trung_my.jpg

Người Trung Quốc cho rằng Mỹ luôn muốn chế ngự, cô lập họ và đánh đổ Đảng Cộng sản Trung Quốc cùng mô hình kinh tế mà họ xây dựng. Và người Trung Quốc cũng tin rằng Mỹ quyết tâm thống trị châu Á - khu vực mà Trung Quốc coi là "sân sau" của mình.

Trong khi đó, trong con mắt của người Mỹ, Trung Quốc là một quốc gia ngày càng hung hăng và là nơi luôn siết chặt các quyền tự do chính trị, bóp nghẹt nhân quyền, đồng thời không ngừng tiến hành các cuộc tấn công mạng nhằm vào doanh nghiệp công và tư nhân của Mỹ, hăm dọa các quốc gia láng giềng ở Biển Đông và thao túng tiền tệ để tạo lợi thế kinh tế cho mình.

Robert Blackwill - cựu Đại sứ Mỹ tại Ấn Độ - cho rằng Mỹ nên có một thái độ rõ ràng và cương quyết hơn. Theo quan điểm của ông, Trung Quốc là mối đe dọa đối với các lợi ích của Mỹ bởi sức mạnh quân sự ngày càng tăng của họ có nguy cơ "lấn át các đối thủ láng giềng và trong khu vực, đồng thời đủ sức răn đe Mỹ khi Mỹ muốn can thiệp để tránh một cuộc khủng hoảng". Ông khẳng định "cán cân quyền lực châu Á" đang đứng trước nguy cơ lớn.

Một số quốc gia châu Á muốn Mỹ tăng cường sự hiện diện trong khu vực và đóng vai trò thách thức quyền lực Trung Quốc. Tuy nhiên, họ lại không dám công khai đối đầu với cường quốc này. Kim ngạch thương mại hai chiều giữa các quốc gia này với Trung Quốc lớn hơn là với Mỹ. Cựu Thủ tướng Úc Kevin Rudd, một chuyên gia về Trung Quốc, cho rằng mặc dù bất đồng là điều có thực, song cả hai phía đều muốn thổi phồng các mâu thuẫn. Lấy ví dụ, ngân sách quốc phòng của Trung Quốc trong những năm gần đây không ngừng tăng mạnh, song trên thực tế, Mỹ còn chi tiêu gấp bốn lần Trung Quốc. Ông nói: "Tới giữa, nếu không muốn nói là tới tận cuối thế kỷ này, Trung Quốc khó có thể bắt kịp Mỹ về mặt quân sự".

Ông Rudd cho rằng hai bên cần "có cách hành xử tích cực" để thiết lập các quy tắc chung. Hệ thống chính trị ở hai nước cực kỳ khác biệt, và Trung Quốc sẽ không thay đổi. Hai nước có những cạnh tranh về lợi ích và mâu thuẫn không ngừng gia tăng, nhất là trong các vấn đề như an ninh mạng và tầm ảnh hưởng khu vực. Tuy nhiên, hai bên cũng có chung những mối quan tâm và lợi ích như sự tương thuộc về kinh tế, biến đổi khí hậu và các mối đe dọa khủng bố. Tình hình và biến động trong nước sẽ là những nhân tố chi phối mạnh mẽ mối quan hệ song phương cũng như cách hành xử của cả hai nước.

Tại Trung Quốc, nhà lãnh đạo Tập Cận Bình đang có những biện pháp cương quyết để củng cố quyền lực, và Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng triển khai các chiến dịch chống tham nhũng trên diện rộng. Tuy nhiên, cùng lúc đó, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đã chững lại, và chỉ còn giữ ở mức 6%, thấp hơn nhiều giai đoạn bùng nổ khi tăng trưởng đạt từ 10-12%. Những gì mà ông Tập Cận Bình cùng giới lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc đang làm có tác động không nhỏ tới cơ cấu quyền lực nội bộ, có nguy cơ gây chia rẽ nghiêm trọng, hoặc thậm chí là sẽ dẫn tới những biện pháp mạnh tay hơn để siết chặt quyền tự do chính trị và nhân quyền, hoặc khiến Bắc Kinh có thái độ hung hăng hơn ở Biển Đông và trong cách hành xử đối với Đài Loan.

Ở phía bên kia Thái Bình Dương, nếu nhà tỷ phú nhiều tai tiếng Donald Trumph hoặc cánh hữu của đảng Cộng hòa lên nắm quyền, quan hệ song phương Mỹ-Trung chắc chắn sẽ bước vào một giai đoạn căng thẳng hơn nữa. Các tuyên bố trong những cuộc gặp tuần trước giữa hai nhà lãnh đạo Barack Obama và Tập Cận Bình đem đến nhiều hy vọng, nhất là khi Trung Quốc cam kết xử lý mạnh tay các vụ tấn công mạng và đẩy mạnh hơn nữa cam kết về biến đổi khí hậu. Những tháng tới sẽ là "thời gian thử thách" quan trọng để xem những hứa hẹn này có thật sự giá trị hay không. Trên tất cả, điều mà hai nước cần hết sức chú ý là làm thế nào để tránh khỏi điều mà học giả Havard Graham Allison gọi là "cái bẫy Thucydides", khi chiến tranh luôn nổ ra giữa một cường quốc đương thời và một cường quốc đang nổi.

Theo "Bloomberg view"

Hùng Sơn (gt)