Các bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng của Mỹ và Ôxtrâylia đã tiến hành hội đàm tại San Francisco (Mỹ) trong khuôn khổ AUSMIN lần thứ 26, đúng vào dịp hai nước kỷ niệm 60 năm ngày ký hiệp ước phòng thủ chung (ANZUS). Chương trình nghị sự của hội nghị tập trung vào khu vực châu Á-Thái Bình Dương, những thay đổi môi trường chiến lược trên khắp khu vực này và những điều chỉnh quan trọng đối với tương lai của liên minh Mỹ-Ôxtrâylia trong bối cảnh có sự nổi lên của Trung Quốc và rộng hơn là sự nổi lên của Ấn Độ. Ngoài ra, còn có những căng thẳng ở Biển Đông và những tranh chấp lãnh thổ chưa được giải quyết trên khắp khu vực châu Á, tác động đến chính sách của các nước lớn. Dưới đây là những nét chính trong Tuyên bố chung của Hội nghị AUSMIN 2011: 

1. Nhng cam kết an ninh chung 

Hiệp ước ANZUS là nền tảng chính trị và pháp lý của liên minh an ninh Mỹ - Ôxtrâylia và liên minh này có vai trò không thể tách rời đối với an ninh của Ôxtrâylia và Mỹ và đối với hòa bình, sự ổn định và thịnh vượng trong và ngoài khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Hai bên khẳng định tầm quan trọng của việc thúc đẩy xây dựng không gian mạng an toàn, tin cậy.

2. Đánh giá tình hình và định hướng chính sách đối với khu vực châu Á-Thái Bình Dương 

Hai bên khẳng định tầm quan trọng ngày càng tăng của khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Liên minh Mỹ - Ôxtrâylia có vai trò chủ đạo đối với hòa bình và an ninh ở khu vực, thúc đẩy hơn nữa tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của châu Á. Mỹ và Ôxtrâylia sẽ hợp tác cùng nhau để xây dựng kết nối chiến lược giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, phối hợp thúc đẩy đối thoại Đông Á và những đối thoại chiến lược khác. Một số định hướng hợp tác trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương: 

* Với Nhật Bản 

Liên minh Mỹ - Nhật Bản có vai trò quan trọng đối với hòa bình và an ninh ở Đông Á, phát triển quan hệ quốc phòng an ninh Ôxtrâylia - Nhật Bản, từng bước tăng cơ hội phối hợp và huấn luyện giữa 3 nước. 

Tăng cường phối hợp chính sách 3 bên giữa Ôxtrâylia, Nhật Bản và Mỹ trên hàng loạt vấn đề an ninh toàn cầu và khu vực thông qua Đối thoại Chiến lược Ba bên và Diễn đàn Hợp tác An ninh Quốc phòng ba bên. 

Tăng cường phối hợp với Nhật Bản trong lĩnh vực hỗ trợ phát triển khu vực và toàn cầu. 

* Với Hàn Quốc 

Tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Hàn Quốc trên các vấn đề quốc phòng và an ninh, trong đó bao gồm triển khai hoạt động gìn giữ hòa bình, chống cướp biển, chống phổ biến vũ khí, chống khủng bố, hỗ trợ nhân đạo và giảm nhẹ thiên tai. 
Hợp tác chặt chẽ với Hàn Quốc để bảo đảm ổn định trên Bán đảo Triều Tiên và ngăn chặn những hành động khiêu khích tiếp theo của Bắc Triều Tiên. 

* Với Bắc Triều Tiên 

Tiếp tục thúc giục Bắc Triều Tiên cải thiện quan hệ liên Triều và ổn định khu vực thông qua thực hiện các biện pháp cụ thể trong khuôn khổ tiến trình đàm phán 6 bên. Ngăn chặn các hành động khiêu khích của Bắc Triều Tiên thông qua tăng cường đào tạo và hội nhập với Hàn Quốc và Nhật Bản. 

