Nền kinh tế Ôxtrâylia đã nhận được chất xúc tác trong một thập niên qua nhờ việc bán hàng hóa cho Trung Quốc và các cường quốc châu Á khác. Ôxtrâylia có may mắn được hưởng một liên minh thân thiết với cường quốc đứng đầu thế giới là Mỹ cũng như các quan hệ kinh tế sâu sắc với siêu cường đang nổi lên là Trung Quốc. Tuy nhiên, vị trí giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ ngày càng thử thách Ôxtrâylia khi mà Canbơrơ thấy mình bị giằng co bởi sự cạnh tranh chiến lược ngày càng tăng giữa Oasinhtơn và Bắc Kinh. Lần đầu tiên trong lịch sử của mình, đối tác kinh tế hàng đầu của Ôxtrâylia không phải là đồng minh thân cận nhất, mà là bên thách thức đang nổi lên đối với đồng minh thân cận nhất của Canbơrơ. Những ngày mà Ôxtrâylia có được những lựa chọn chiến lược dễ dàng và một môi trường an ninh bên ngoài ôn hòa đang kết thúc. 

Những nước trong vị trí của Ôxtrâylia có một vài lựa chọn chiến lược. Thứ nhất là xích lại gần hơn với Trung Quốc, xác định vị trí của Ôxtrâylia như là một người bạn của cả cường quốc hàng đầu và cường quốc đang nổi lên, đồng thời là cầu nối giữa hai bên. Việc đi theo Trung Quốc vào lúc này có lẽ sẽ mang lại cho Ôxtrâylia thiện chí sau này khi Trung Quốc thật sự nổi lên là một siêu cường. Tất nhiên, điều này giả định rằng một nước Trung Quốc ngày càng quyết đoán và theo chủ nghĩa dân tộc sẽ tôn trọng các quyền và lợi ích của nước Ôxtrâylia nhỏ bé hơn. 
Lựa chọn thứ hai là củng cố liên minh của Ôxtrâylia với Mỹ, cơ sở của an ninh Ôxtrâylia trong 6 thập niên qua. Điều này sẽ khiến Ôxtrâylia không lập đội ngũ chống lại Trung Quốc (chính sách ngăn chặn là không thể trong kỷ nguyên hiện đại phụ thuộc lẫn nhau sâu sắc), nhưng sẽ kẹp chặt vào mối quan hệ mà đã phục vụ rất tốt cho Ôxtrâylia, đồng thời phản ánh những giá trị và nhân dân hai nước chia sẻ.

Lựa chọn thứ ba (bổ sung cho lựa chọn thứ hai) sẽ là đa dạng hóa các quan hệ chiến lược của Ôxtrâylia bằng cách mở rộng quan hệ với Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ và Inđônêxia, những nước chia sẻ bản sắc dân chủ và lợi ích của Ôxtrâylia trong việc duy trì một trạng thái cân bằng của châu Á mà vẫn thân thiện với Mỹ. Một chiến lược như vậy sẽ không nhằm vào Trung Quốc, mà sẽ là tiền đề cho việc mở rộng những lựa chọn chiến lược của Ôxtrâylia bằng cách xây dựng những liên minh mới nhằm cung cấp “hàng hóa công” cho an ninh và ổn định - vào thời điểm khi sự phân tán quyền lực khiến cho Mỹ khó khăn hơn để làm như vậy một cách đơn thương độc mã, như đã từng có trong quá khứ. 

