Dưới đây là nội dung chính của tuyên bố này: 

- Hài lòng về mối quan hệ hợp tác giữa hai bên kể từ khi thiết lập cam kết đối thoại đầy đủ ASEAN-Nga năm 1996, mối quan hệ này đã trở thành nhân tố quan trọng cho hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương; về những tiến bộ đáng kể của mối quan hệ ASEAN-Nga trên mọi lĩnh vực, với việc thiết lập được hiệp ước vững chắc, khung hợp pháp và các cơ chế đối thoại hiệu quả, duy trì sự tiếp xúc cấp cao thật sự. Cuộc gặp của các nhà lãnh đạo ASEAN và Nga tại Cuala Lămpơ (Malaixia), ngày 13/13/2005 đã đặt nền móng vững chắc cho sự hợp tác giữa hai bên. Cuộc gặp thượng đỉnh ASEAN-Nga tại Hà Nội ngày 30/10/2010 cũng trở thành sự kiện cột mốc xác định những lĩnh vực ưu tiên cho sự phát triển đối thoại ASEAN-Nga. Hai bên tiếp tục hướng tới tổ chức các cuộc gặp thượng đỉnh trên cơ sở thường xuyên và tăng cường trao đổi các chuyến thăm song phương của những người đứng đầu nhà nước và chính phủ. 

- Nga ủng hộ việc duy trì vai trò trung tâm của ASEAN trong quá trình hội nhập khu vực. ASEAN hoan nghênh sự tham gia tích cực của Nga ở Thái Bình Dương, góp phần cho sự ổn định chính trị và phát triển kinh tế-xã hội trong khu vực. ASEAN đánh giá cao sự tham gia của Nga vào Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác Đông Nam Á năm 1976 và phê chuẩn văn bản sửa đổi thứ ba của hiệp ước này cũng như sự ủng hộ của Nga đối với vai trò Chủ tịch của ASEAN trong Hội nghị thượng đỉnh G20. 

- Quan hệ đối tác chiến lược ASEAN-Nga là một trong những yếu tố then chốt của sự phát triển an ninh và cơ cấu hợp tác ở châu Á-Thái Bình Dương, hai bên cam kết cùng nhau hướng tới xây dựng cơ cấu khu vực công bằng, công khai và minh bạch trên cơ sở tiếp cận tập thể, không thuộc khối, các tiêu chuẩn và nguyên tắc của luật pháp quốc tế và vì lợi ích hợp pháp của tất cả các bên. Cơ cấu này có thể dựa trên các liên kết đa phương đã tồn tại trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, như Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS), Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Bộ trưởng quốc phòng ASEAN và các Đối tác (ADMM +), Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO). Nga đánh giá cao sự ủng hộ của ASEAN đối với việc Nga tham gia EAS và sẵn sàng đóng góp cho diễn đàn mở rộng và nền tảng chung cho đối thoại của các nhà lãnh đạo về các vấn đề chiến lược mà châu Á-Thái Bình Dương phải đối mặt. 

- Tiếp tục các nỗ lực đảm bảo hòa bình, an ninh trong khu vực và toàn cầu, cho rằng mọi tranh chấp giữa các quốc gia cần được giải quyết thông qua đối thoại bằng các biện pháp chính trị và ngoại giao, không đe dọa hay sử dụng vũ lực, cần tôn trọng sự độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mọi quốc gia. Trên cơ sở này, hai bên bày tỏ mối lo ngại sâu sắc về tình hình leo thang ở Trung Đông và Bắc Phi và hy vọng ổn định sẽ trở lại với các khu vực này. 

- Tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực quan trọng như thương mại và kinh tế, bao gồm năng lượng hạt nhân, chống khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia, đáp ứng tình trạng khẩn cấp, khoa học và công nghệ, chăm sóc sức khỏe, văn hóa và du lịch - những động lực cho việc mở rộng tiếp xúc giữa các cơ quan tương ứng của hai bên. 