Hợp tác thực hiện các mục tiêu xóa bỏ hạt nhân toàn diện đối với Bắc Triều Tiên, trong đó bao gồm cả chương trình làm giầu urani, thông qua các bước đi chắc chắn và thông qua tiến trình đàm phán 6 bên; tìm ra giải pháp đối với các vấn đề liên quan đến hoạt động phổ biến, tên lửa đạn đạo, các hoạt động trái phép và những quan ngại về nhân đạo và nhân quyền, trong đó có vấn đề Bắc Triều Tiên bắt cóc công dân nước ngoài; yêu cầu Bắc Triều Tiên phải thực hiện đầy đủ các Nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ và Tuyên bố chung của Đàm phán 6 bên tháng 9/2005. 

* Với Trung Quốc 

Hoan nghênh sự trỗi dậy của một nước Trung Quốc ổn định, hòa bình và thịnh vượng, đóng vai trò tích cực trong các vấn đề của châu Á và toàn cầu. Tìm kiếm khả năng xây dựng quan hệ tích cực, hợp tác và toàn diện với Trung Quốc, nhằm mở rộng hợp tác đối phó với các thách thức toàn cầu và khu vực, đồng thời xử lý các khác biệt trên tinh thần xây dựng. 

Theo đuổi quan hệ kinh tế công bằng, cân bằng và cùng có lợi với Trung Quốc, với nhận thức rằng sự can dự như vậy sẽ góp phần vào việc duy trì quan hệ ổn định và tích cực hơn nữa. 

Khuyến khích tiếp tục quan hệ quân sự - quân sự ổn định, lành mạnh, tin cậy với Trung Quốc, thông qua thảo luận cởi mở, minh bạch và hiệu quả về khả năng và ý định của Trung Quốc. 

Tăng cường sự tin cậy và lòng tin thông qua đối thoại hơn nữa về các vấn đề an ninh chiến lược. 

* Với Ấn Độ 

Hoan nghênh sự can dự của Ấn Độ vào Đông Á như một phần trong “Chính sách hướng Đông” của Ấn Độ. 

Tăng cường quan hệ chiến lược chiều sâu với Ấn Độ. Xác định các lĩnh vực hợp tác tiềm năng giữa Mỹ, Ôxtrâylia và Ấn Độ, trong đó bao gồm an ninh hàng hải, xử lý rủi ro thiên tai và cấu trúc khu vực. 

* Với Inđônêxia 

Xây dựng cơ chế tham vấn chiến lược và tăng cường phối hợp với Inđônêxia trên một loạt những vấn đề chính trị, kinh tế và an ninh, cũng như biến đổi khí hậu và giáo dục. Hợp tác thông qua quan hệ song phương của Mỹ/Ôxtrâylia với Inđônêxia nhằm tăng cường hợp tác quốc phòng và an ninh, đặc biệt tăng cường phối hợp trong lĩnh vực hỗ trợ nhân đạo và giảm nhẹ thiên tai, hoạt động giữ gìn hòa bình quốc tế, những nỗ lực chống cướp biển, an ninh hàng hải và các hoạt động chống khủng bố. Ủng hộ vai trò quan trọng của Inđônêxia với tư cách Chủ tịch ASEAN năm 2011 và hỗ trợ nước này chuẩn bị tổ chức Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) hiệu quả vào tháng 11 tới. 

* Với Mianma 

Tăng cường nhân quyền và các bước đi hướng tới dân chủ ở Mianma phù hợp với lợi ích hòa bình và ổn định lâu dài ở nước này. 