Khi thảo luận về những lựa chọn đó, Ôxtrâylia có thể noi theo cách thức mà các quốc gia thân thiện ở châu Á đang làm việc để quản lý sự nổi lên một cách hòa bình của Trung Quốc. Nhật Bản đã củng cố liên minh với Mỹ và mở rộng đáng kể những trách nhiệm của họ trong liên minh này trong những cách thức vượt xa sự bảo vệ lãnh thổ. Sự vươn xa hơn một cách thân thiện của Tôkyô tới Bắc Kinh dưới thời Chính phủ của đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) trong thời kỳ 2009-2010 đã không sản sinh ra những quan hệ nồng ấm hơn. Thay vào đó, sự tôn trọng của Nhật Bản đã khuyến khích Bắc Kinh quấy rối các tàu của Nhật Bản ở trên biển, cắt đứt việc xuất khẩu đất hiếm, và củng cố hơn nữa tuyên bố chủ quyền đối với những hòn đảo tranh chấp. Tôkyô cũng mở rộng các quan hệ chiến lược với Ôxtrâylia, Hàn Quốc và Ấn Độ, củng cố liên minh với Mỹ bằng cách theo đuổi sự hợp tác quân sự với những đối tác quan trọng của Mỹ. 

Hàn Quốc cũng đã xích lại gần hơn nữa với Mỹ, với sự hợp tác liên minh lên tới những tầm cao mới trong vài năm qua. Xơun đã thắt chặt hợp tác quốc phòng với Tôkyô và Niu Đêli, đồng thời theo đuổi các hiệp định thương mại tự do với châu Âu và Mỹ. Các quan chức Hàn Quốc cũng ngày càng nói thẳng hơn về sự ủng hộ của họ đối với những giá trị chung về dân chủ và nhân quyền. Điều này cũng được chứng kiến ở Inđônêxia, quốc gia vừa mới khởi động Diễn đàn Dân chủ Bali nhằm tăng cường sự quản lý tốt và những quyền tự do căn bản trên khắp châu Á. 
Sau nhiều thập niên xa rời, Ấn Độ đã có một sự dịch chuyển mang tính lịch sử hướng tới quan hệ đối tác chiến lược với Mỹ. Các nhà lãnh đạo Ấn Độ hiểu rằng quan hệ đối tác đó với Mỹ có thể cung cấp động lực cho sự phát triển của Ấn Độ và làm chất xúc tác cho sự nổi lên về mặt địa chính trị của nước này. Họ cũng công nhận tầm quan trọng chiến lược của Nhật Bản và đã làm việc với Tôkyô để xây dựng một trục chiến lược và kinh tế mà có thể củng cố sự ổn định Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Ấn Độ cũng đang đầu tư một cách nghiêm túc hơn vào các nước láng giềng Ấn Độ Dương và Đông Nam Á, tự xác định mình là một cường quốc xuyên Á trong khoảng không gian rộng lớn trải dài từ Vịnh Pécxích tới Tây Thái Bình Dương. 

Vậy đâu là những bài học cho Ôxtrâylia? Thứ nhất, các cường quốc châu Á đã làm việc để bù đắp cho sự phụ thuộc kinh tế ngày càng tăng vào Bắc Kinh bằng cách xích lại gần hơn với Mỹ và với nhau. Thứ hai, các nền dân chủ châu Á ngày càng ít xấu hổ hơn khi chỉ rõ rằng sự quản lý tốt trong các nhà nước là một nguồn an ninh trong các nước, và rằng các nền dân chủ có những liên hệ tự nhiên mà sẽ dẫn dắt họ phối hợp gần gũi hơn về an ninh và ngoại giao. Thứ ba, các nước Đông Nam Á đã làm việc để lôi kéo những nước như Ấn Độ và Mỹ vào những thể chế khu vực nhằm ngăn chặn việc những thể chế này trở thành các cơ cấu do Trung Quốc làm trung tâm. Thứ tư, các nước châu Á hiểu rằng sự lãnh đạo của Mỹ là kiên định, và uy thế của Trung Quốc đi kèm với sự nổi lên một cách song song của Ấn Độ và sự thành công của những cường quốc hạng trung như Hàn Quốc và Inđônêxia - tạo ra những lựa chọn chiến lược thích hợp hơn để có phe thắng được Bắc Kinh. 

Thay vì khúm núm, một con đường thực tế hơn đối với người Ôxtrâylia là tin tưởng vào những giá trị cổ vũ cho xã hội nước này; công nhận lợi ích cốt lõi của họ trong một khu vực đa nhánh hơn là tập trung vào Trung Quốc; và biết rõ những người bạn thật sự của mình là ai. 

