Cùng với sự quyết đoán gia tăng trong những hành động gần đây trên Biển Đông của Trung Quốc với Philippines và sau chuyến thăm Bắc Kinh hồi cuối tháng 2 và đầu tháng 3 của Tổng tư lệnh các Lực lương vũ trang Indonesia (TNI), Đại tướng Moeldoko, trên các phương tiện truyền thông Indonesia đã xuất hiện nhiều tin tức, bài báo, và phát biểu của một số quan chức, học giả nước này đề cập tới tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc trong khu vực, đặc biệt là tuyên bố về “đường chín đoạn” bao gồm cả một phần lãnh hải của Indonesia ở khu vực Natuna tiếp giáp Biển Đông, đe dọa đến chủ quyền lãnh thổ của quốc đảo. 

Hành vi gần đây của nước lớn Trung Quốc và các biện pháp quân sự đơn phương như phong tỏa hải quân và lớn tiếng bài ngoại đã gây ấn tượng về một Trung Quốc gia tăng quyết tâm thể hiện quyền lực mềm của mình trong việc giải quyết cả vấn đề Biển Hoa Đông lẫn tranh chấp trên Biển Đông. Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới - đã làm dấy lên mối nghi ngờ sâu sắc trong các nước láng giềng khi tăng 12% ngân sách quốc phòng trong năm 2014 lên 132 tỷ USD, nhiều thứ hai thế giới chỉ sau mức 528 tỷ USD của Mỹ. 

Các biện pháp gần đây của Trung Quốc như ban hành Luật thủy sản mới, thành lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Hoa Đông, và mới đây nhất là tiến hành phong tỏa hải quân xung quanh rạn san hô Second Thomas Shoal trên Biển Đông, được biết đến với tên gọi Ren'ai Reef ở Trung Quốc và Ayungin ở Philippines, đã làm trầm trọng thêm mối quan ngại của các nước trong khu vực. 

Trong quá khứ, Trung Quốc đã lựa chọn giải pháp quân sự để chiếm đoạt những vùng lãnh thổ đã được các quốc gia khác tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông. Trong tuần thứ hai tháng 3/1988, Trung Quốc triển khai quân đội của mình chiếm các rạn san hô Collins, Lansdowne và Johnson South (Gạc Ma) trong quần đảo Trường Sa. Trung Quốc hiện đang kiểm soát Gạc Ma và gọi nó theo cái tên là Chiguajiao. 

Với những động thái trên của Trung Quốc, theo tác giả, phải chăng Trung Quốc hiện có thể lựa chọn biện pháp quân sự một lần nữa để theo đuổi tham vọng chủ quyền lãnh thổ trong tuyên bố đơn phương của mình về Biển Đông? 

Tác giả nhấn mạnh rằng không ai ở châu Á muốn một cuộc chiến tranh, nhưng những lời nói và hành động gần đây của Trung Quốc không chỉ đáng báo động mà còn đang diễn ra theo chiều hướng đó.

Hồi đầu tháng Ba này, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị phát biểu với truyền thông đã nói rằng “về vấn đề lãnh thổ và chủ quyền, lập trường của Trung Quốc rất rõ ràng và không thay đổi là không có sự nhân nhượng”, đồng thời khẳng định “Trung Quốc sẽ không lấy những gì không phải của mình, nhưng sẽ bảo vệ mỗi một tấc lãnh thổ thuộc về mình”. 

Tuy nhiên, vấn đề chủ chốt ở đây chính là tuyên bố lãnh thổ hầu như toàn bộ Biển Đông của Trung Quốc, thể hiện công khai qua “đường chín đoạn” hết sức vô căn cứ – một sự khẳng định tranh chấp quyết liệt của Bắc Kinh với Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và vùng lãnh thổ Đài Loan. 

Indonesia - không phải là một quốc gia tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông, hiện đang lo ngại gia tăng về tuyên bố đơn phương cũng như các hành động quyết đoán hơn của Trung Quốc – động thái đe dọa hòa bình và ổn định ở Đông Nam Á cũng như sự thống nhất của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Đáng báo động hơn, theo một quan chức quốc phòng Indonesia - Đại tá quân đội Fahru Zaini, đồng thời là cố vấn về học thuyết chiến lược quốc phòng cho Bộ Điều phối Chính trị, An ninh và Luật pháp Indonesia, Trung Quốc đã đưa các vùng biển Natuna tiếp giáp với Biển Đông thuộc tỉnh Riau của Indonesia vào bản đồ lãnh thổ trong “đường chín đoạn” và đưa nó vào bản đồ mới in trong hộ chiếu mới của công dân nước này. Đây chính là mối đe dọa nghiêm trọng đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Indonesia. 