Hoan nghênh những cam kết cải cách của Tổng thống Thein Sein và thúc giục Chính phủ Mianma biến những cam kết này thành hành động cụ thể. Kêu gọi Chính phủ Mianma đạt được tiến bộ cụ thể trong các vấn đề cốt lõi, trong đó có việc thả tất cả tù chính trị, ngừng bạo lực chống lại các nhóm dân tộc thiểu số, thiết lập tiến trình đối thoại với các nhóm sắc tộc và các thủ lĩnh đối lập, trong đó có bà Aung San Suu Kyi nhằm bắt đầu tiến trình hòa giải dân tộc thực sự. 

Để đạt mục tiêu này, Ôxtrâylia và Mỹ công nhận cuộc gặp ngày 19/8/2011 giữa Tổng thống Thein Sein và bà Aung San Suu Kyi như là bước đi đầu tiên đúng hướng. Nhấn mạnh tầm quan trọng việc Mianma tuân thủ đầy đủ nghĩa vụ quốc tế, trong đó có Nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ về không phổ biến vũ khí và cần phải minh bạch hóa hơn nữa quan hệ giữa Mianma với Bắc Triều Tiên. 

* Với các quốc đảo Thái Bình Dương 

Khẳng định cam kết của Ôxtrâylia và Mỹ trong việc tiếp tục hợp tác đóng vai trò tích cực ở Thái Bình Dương. 

Tiếp tục và mở rộng các nỗ lực chung để tăng cường dân chủ, ủng hộ cải cách kinh tế, tăng cường quản lý, khuyến khích sự bền vững môi trường và xử lý những tác động của vấn đề biến đổi khí hậu, xây dựng quan hệ đối tác với chính phủ và nhân dân các quốc đảo Thái Bình Dương. 

Ủng hộ việc bảo vệ nghề cá của khu vực, tăng cường hoạt động điều phối, giám sát, kiểm soát hàng hải và năng lực tư pháp, dựa trên những sáng kiến hiện nay để tăng cường quản lý tài nguyên thuỷ sản và phân bổ lợi ích một cách công bằng và bền vững cho các quốc đảo Thái Bình Dương. 

Phối hợp chặt chẽ để khuyến khích Phigi sớm quay trở lại dân chủ, bao gồm khôi phục hệ thống pháp luật, tăng cường xã hội dân sự và xây dựng các thiết chế dân chủ. Hợp tác với Diễn đàn các quốc đảo Thái Bình Dương, Ban thư ký của Cộng đồng Thái Bình Dương cùng với các cơ quan khác ở khu vực để tăng cường hợp tác khu vực và mang lại lợi ích cho người dân trong khu vực. 

* Vấn đề Biển Đông 

Tái khẳng định Mỹ và Ôxtrâylia, cùng với cộng đồng quốc tế, có lợi ích quốc gia trong vấn đề tự do lưu thông hàng hải, duy trì hòa bình và ổn định, tôn trọng luật pháp quốc tế và không cản trở thương mại ở Biển Đông. 

Tái khẳng định Mỹ và Ôxtrâylia không đứng về bên nào trong cuộc tranh chấp chủ quyền lãnh thổ ở Biển Đông, kêu gọi chính phủ các nước/các bên làm rõ và theo đuổi những tuyên bố chủ quyền của mình, cùng với các quyền hàng hải phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển. 

Tái khẳng định Mỹ và Ôxtrâylia ủng hộ Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông giữa ASEAN – Trung Quốc năm 2002, khuyến khích các bên tuân thủ cam kết của mình, trong đó có tự kiềm chế, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, hướng tới xây dựng bộ quy tắc ứng xử mang tính ràng buộc. Phản đối việc gây sức ép hoặc sử dụng vũ lực hoặc gây trở ngại hoạt động kinh tế hợp pháp. 

* Cơ cấu khu vực 

Tăng cường cơ cấu khu vực để duy trì và tăng cường hòa bình, thịnh vượng ở châu Á-Thái Bình Dương. 