Ôxtrâylia và Mỹ củng cố liên minh khi Oasinhtơn chuyển trọng tâm sang châu Á. Australia must nurture US relationPhát biểu tại Cuộc đối thoại lãnh đạo Ôxtrâylia-Mỹ, một hội nghị không chính thức nhưng có tính ảnh hưởng cao được tổ chức nhằm củng cố liên minh giữa hai nước, tại thành phố Perth ngày 14/8, Thủ tướng Ôxtrâylia Julia Gillard nhấn mạnh vị trí của Ôxtrâylia trong "Thế kỷ châu Á-Thái Bình Dương" sẽ là thách thức an ninh quốc gia lớn nhất mà Canbơrơ sẽ phải đối mặt trong những năm sắp tới và khẳng định sự ổn định kinh tế của Mỹ mang tính sống còn đối với an ninh trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. 

Theo bà Julia Gillard, tương lai của nền kinh tế Ôxtrâylia phụ thuộc vào việc duy trì sự ổn định chiến lược ở châu Á cũng như sự cởi mở của nước này đối với thương mại và kinh doanh. Ôxtrâylia hiện đang phải đối mặt với những thay đổi chưa có tiền lệ và cũng sẽ cần phải "củng cố, điều chỉnh và nuôi dưỡng" mối quan hệ của mình với Mỹ nhằm vượt qua những tình trạng tiến thoái lưỡng nan khó khăn về chính sách. Khi xã hội toàn cầu biến đổi, khi cán cân quyền lực toàn cầu dịch chuyển thì quan hệ giữa Ôxtrâylia và Mỹ, mặc dù là một liên minh toàn cầu lâu dài, đã nảy sinh thách thức của sự thay đổi. 

Tại Cuộc đối thoại lãnh đạo Ôxtrâylia-Mỹ, với sự tham dự của Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Robert Zoellick và một phái đoàn đông đảo các quan chức chủ chốt của Mỹ gồm cả Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách châu Á-Thái Bình Dương Kurt Campbell, bà Julia Gillard đã nói về việc tăng cường các kế hoạch an ninh quốc gia của Ôxtrâylia và Mỹ, cũng như việc củng cố sự ủng hộ của bà đối với cuộc chiến chống khủng bố. Canbơrơ hiện cũng đang tiến hành xem xét lại việc bố trí lực lượng nhằm bảo đảm Các lực lượng quốc phòng Ôxtrâylia được phân bổ và điều động về mặt địa lý để đáp ứng những thách thức an ninh và chiến lược trong tương lai. Ngoài ra, bà Gillard cho rằng những nỗ lực chung của Ôxtrâylia và Mỹ ở Ápganixtan là một dấu hiệu về sức mạnh của liên minh giữa hai nước. 

Trong bài trả lời phỏng vấn US keeps an eagle eye on Asia tờ "Người Ôxtrâylia" đăng tải ngày 15/8, Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách châu Á-Thái Bình Dương Kurt Campbell cho rằng chính sách đối ngoại của Oasinhtơn cần thoát ra khỏi Trung Đông và hướng tới châu Á-Thái Bình Dương. Ông Kurt Campbell nhìn nhận "một trong những thách thức quan trọng nhất đối với chính sách đối ngoại của Mỹ là thúc đẩy một sự quá độ từ những thách thức trước mắt và gây phiền toái của Trung Đông sang những vấn đề lâu dài và mang tính quan trọng sâu sắc ở châu Á". Kurt Campbell nói rõ rằng điều đó không có nghĩa là Oasinhtơn sẽ sao nhãng những trách nhiệm của họ ở Trung Đông, nhưng những bình luận của ông phản ánh một mong muốn trong khắp Chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama là mở rộng và làm sâu sắc hơn sự can dự của Mỹ ở châu Á. 

