Theo La Viện, cho dù Mỹ-Nhật nói rằng cuộc tập trận trên không nhằm vào một kẻ địch giả tưởng nào, song vào thời khắc và địa điểm hết sức nhạy cảm như hiện nay, việc hai bên tiến hành cuộc tập trận chung với tiền đề “đảo bãi” bị quân đội nước thứ ba đánh chiếm rõ ràng là nhằm vào vấn đề quần đảo Điếu Ngư (Nhật Bản gọi là Senkaku). Mỹ làm như vậy là có ý đồ chiến lược: một là tăng cường quan hệ đồng minh quân sự với Nhật Bản, đẩy nhanh tiến trình nhất thể hóa quân sự Mỹ-Nhật; hai là tìm cái cớ cho sự trở lại châu Á của Mỹ. Ngoài ra, cùng với cuộc tập trận chung Mỹ-Nhật, Mỹ và Hàn Quốc cũng tiến hành tập trận chung, Mỹ đang tỏ rõ ý đồ liên kết Nhật Bản với Hàn Quốc lại để xây dựng một tiểu NATO ở Đông Á. 

Thiếu tướng La Viện nhấn mạnh: “Trong cuộc tranh chấp quần đảo Điếu Ngư/Senkaku, kẻ đầu tiên gây ra chuyện này chính là Mỹ”. Nếu không có “Điều ước San Francisco” năm 1951, nếu năm 1953 Mỹ không tự ý đưa quần đảo Điếu Ngư/Senkaku gộp vào bản đồ quần đảo Ryukyu để rồi đến năm 1972 trao trả trái phép Ryukyu cho Nhật Bản, thì sẽ không xảy ra vấn đề quần đảo Điếu Ngư/Senkaku, qua đó có thể thấy rõ dụng tâm hiểm ác của Mỹ. Cho dù trong vấn đề trở lại châu Á, các lãnh đạo Mỹ luôn nhấn mạnh là không nhằm vào Trung Quốc, song chỉ cần một nước nào đó xung quanh Trung Quốc có phiền toái (với Trung Quốc), Mỹ chắc chắn sẽ đứng về phía đối lập với Trung Quốc. Hàng loạt hành vi của Mỹ không hề có thiện chí, rõ ràng là đang kiềm chế Trung Quốc. Lần này tổ chức cuộc tập trận với Nhật Bản, người Mỹ đã dùng hành động thực tế để phủ nhận lập trường trong vấn đề quần đảo Điếu Ngư/Senkaku mà trước đây họ từng nói là “không đứng về bên nào”. 
Về ý đồ của Nhật Bản, Thiếu tướng La Viện cho rằng Nhật Bản đang muốn kéo Mỹ vào cuộc, “bắt cóc” Mỹ lên chiến xa của Nhật Bản, hùa theo tình cảm chủ nghĩa dân tộc trong nước. 

Liên quan đến vấn đề trên, Thiếu tướng Bành Quang Khiêm - Phó Tổng thư ký Ủy ban Chính sách An ninh Quốc gia - cho rằng vấn đề quần đảo Điếu Ngư/Senkaku có bối cảnh lớn của việc Mỹ chuyển dịch trọng tâm chiến lược sang phía Đông, điều này khiến vấn đề quần đảo Điếu Ngư/Senkaku trở nên lâu dài, phức tạp và căng thẳng. Mỹ-Nhật có nhu cầu và lợi dụng lẫn nhau, nếu không có bối cảnh lớn của việc Mỹ chuyển dịch trọng tâm chiến lược sang phía Đông, Nhật Bản sẽ không dám mạnh tay gây tranh chấp trong vấn đề quần đảo Điếu Ngư/Senkaku. Nếu Mỹ tiếp tục có thái độ như hiện nay, một mặt nói rằng không đứng về bên nào trong vấn đề tranh chấp chủ quyền quần đảo Điếu Ngư/Senkau, một mặt vẫn ngầm ủng hộ Nhật Bản “gây chuyện”, có nghĩa rằng Mỹ đang phủ định lịch sử và tính chính nghĩa của nước này trong cuộc đấu tranh chống phát xít và đã lựa chọn chiến tuyến sai lầm. Theo Thiếu tướng Bành Quang Khiêm, Trung Quốc cần phải làm tốt công tác chuẩn bị đấu tranh lâu dài, nếu Nhật Bản phán đoán sai lầm về chiến lược, có hành động mù quáng về chiến lược sẽ chỉ tự chuốc lấy hậu quả, Trung Quốc tất sẽ đáp trả những biện pháp tương ứng. 