Hợp tác nhằm đạt được thành công tại Hội nghị Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) sắp tới dưới sự lãnh đạo của Mỹ, qua đó đẩy nhanh tiến trình APEC, thúc đẩy tự do thương mại và hội nhập kinh tế trong khu vực. Khẳng định vai trò quan trọng của Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) vì nó thiết lập một khuôn khổ hợp tác trên một loạt lĩnh vực. 

Hoan nghênh vai trò lãnh đạo của Ôxtrâylia trong việc xây dựng một cộng đồng năng động ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương thông qua EAS. Tận dụng hội nghị các nhà lãnh đạo các nước ở Inđônêxia trong năm nay để định hướng cho việc mở rộng EAS và can dự vào các cuộc thảo luận hiệu quả tại Bali vào ngày 19/11 tới về các vấn đề chính trị, kinh tế, chiến lược và các vấn đề khác của khu vực. 

Thiết lập những mối liên kết chặt chẽ giữa EAS và các diễn đàn cấp bộ trưởng khác mà ASEAN làm trung tâm như Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF). Hoan nghênh thành lập Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+), coi đây là một nhân tố quan trọng trong cấu trúc khu vực và đóng góp vào an ninh và ổn định khu vực. 

Hợp tác hướng tới việc kết thúc thành công đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) nhằm mở rộng thương mại, đầu tư và tăng trưởng giữa 9 nước thành viên TPP, trong đó có Mỹ và Ôxtrâylia, đồng thời tăng cường hội nhập kinh tế khu vực. 

3. Đối phó với những vấn đề an ninh toàn cầu 

Ôxtrâylia và Mỹ cùng chia sẻ quan điểm chung đối với những vấn đề toàn cầu, như Ápganixtan, Pakixtan, Iran, Trung Đông và Libi. 

* Ápganixtan và Pakixtan 

Hai bên thừa nhận và vinh danh những sự hy sinh của lực lượng vũ trang hai nước ở Ápganixtan, đồng thời quyết định: 

Tiếp tục hợp tác chặt chẽ vì mục tiêu chung là xây dựng một nước Ápganixtan ổn định, thịnh vượng và hòa bình trong khu vực. 

Ủng hộ sự chuyển giao trách nhiệm an ninh cho phía Ápganixtan, tiếp tục cam kết can dự lâu dài ủng hộ quá trình phát triển kinh tế và ổn định của Ápganixtan. 

Ủng hộ và can dự vào Pakixtan trong nỗ lực chống khủng bố, tăng cường dân chủ và thúc đẩy phát triển kinh tế. 

Tăng cường an ninh, thương mại và đầu tư ở khu vực, nhấn mạnh tầm quan trọng của Hội nghị Ixtanbun và Bonn sắp tới và viễn cảnh về một “Con đường Tơ lụa mới” 

* Trung Đông/Bắc Phi 

Hai nước tái khẳng định tầm quan trọng tiếp tục hỗ trợ và ủng hộ sự chuyển giao dân chủ đang diễn ra ở Trung Đông. Ôxtrâylia, Mỹ nhận thấy sự cấp bách phải giải quyết cuộc xung đột giữa Ixraen và Palextin, ủng hộ viễn cảnh hòa bình Ixraen-Palextin do Tổng thống Mỹ Barack Obama đưa ra vào tháng 5/2011. Hai nước kêu gọi mạnh mẽ các bên vượt qua những trở ngại hiện nay và nối lại đàm phán song phương trực tiếp mà không trì hoãn hoặc đưa ra các điều kiện tiên quyết. 

Bảo đảm thực hiện đầy đủ Nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ về Iran , trong khi cùng nhau xử lý tình hình vi phạm nhân quyền ở Iran. 

Tiếp tục kêu gọi Tổng thống Xyri Assad từ chức và cho phép tiến hành chuyển giao dân chủ ở Xyri. 

Hợp tác với Hội đồng Dân tộc chuyển tiếp Libi và cộng đồng quốc tế để ủng hộ nhân dân Libi khi họ phải đối mặt với những thách thức thời kỳ Libi hậu Gadhafi, khuyến khích một sự chuyển giao hướng tới một nước Libi dân chủ. 

