Ngày 1/6, nhân chuyến thăm chính thức Brunei từ 1 - 2/ 6, Sau cuộc hội đàm giữa Tổng Thống Philíppin Aquino III và Quốc Vương Brunei tại Hoàng Cung, hai bên đã ra Tuyên bố chung, trong đó hai bên khẳng định cam kết thúc đẩy một giải pháp hòa bình cho tranh chấp khu vực quần đảo Trường Sa, nhấn mạnh “vai trò trung tâm của ASEAN là then chốt để giải quyết vấn đề này”. Cũng theo Tuyên bố chung, hai bên nhấn mạnh “tầm quan trọng của Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông” ký kết giữa các nước thành viên ASEAN với Trung Quốc.

Tại buổi họp báo về chuyến thăm, Bộ Trưởng Truyền thông Philíppin Herminio Coloma cho biết Philíppin muốn tìm kiếm sự hỗ trợ và hợp tác của Brunei trong khai thác dầu khí tự nhiên và giải quyết tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông. Trong suốt cuộc gặp giữa Tổng Thống Philíppin và Quốc vương Brunei, hai bên đã nhất trí tiếp tục duy trì hòa bình và ổn định tại quần đảo Trường Sa đang tranh chấp thông qua đối thoại đa phương giữa các bên tuyên bố chủ quyền bao gồm ASEAN, các nước tuyên bố chủ quyền và Philíppin trên tinh thần hợp tác. Tuy nhiên, theo ông Coloma, Quốc vương Brunei nói “cách tốt nhất hiện nay là cần có các quan hệ tốt với Trung Quốc” ngay cả khi các bên đang theo đuổi tuyên bố chủ quyền. Hai nhà lãnh đạo đã nhấn mạnh việc cần theo đuổi cách tiếp cận và giải pháp hòa bình đối với việc giải quyết tranh chấp tại Biển Đông.

Cũng trong ngày 1/6, Bộ Trưởng Quốc Phòng Philíppin Voltaire Gazmin cho biết sẽ nêu vấn đề Trung Quốc xâm phạm đảo do Philíppin tuyên bố chủ quyền thuộc khu vực đảo Trường Sa đang tranh chấp ra ASF 2011 hay còn gọi là Đối thoại Shangri - La diễn ra từ ngày 3 - 5/ 6 tại Singapore với sự tham gia của Bộ Trưởng Quốc Phòng các nước châu Á.

Trước hết, biện pháp hữu hiệu nhất hiện nay là phản đối ngoại giao. Ông Gazmin nói: “Chúng tôi đang không ở vị thế có khả năng đương đầu với lực lượng xâm phạm lãnh thổ của chúng tôi và đó là lý do tại sao chúng tôi vẫn đang chủ động theo đuổi các chương trình hiện đại hóa quân đội và tăng khả năng cũng như các phương tiện hàng hải của chúng tôi”. Philíppin đã bị Trung Quốc xâm phạm 6 lần mà theo ông Gazmin là “đáng báo động”. Khi được hỏi về nếu những vụ xâm phạm tiếp tục xảy ra thì ông Gazmin cho biết “Chúng tôi sẽ tiếp tục gửi phản đối ngoại giao, vì đây là biện pháp tối ưu nhất và cũng là hình thức văn minh nhất vào lúc này”. Ông Gazmin cũng nhấn mạnh thêm trong khi Philíppin vẫn đối thoại với Trung Quốc về những vấn đề có thể giải quyết thông qua đàm phán thì Trung Quốc vẫn tiếp tục xâm phạm trong khu vực chủ quyền của Philíppin.

Trong khi đó, về việc các tàu Trung Quốc xuất hiện ở khu vực xung quanh Amy Douglas Bank, Bộ Ngoại Giao Philíppin cho biết đã gặp triệu Đại sứ Trung Quốc tại Philíppin và yêu cầu giải thích rõ ràng về việc này. Sau cuộc gặp của quan chức ngoại giao hai bên, Bộ Ngoại Giao Philíppin bày tỏ không cho phép Trung Quốc có hoạt động tác nghiệp tại khu vực thuộc chủ quyền Philíppin, nhấn mạnh tất cả các công trình trong khu vực này không do phía Philíppin xây dựng đều bị coi là đi ngược với thoả thuận DOC ký giữa Trung Quốc với các nước ASEAN năm 2002.

Về phía Trung Quốc, ngày 2/6, Bộ Ngoại Giao Trung Quốc khẳng định rằng những hoạt động về mặt kinh tế của tàu thuyền Trung Quốc trên Biển Đông là điều hoàn toàn bình thường. Người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nói rằng không hay biết gì về chuyện mà phía Philíppin cáo buộc tàu Trung Quốc xâm phạm vùng biển của Philíppin.

Đây là lần thứ 2 chính phủ Philíppin yêu cầu Trung Quốc làm rõ về một sự việc tại Biển Đông kể từ tháng 3/2011 khi Philíppin gửi công hàm phản đối việc tàu tuần duyên Trung Quốc đã tấn công tàu khảo sát Philíppin trong chính vùng nước của Philíppin.

 Quang Thịnh NCBĐ (tổng hợp)