Trong khi đó, trang “Tin tức Trung Quốc” gần đây đăng bài viết của Lý Đại Quang - Giáo sư Đại học Quốc phòng Trung Quốc - kiến nghị rằng Trung Quốc cần lấy trí tuệ chính trị và ngoại giao, áp dụng các hành động tích cực để bảo vệ quần đảo Điếu Ngư/Senkaku.

Một là, Trung Quốc phải thường xuyên phái tàu ngư chính, tàu khảo sát hải dương và tàu hải giám đến quần đảo Điếu Ngư/Senkaku nhằm thể hiện công khai chủ quyền đối với quần đảo này. Tàu ngư chính thuộc Bộ Nông nghiệp, tàu khảo sát hải dương là tàu sử dụng vào mục đích khảo sát khoa học, tàu hải giám là tàu chấp pháp hải dương quốc gia. Xuất phát từ nhu cầu bảo vệ an toàn quốc dân, nếu gặp phải các hành động cưỡng chế xua đuổi của Nhật Bản đối với các tàu công vụ nhà nước kể trên, Trung Quốc có thể điều động tàu chiến đến hộ tống, bảo vệ hoạt động của tàu cá.

Hai là, Trung Quốc phải làm sáng tỏ quần đảo Điếu Ngư/Senkaku thuộc vùng phụ cận Đài Loan, do Đài Loan quản lý, thể hiện rõ sự tồn tại của quyền lực công đối với quần đảo Điếu Ngư/Senkaku. Xét từ mặt địa lý hải dương, quần Điếu Ngư/Senkaku thuộc đảo phụ cận của chuỗi đảo Đài Loan, có quan hệ địa lý không thể tách rời với Đài Loan. Vì vậy, từ góc độ hoạch định khu vực hành chính quốc gia, Trung Quốc có thể tiến hành phân định đối với quần đảo Điếu Ngư/Senkaku, đưa quần đảo này vào phạm vi quản hạt của Đài Loan, xây dựng quần đảo Điếu Ngư/Senkaku thành một đơn vị trực thuộc huyện Nghi Lan của khu vực Đài Loan. Đây là một biện pháp dùng quyền lực công để tuyên bố chủ quyền, về mặt pháp lý nhấn mạnh quần đảo Điếu Ngư/Senkaku là lãnh thổ vốn có của Trung Quốc. Đồng thời, làm như vậy còn có thể tạo nên trạng thái hai bờ cùng nhau bảo vệ quần đảo này, Đại lục có thể danh chính ngôn thuận giúp đỡ các yêu cầu của Đài Loan trong việc bảo vệ chủ quyền quần đảo Điếu Ngư/Senkaku. 

Ba là, Trung Quốc Đại lục bắt tay hợp tác với Hồng Công, Ma Cao, Đài Loan, cùng nhau bảo vệ quần đảo Điếu Ngư/Senkaku. Hiện nay, lãnh đạo cấp cao hai bờ đều nhấn mạnh Điếu Ngư/Senkaku thuộc lãnh thổ vốn có của Trung Quốc. Vì lợi ích chung, Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Công, Ma Cao cần dựa vào đại nghĩa dân tộc, loại bỏ mọi trở ngại, thành lập cơ quan điều phối bảo vệ “lãnh hải Trung Hoa”, xây dựng kênh trao đổi cấp cao, tìm kiếm cơ chế quyết sách cùng chống lại kè thù. Vì vậy, nhiệm vụ cấp bách hiện nay là hai bờ cần bắt tay thành lập “Đặc khu quần đảo Điếu Ngư Trung Hoa”, tuyên bố “cùng quản lý, cùng khai thác”. Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Công, Ma Cao bắt tay bảo vệ Điếu Ngư là phương thức hiệu quả nhất để đối phó với Nhật Bản.

Theo Báo “Văn Hối” (Hồng Công) ngày 22/8

Lê Sơn (gt)