* Hỗ trợ phát triển 

Hai nước khẳng định việc hỗ trợ phát triển có vai trò quan trọng đối với lợi ích an ninh quốc gia và ngoại giao của hai nước thông qua góp phần ổn định, an ninh và thịnh vượng ở các khu vực và các nước đang phát triển. 

Tiếp tục tăng cường hợp tác giữa hai cơ quan phụ trách hỗ trợ phát triển AUSAID và USAID ở Tandania trong các vấn đề chăm sóc bà mẹ, trẻ em và kế hoạch hoá gia đình, vấn đề kết nối nguồn nước tại Inđônêxia. Ngoài ra, hai bên tiếp tục hợp tác ở Ápganixtan, Nam Xuđăng, tìm cơ hội phối hợp ở Đông Á, đặc biệt ở khu vực hạ lưu sông Mê Công trong lĩnh vực an ninh lương thực, giảm nhẹ tác động của HIV và các dịch bệnh, đối phó với tác động của biến đổi khí hậu. 

4. Tăng cường hợp tác liên minh 

Liên minh Mỹ-Ôxtrâylia là chiếc neo chiến lược đối với hoà bình và ổn định ở tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương và rộng hơn nữa. Nhân dịp kỷ niệm 60 năm ký Hiệp ước ANZUS, hai bên thông qua những biện pháp được hoạch định nhằm tăng cường quan hệ hợp tác liên minh, phối hợp và nâng cao các khả năng. Hai bên khẳng định vai trò của Hiệp ước ANZUS và chia sẻ cam kết thúc đẩy hoà bình, an ninh và thịnh vượng. Hai bên cùng quan ngại về những thách thức trên biển, vũ trụ, không gian mạng và những thách thức an ninh phi truyền thống, đồng thời quyết định tăng cường phối hợp và tham vấn về môi trường chiến lược đang biến đổi ở châu Á-Thái Bình Dương nhằm đảm bảo khả năng thích nghi của liên minh trong việc đối phó với những thách thức khi nổi lên. 

* Không gian vũ trụ 

- Hai bên nỗ lực mở rộng quan hệ hợp tác chặt chẽ về không gian vũ trụ, phát triển sự minh bạch và các biện pháp xây dựng lòng tin. 

- Hai bên ủng hộ những nỗ lực phát triển Đối tác Thông tin Phối hợp Mỹ - Ôxtrâylia, dựa trên Tuyên bố về các nguyên tắc đối tác thông tin vệ tinh quân sự ký tại Hội nghị AUSMIN 2008. 

* An ninh mạng 

Xử lý những mối đe doạ an ninh mạng ngày càng tăng mà hai nước và cộng đồng quốc tế đang phải đối mặt. Tán thành tuyên bố chung tăng cường hợp tác song phương về các vấn đề an ninh mạng. 

* Vị trí triển khai đóng quân 

Năm ngoái, Mỹ và Ôxtrâylia đã thành lập một nhóm công tác song phương để phát triển những lựa chọn nhằm tái bố trí lực lượng vũ trang của mỗi nước theo những cách thức có lợi cho an ninh quốc gia của cả hai nước, giúp định hình môi trường an ninh khu vực đang nổi lên. Tại hội nghị lần này, Mỹ và Ôxtrâylia đã đánh giá một loạt sáng kiến hợp tác tiềm năng, bao gồm: 

- Những lựa chọn cho việc tăng sự tiếp cận của Mỹ đối với các khu huấn luyện, diễn tập và bãi thử thử vũ khí của Ôxtrâylia; 

- Bố trí trang thiết bị của Mỹ tại Ôxtrâylia; 

- Những lựa chọn đối với việc Mỹ sử dụng rộng rãi hơn các cơ sở và hải cảng của Ôxtrâylia; 

