Người ta dự đoán trong chuyến thăm Mỹ vào mùa thu 2015 của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, khái niệm "mối quan hệ kiểu mới giữa các nước lớn" sẽ được chủ và khách đưa ra bàn thảo. Nhiều người dân Mỹ vẫn lo ngại rằng đây là một công cụ được Trung Quốc sử dụng nhằm chia rẽ các mối quan hệ đồng minh của Mỹ. Tuy nhiên, các học giả Trung Quốc đáp trả lại rằng sáng kiến này của ông Tập Cận Bình là một phần trong những nỗ lực ngăn chặn những nguy cơ nảy sinh từ sự cạnh tranh quyền lực giữa các nước lớn, nguyên nhân đã dẫn đến Thế chiến lần thứ nhất.

Những người bi quan dự đoán một cuộc xung đột sẽ nổ ra khi Trung Quốc ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn, đi kèm với đó là nỗ lực nhằm đánh bật Mỹ ra khỏi khu vực Tây Thái Bình Dương. Nhưng những ý kiến khác lại cho rằng viễn cảnh này có thể sẽ được ngăn chặn, nếu Mỹ chấp nhận hạn chế các hoạt động của mình chủ yếu ở Đông Thái Bình Dương, song điều này sẽ khiến cho Mỹ mất đi vị thế của mình. Ngoài ra, sự tiếp tục hiện diện của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương sẽ giúp duy trì một môi trường cân bằng, đồng thời góp phần vào việc buộc Trung Quốc phải có cách hành xử trách nhiệm.

Một chính sách hợp lý để đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc phải được kết hợp cả sự thực tế lẫn tính hòa nhập. Trong thập niên 90 của thế kỷ trước, chính quyền của Tổng thống Mỹ B. Clinton đã bắt đầu tính đến điều này, và khi đó, một số ý kiến đã cho rằng Mỹ cần phải có một chính sách mạnh mẽ, nhưng đã không được chấp nhận. Sở dĩ ý kiến này bị bác bỏ vì phần đông cho rằng sẽ không thể lôi kéo được các nước trong khu vực vào các nỗ lực chống Trung Quốc, do các nước này luôn luôn muốn duy trì mối quan hệ tốt đẹp với cả Mỹ và Trung Quốc. Và điều quan trọng hơn, các chính sách cứng rắn sẽ tạo ra sự thù địch không cần thiết giữa Mỹ và Trung Quốc.

Trên thực tế, Mỹ đã chọn một chính sách vừa mềm dẻo, vừa chặt chẽ với Trung Quốc. Quốc gia đông dân nhất thế giới được chào đón vào Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), song mặt khác, Mỹ vẫn tiếp tục củng cố mối quan hệ đồng minh về an ninh với Nhật Bản. Khi sự trỗi dậy của Trung Quốc gây lo ngại cho các nước láng giềng, thì những nước này sẽ phải tìm cách cân bằng cán cân trong khu vực. Đây chính là điểm mấu chốt trong việc cân bằng quyền lực giữa Trung Quốc và Mỹ.

Trong bài "Làm thế nào để Trung Quốc đánh bại Mỹ", học giả Diêm Học Thông đã viết: "Để có thể hình thành được một môi trường quốc tế thuận lợi cho sự trỗi dậy của mình, Bắc Kinh cần phải đưa mối quan hệ ngoại giao và quân sự với các quốc gia vượt lên trên Washington. Không một cường quốc nào có thể có mối quan hệ hữu nghị với tất cả các nước trên thế giới, và điều cốt lõi trong cuộc cạnh tranh giữa Trung Quốc và Mỹ chính là việc nước nào có nhiều bạn bè hơn".

Về điểm này, Mỹ có vẻ có lợi thế hơn nhờ vào mạng lưới đồng minh của mình. Hiện nay, Mỹ đã ký hiệp ước đồng minh với khoảng 60 quốc gia. Về chính trị, theo thống kê của tạp chí "The Economist", trong số 150 quốc gia trên thế giới thì có đến gần 100 nước ủng hỗ Mỹ và chỉ có 21 nước chống. Năm 2011, Mỹ đã công bố chính sách tái cân bằng chiến lược của mình đối với châu Á, khu vực có tốc độ phát triển nhanh nhất toàn cầu. Nhiều người Trung Quốc nghĩ rằng đây là một nỗ lực nhằm kiềm chế Trung Quốc, tuy nhiên bối cảnh hiện nay đã khác hoàn toàn so với thời Chiến tranh Lạnh. Khi đó, Mỹ gần như không có mối liên hệ nào cả về thương mại lẫn xã hội với Liên Xô. Trong khi hiện nay, kim ngạch thương mại Trung-Mỹ là rất lớn, và có đến hơn 250.000 sinh viên Trung Quốc đang học tập tại Mỹ.

Một số nhà phân tích cho rằng Trung Quốc là một "nhà nước xét lại" đang cố gắng thay đổi trật tự thế giới. Tuy nhiên, Trung Quốc hiện nay không giống Đức quốc xã hay Liên Xô hồi thế kỷ trước. Trung Quốc đã được hưởng lợi rất nhiều từ việc gia nhập Ngân hàng phát triển của Nhóm BRICS (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) và thúc đẩy các cơ chế hợp tác quốc tế như Liên hợp quốc, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO)... Ngoài ra, những tiến bộ về xã hội và khoa học công nghệ đã tạo ra những vấn đề mới cho thế giới như biến đổi khí hậu, dịch bệnh, nạn khủng bố, tội phạm có tổ chức và tội phạm công nghệ cao... Những vấn đề này nằm ngoài tầm kiểm soát của các chính phủ, và nó đòi hỏi sự hợp tác giữa Trung Quốc, Mỹ, châu Âu và tất cả các quốc gia khác để có thể đối phó với chúng.

Trung Quốc đang mong muốn đóng vai trò lớn hơn ở khu vực Đông Á, trong khi Mỹ vẫn đang có những đồng minh thân cận ở châu Á. Những tính toán sai lầm là hoàn toàn có thể, nhưng khả năng xảy ra xung đột là rất thấp. Sức mạnh của Trung Quốc phụ thuộc rất lớn vào tốc độ phát triển kinh tế, và các nhà lãnh đạo trên thế giới đều hiểu rằng còn phải mất nhiều thập kỷ nữa Trung Quốc mới có thể bắt kịp sức mạnh kinh tế của Mỹ. Xét về cả sức mạnh quân sự, kinh tế và sức mạnh mềm trên toàn cầu, Mỹ đều vẫn đang vượt xa Trung Quốc.

Khái niệm "mối quan hệ kiểu mới giữa các nước lớn" sẽ được áp dụng thành công nếu Mỹ không áp dụng chiến lược kiềm chế Trung Quốc, trong khi Trung Quốc phải chấp nhận sự hiện diện và vai trò to lớn của Mỹ tại khu vực phía Tây Thái Bình Dương. Tuy nhiên, liệu Mỹ và Trung Quốc có chấp nhận những điều kiện này hay không thì vẫn còn là một câu hỏi. Những sai phạm trong tính toán và chính sách luôn có thể xảy ra. Nhưng nếu hai nước đưa ra lựa chọn đúng đắn, khi đó xung đột sẽ rất khó xảy ra.

Theo “Chinausfocus” (ngày 10/3)

Mỹ Anh (gt)