- Ghi nhận hoạt động có kết quả của Nhóm làm việc ASEAN-Nga về chống khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia và cuộc gặp quan chức cấp cao ASEAN-Nga về tư vấn tội phạm xuyên quốc gia, giúp cải thiện khung luật pháp trong việc đối phó với những thách thức và mối đe dọa mới và chỉ ra những vấn đề tương tác thực tế trong lĩnh vực này. Chuẩn bị những nỗ lực với quan điểm phát triển các quan hệ làm việc giữa ASEAN và Ban thư ký SCO để đối phó với các mối đe dọa và thách thức mới. 

- Đặc biệt đánh giá cao lộ trình hợp tác đầu tư, thương mại và kinh tế ASEAN-Nga, việc thực hiện chương trình làm việc hợp tác năng lượng ASEAN-Nga cho giai đoạn 2010-2015 và đang soạn thảo Chương trình làm việc ASEAN-Nga về Hợp tác quản lý thiên tai. 

- Nhấn mạnh tầm quan trọng của các dự án đổi mới trong khuôn khổ hợp tác ASEAN-Nga, trong các lĩnh vực sử dụng hòa bình khoảng không vũ trụ, năng lượng tái tạo và phi thông thường, nông nghiệp vả an ninh lương thực, và việc thực hiện chúng sẽ góp phần hiện đại hóa kinh tế các nước thành viên ASEAN và Nga, tiến bộ kinh tế-xã hội của vùng Xibêri và Viễn Đông của Nga, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nước ASEAN. ASEAN hoan nghênh sự ủng hộ của Nga đối với việc xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015, cũng như các bước thực tế của Nga hướng tới tham gia phát triển lưu vực sông Mê Công và các chương trình kết nối khu vực. 

- Xem xét thực hiện các dự án do Quỹ Tài chính đối tác đối thoại ASEAN-Nga hỗ trợ, trong đó có quyết định của Chính phủ Nga tăng đóng góp thường niên cho quỹ từ năm 2011. 

- Nhấn mạnh sự cần thiết hợp tác hơn nữa giữa ASEAN và Nga trong cảnh báo sớm và giảm nhẹ thiên tai, và việc cần thiết thành lập các kênh thường xuyên về trao đổi thông tin, hệ thống hỗ trợ chuyên gia lẫn nhau và các lực lượng phản ứng cơ động nhanh chóng. Thành lập các mối tiếp xúc cấp làm việc giữa Trung tâm quản lý tình trạng khẩn cấp quốc gia EMERCON của Nga và Trung tâm hỗ trợ nhân đạo của ASEAN. 

- Khuyến khích đối thoại liên văn hóa và liên văn minh, coi đây là một nhân tố quan trọng cho việc phòng ngừa các xung đột khu vực và toàn cầu, đảm bảo hòa bình và an ninh quốc tế. Tiếp tục hỗ trợ hợp tác văn hóa, tiếp xúc gần gũi hơn giữa người dân với người dân, đặc biệt giữa các đại diện quốc hội, học viện, cộng đồng kinh doanh, và gia tăng trao đổi du lịch. Coi Thỏa thuận hợp tác văn hóa giữa Chính phủ các nước thành viên ASEAN và Chính phủ Nga ngày 30/10/2010 là nền tảng cho sự hợp tác như vậy, và kêu gọi sớm thực hiện thỏa thuận này. 

- Lạc quan về tương lai các mối quan hệ ASEAN-Nga, đồng thời hoan nghênh các bước thực hiện Chương trình hoạt động kỷ niệm 15 năm quan hệ đối tác đối thoại ASEAN-Nga, và coi sự kiện nay là cơ hội tốt để xem xét tình hình hiện nay và đánh giá triển vọng tiếp tục gia tăng hợp tác giữa hai bên và nâng sự hợp tác lên mức cao hơn./.

Lê Quang (gt)