- Những lựa chọn cho các hoạt động chung và phối hợp tại khu vực. Các cuộc thảo luận đã thừa nhận rằng lực lượng quân sự hai nước sẽ được triển khai ở vị trí sao cho có thể phản ứng kịp thời và hiệu quả những tình huống bất ngờ có thể nảy sinh tại khu vực, bao gồm hỗ trợ nhân đạo, giảm nhẹ thiên tai và tăng cường khả năng hợp tác với các lực lượng vũ trang của các đối tác khác trong khu vực 

* Phối hợp 

Hai bên nhấn mạnh sự phối hợp từ lâu này là tiêu chuẩn đánh giá liên minh và sẽ chỉ có thể phát triển mạnh mẽ hơn thông qua hợp tác liên minh chặt chẽ hơn. Việc thực thi Hiệp ước Hợp tác quốc phòng sẽ hỗ trợ sự hợp tác này. Hai bên quyết định: 

- Tăng cường khả năng tương tác của lực lượng vũ trang hai nước, đặc biệt liên quan đến cam kết hợp tác về máy bay chiến đấu và vận tải, trực thăng, hệ thống tác chiến ngầm và công nghệ ngư lôi. 

- Dựa trên sự mở rộng vai trò của các bộ phận dân sự trong khi tiến hành thành công cuộc tập trận TALISMAN SABER, cuộc diễn tập quân sự tổng hợp lớn và quan trọng nhất, nhằm tăng cường khả năng tương tác và năng lực phối hợp chung nhằm ổn định hoá và tái thiết hậu xung đột. 

* Phòng thủ tên lửa đạn đạo (BMD) 

Ôxtrâylia ghi nhận và sẽ tiếp tục tham vấn với Mỹ về việc phát triển hướng thích nghi đối với Phòng thủ tên lửa đạn đạo được nêu trong Bản đánh giá BMD của Mỹ, theo đó cho phép phòng thủ tên lửa được áp dụng đối với những thách thức chỉ có ở châu Á-Thái Bình Dương. Hai bên sẽ tiếp tục hợp tác xây dựng sự hiểu biết chung về những nguy cơ tên lửa đạn đạo ở khu vực và hợp tác nghiên cứu các hệ thống nhằm đối phó với những mối đe doạ này, cũng như các lựa chọn cho sự hợp tác thiết thực trong lĩnh vực này. 

Giới phân tích nhận định nét mới tại Hội nghị AUSMIN lần này là việc hai bên nhất trí bổ sung vấn đề hợp tác chống tin tặc vào văn kiện phòng thủ chung nhằm đối phó với những thách thức mới trong thế kỷ 21. Theo các quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ, đây là lần đầu tiên sự hợp tác chống chiến tranh mạng được đưa vào một bản hiệp định phòng thủ giữa Oasinhtơn và các nước đồng minh, cho dù NATO đã chú trọng tới mối đe dọa này. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta khẳng định sự kiện này cho thấy tin học là một chiến trường trong tương lai và ngụ ý Mỹ cùng các đồng minh cần phải có những hoạt động tấn công trên lĩnh vực tin học. Bộ trưởng Quốc phòng Ôxtrâylia Stephen Smith cũng cho rằng an ninh mạng là "một thách thức chủ yếu, xuyên quốc gia trong thế kỷ 21" và sẽ là một trong những vấn đề chính của các cuộc thảo luận hàng năm giữa hai nước. Theo kế hoạch, Hội nghị Ausmin năm 2012 sẽ được tổ chức tại Ôxtrâylia. 

Theo đánh giá, việc Tổng thống Mỹ Barack Obama có kế hoạch công du Ôxtrâylia vào tháng 11 tới được coi là một dấu hiệu nữa cho thấy Mỹ muốn thắt chặt quan hệ với đồng minh truyền thống ở Nam bán cầu này./. 

Lê Sơn (gt)