vệ nhân quyền. Cam kết tiếp tục ủng hộ cơ chế họp các nhà Lãnh đạo Thượng đỉnh Đông Á (EAS) trở thành diễn đàn hàng đầu cho đối thoại chiến lược và các hợp tác thực tế về chính trị, kinh tế và an ninh. Tiếp tục phối hợp củng cố và hỗ trợ liên kết chặt chẽ hơn giữa các thể chế do ASEAN đóng vai trò trung tâm như EAS, ARF để tăng cường ổn định trong khu vực.

Tiếp tục hỗ trợ cơ chế Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+) trở thành khuôn khổ gắn kết quân sự hàng đầu trong khu vực, nhằm thúc đẩy an ninh và ổn định khu vực thông qua tăng cường đối thoại trực tiếp và hợp tác quân sự thực tế. Tiếp tục phối hợp với các cơ chế ADMM+, ARF hỗ trợ các hoạt động xây dựng lòng tin, khả năng trong ngoại giao phòng ngừa, phối hợp cũng như tăng cường khả năng quân sự trong khu vực. Tiếp tục ủng hộ các nỗ lực của ASEAN và Trung Quốc trong việc xây dựng bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông và hoan nghênh những tiến bộ bước đầu trong quá trình này.

Tiếp tục ủng hộ Ủy ban Liên Chính phủ ASEAN về nhân quyền. Hợp tác tăng cường năng lực cho Chính phủ Timor Leste và lộ trình trở thành thành viên ASEAN.

Thúc đẩy hợp tác kinh tế: Hai nước tái khẳng định hỗ trợ cho các thể chế kinh tế nhằm thúc đẩy tăng trưởng và thị trường mở, hội nhập sâu hơn với khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và toàn cầu. Cam kết kết thúc sớm đàm phán Đối tác xuyên Thái Bình Dương, cùng phối hợp trong năm Australia chủ trì Hội nghị G20 để bảo đảm G20 tập trung vào việc tạo tăng trưởng bền vững và việc làm, chống chủ nghĩa bảo hộ trong khi vẫn duy trì linh hoạt đáp ứng với các cuộc khủng hoảng. Hai nước cũng ghi nhận tác động của việc gia tăng tiêu thụ năng lượng ở Châu Á và tầm quan trọng của an ninh năng lượng toàn cầu với sự thịnh vượng và ổn định trong khu vực.

Tăng cường an ninh khu vực: Tiếp tục cam kết với an ninh của Afghanistan và quá trình chuyển giao việc bảo đảm an ninh sau 2014, chia sẻ lo ngại về vấn đề hạt nhân Iran, tình hình Syria…

Hợp tác quốc phòng song phương: Hai bên đạt thỏa thuận về việc lắp đặt hệ thống ra đa và kính viễn vọng tại cơ sở quân sự của Australia nhằm tăng cường khả năng theo dõi và giám sát các vật thể không gian trong khu vực phía nam bán cầu và cho phép dự báo chính xác hơn khả năng va chạm hoặc các mối đe dọa từ rác vũ trụ.

Theo BTrung QuốcP Mỹ Leon Panetta, việc thiết lập một trạm radar băng tần C tại Australia là một “bước tiến lớn trong hợp tác không gian song phương” Mỹ - Australia và tạo ra cho Mỹ một “biên giới mới quan trọng trong tiến trình tái cân bằng lực lượng qua vùng Châu Á - Thái Bình Dương”. Về phần mình, phát biểu trong một cuộc họp báo, BTrung QuốcP Australia Stephen Smith ghi nhận rằng việc đặt trạm radar băng tần C tại Australia sẽ giúp ích cho nước ông rất nhiều trong việc giám sát các mảnh vỡ trên không gian. Theo một quan chức cao cấp Bộ Quốc Phòng Mỹ, đây là lần đầu tiên mà không quân Mỹ triển khai một trạm radar như vậy tại khu vực Nam bán cầu. Điều này sẽ cho phép Mỹ theo dõi sát hơn những mảnh vỡ trong không gian, cũng như các vụ phóng tên lửa của Trung Quốc.

Trong việc triển khai các thỏa thuận, hai bên đã kết thúc đợt đồn trú đầu tiên của 250 lính thủy đánh bộ Mỹ tại Darwin và dự kiến sẽ tiến hành đợt thứ 2 với cùng số lượng vào năm 2013, tăng dần lên 1.100 quân vào năm 2014 và sẽ tăng lên mức 2.500 quân mỗi đợt trong vòng 5 - 6 năm tới.

Mỹ Anh (gt)