Thực tế cho thấy Ấn Độ và Trung Quốc không dễ dàng trở thành đồng minh của nhau. Ấn Độ là một nền dân chủ cởi mở với tự do báo chí, trong khi Trung Quốc là một chế độ chuyên chế. Trong chuyến thăm Nhật Bản vừa qua, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã cảnh báo thế giới về một số nước "bành trướng" nhất định tại Đông Á. Đây rõ ràng là sự ám chỉ đến Trung Quốc. Trong khi đó, Trung Quốc có những mối quan hệ chặt chẽ với Pakistan.

Theo các nhà phân tích, hai quốc gia châu Á khổng lồ này đã cách khá xa nhau về mức độ phát triển kinh tế trong vài thập kỷ gần đây. Trung Quốc khao khát các nguồn tài nguyên và tốc độ tăng trưởng bền vững hơn, trong khi Ấn Độ rất cần phục hồi tăng trưởng bằng việc xây dựng cơ sở hạ tầng cơ bản và phát triển một cơ sở chế tạo để cung cấp việc làm cho thanh niên.

Trung Quốc và Ấn Độ cũng có những mối quan hệ khác nhau với các nước láng giềng nhỏ hơn tại châu Á. Ông Modi đang tìm cách "nhẹ nhàng" thúc đẩy thương mại với Nepal, Bhutan và Sri Lanka, trong khi Trung Quốc tiếp tục hành động "hung hăng" với Việt Nam và Philippines vì những tranh chấp ở Biển Đông. Giữa Ấn Độ và Trung Quốc cũng đang có căng thẳng ngấm ngầm về tranh chấp biên giới, cũng như việc New Delhi hỗ trợ Dalai Lama và những người Tây Tạng lưu vong tại Dharamsala.

Tuy nhiên, hai nước cũng có một số điểm tương đồng khi đều là những nước đang phát triển lớn, với nền văn hóa lịch sử đáng tự hào, có mối quan hệ không dễ dàng với Mỹ. Ông Modi - một nhà cầm quyền ủng hộ kinh doanh, thiên hữu - là người rất hâm mộ những thành công kinh tế của Trung Quốc. Thời gian làm Thủ hiến bang Gujarat, ông Modi đã thăm Trung Quốc 4 lần để thu hút đầu tư cho bang này và đã tuyên bố hồi năm 2011 rằng "Ấn Độ và Trung Quốc sẽ biến châu Á thành trung tâm của kinh tế toàn cầu". 

Cả Trung Quốc và Ấn Độ cũng đều không thích trật tự thế giới sau năm 1945, các thể chế quốc tế do các cường quốc phương Tây chi phối cũng như một số ưu tiên trong cuộc chiến chống biến đối khí hậu hoặc vấn đề nhân quyền. Ấn Độ đang khao khát nguồn vốn đầu tư của Trung Quốc, trong khi Bắc Kinh đang mong muốn tham gia và nhận được sự hỗ trợ của New Delhi khi Ấn Độ đang tìm cách thay đổi cán cân quyền lực toàn cầu sang phía Đông.

Khi ông Modi đang tìm cách tái định hình nền kinh tế Ấn Độ và xây dựng cơ sở hạ tầng, ông Tập Cận Bình là một đồng minh hùng mạnh tiềm tàng. Ông Joseph Caron - cựu đại sứ Canada tại Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ - nói: "Hai nước có thể hợp tác trong các vấn đề môi trường và Tổ chức Thương mại Thế giới, nhưng không có nhiều lý do cho sự cộng tác chiến lược, trừ trong các vấn đề cụ thể". 

Ông Modi dường như sẽ không sử dụng sức mạnh quân sự để giúp các nước Đông Nam Á nhỏ hơn tại sân sau của Trung Quốc, nhưng Ấn Độ có thể hành động để giữ ổn định khu vực này, khi nhận trách nhiệm như một đối trọng dân chủ của Trung Quốc. Dù New Delhi và Bắc Kinh có hợp tác thì chắc chắn giữa họ vẫn tồn tại sự nghi ngờ bởi các lợi ích của họ là rất khác nhau.

Theo báo "Thư tín địa cầu"

Vũ Hiền (gt)