Quan chức trên nhấn mạnh “Việc Trung Quốc đã tuyên bố các vùng biển Natuna thuộc lãnh hải của họ, và tuyên bố liên quan đến tranh chấp về quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa (Paracel) giữa Trung Quốc với Philippines và Việt Nam này sẽ tác động lớn đến an ninh và ổn định tại khu vực biển Natuna của Indonesia”. Chuyên gia này cũng cho biết Indonesia đang tăng cường nghiên cứu chiến lược phòng thủ quốc gia, trong đó có việc thiết lập và triển khai các căn cứ quân sự và lực lượng quân đội để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của mình tại Natuna. 

Biển Đông ở Việt Nam là một khu vực giàu tài nguyên thủy sản và dầu khí, nơi có các tuyến hàng hải ngắn nhất nối giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, và hàng năm một khối lượng hàng hóa của thế giới trị giá tới 6.000 tỷ USD được trung chuyển qua khu vực này. 

Biển Đông có bốn nhóm đảo chính: Quần đảo Hoàng Sa (Việt Nam và vùng lãnh thổ Đài Loan tuyên bố chủ quyền nhưng bị Trung Quốc chiếm đóng); Quần đảo Pratas (Trung Quốc tuyên bố chủ quyền nhưng Đài Loan hiện đang nắm giữ); Quần đảo Trường Sa (Việt Nam, Trung Quốc và Đài Loan tuyên bố toàn bộ chủ quyền, Malaysia, Philippines và Brunei tuyên bố một phần chủ quyền, hiện do Trung Quốc, Việt Nam, Đài Loan, Malaysia và Philippines nắm giữ); và rạn san hô Macclesfield Bank/ Scarborough Reef (Trung Quốc, Đài Loan tuyên bố chủ quyền đối với cả hai, Philippines tuyên bố chủ quyền với Scarborough Reef, và cả hai rạn san hô này chưa có ai kiểm soát).

Vấn đề là các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc và Đài Loan được đưa ra dựa trên cái gọi là chủ quyền không thể tranh cãi theo bản đồ “đường chín đoạn”, trong khi tính pháp lý của “đường chín đoạn” này hoàn toàn không rõ ràng, không có căn cứ và không có bên tranh chấp liên quan nào thừa nhận nó. 

Chuyên gia về các vấn đề ASEAN, Rodolfo C. Severino trong một bài viết ocuốn sách mới xuất bản của mìn, nhan đề “Bước vào vùng biển chưa thám hiểm? ASEAN và Biển Đông” đã lưu ý “cả Bắc Kinh và Đài Bắc đều đã từ chối giải thích đường chín đoạn biểu thị điều gì, tuyên bố chủ quyền hay một loại quyền tài phán hàng hải đối với toàn bộ vùng biển hay chỉ là các vùng đất trong đường chín đoạn này bao gồm”. 

Chuyên gia về các vấn đề biển Indonesia, Giáo sư Djalal Hasjim trong một cuộc hội thảo quốc tế mới đây ở Jakarta cũng chia sẻ quan điểm tương tự khi nhấn mạnh rằng "đường chín đoạn” như tuyên bố của Trung Quốc hoàn toàn mơ hồ khi nó không hề có sự xác định rõ ràng, cũng không hề có xác định cụ thể về tọa độ, và nếu có bất kỳ bằng chứng lịch sử nào thì “Bắc Kinh, xin hãy đưa ra”. 

Theo tác giả, với những căng thẳng hiện nay và tình trạng thiếu các bằng chứng thuyết phục từ Trung Quốc cũng như các bên tuyên bố chủ quyền khác, sẽ tốt hơn nếu tất cả tôn trọng một giải pháp hòa bình cho tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông. Và cho đến khi đạt được một giải pháp cuối cùng, mà theo tác giả có lẽ sẽ không xa nếu ASEAN và Trung Quốc đạt được Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC), cần phải có một cơ chế để ngăn chặn xung đột và thúc đẩy hợp tác giữa các bên còn bất đồng. Và đối thoại vẫn là cách tốt nhất để giải quyết tranh chấp biển kéo dài này./.

 Bài viết của tác giả Veeramalla Anjaiah đăng trên báo mạng The Jakarta Post

Thuỳ Anh (gt)