Ông Campbell không coi ngoại giao của Mỹ ở châu Á là một cuộc chơi mà thắng lợi của bên này là thất bại của bên kia giữa Oasinhtơn và Bắc Kinh, ông nhận xét rằng Mỹ đang áp dụng nhiều biện pháp nhằm củng cố các cuộc đối thoại trên nhiều cấp độ với Trung Quốc, nhưng đồng thời cũng đang củng cố các quan hệ với những nước láng giềng của Trung Quốc. Ông cho rằng điều mọi người thấy là "một nỗ lực toàn diện (của Mỹ) nhằm đưa Ấn Độ đóng một vai trò lớn hơn ở châu Á", trong khi hồi sinh các quan hệ với ASEAN nói chung trên tư cách là một thể chế và với các thành viên chính của ASEAN như Inđônêxia, Việt Nam và Xinhgapo, đồng thời khôi phục mối quan hệ từng rất quan trọng với Philíppin. 

Bác bỏ quan điểm Mỹ đang suy thoái, Trợ lý Ngoại trưởng Campbell cho rằng những rắc rối về kinh tế của Mỹ, nhất là khi Standard & Poor's (S&P) hạ mức tín dụng của nước này, có nghĩa là ông phải khẳng định một thông điệp cơ bản hơn tới châu Á rằng Mỹ tới châu Á để ở lại và rằng những cam kết an ninh và kinh tế của Oasinhtơn ở châu Á vững mạnh hơn bao giờ hết. Là một người ủng hộ mạnh mẽ cho liên minh Mỹ-Ôxtrâylia, ông Campbell tin rằng liên minh này là một phần trung tâm trong cấu trúc châu Á-Thái Bình Dương, ngày càng trở nên quan trọng đối với cả hai nước và chắc chắn sẽ tiến tới mức độ mật thiết hơn nữa. Theo ông Campbell, Mỹ có những lợi ích chiến lược sâu sắc ở Nam Thái Bình Dương, vùng sân sau của Ôxtrâylia và là nơi mà Trung Quốc đang ngày càng hoạt động tích cực. Ông Campbell cho biết Mỹ nhìn thấy sự gia tăng hoạt động của Trung Quốc ở Nam Thái Bình Dương và hoan nghênh điều đó chừng nào nó mang tính minh bạch và xây dựng. 

Đồn trú lính Mỹ tại Ôxtrâylia - Một kế hoạch quá xa? Defence set to give US greater military accessCác quan chức của Mỹ và Ôxtrâylia đang hoàn tất một loạt thỏa thuận, được ký kết tại Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng - Ngoại giao giữa Mỹ và Ôxtrâylia (AUSMIN) tại San Francisco trong tháng 9/2011, theo đó cho phép các lực lượng Mỹ tiếp cận rộng rãi hơn các căn cứ quân sự của Ôxtrâylia. Một quan chức Mỹ nói với tờ "Người Ôxtrâylia" rằng các lực lượng của Mỹ sẽ không thành lập các căn cứ quân sự mới trên lãnh thổ Ôxtrâylia, nhưng được tiếp cận các căn cứ quân sự cũng như các cơ sở tình báo và bảo dưỡng của nước này. Hai bên sẽ gia tăng hợp tác quân sự đáng kể, bao gồm việc tăng cường tần suất các chuyến thăm của tàu chiến, máy bay và binh sĩ Mỹ tới Ôxtrâylia, đồng thời tổ chức tập trận thường xuyên tại nước này. 

Việc Mỹ tăng cường tiếp cận các cơ sở quân sự tại Ôxtrâylia là một đặc điểm quan trọng trong kế hoạch đánh giá bố trí lực lượng toàn cầu của Chính quyền Barack Obama. Ôxtrâylia được coi là nơi tốt nhất để các lực lượng Mỹ đối phó với các mối đe dọa và những tình huống không chắc chắn trong tương lai, trong đó có sự gia tăng sức mạnh quân sự của Trung Quốc tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Bộ trưởng Quốc phòng Ôxtrâylia Stephen Smith đã chỉ thị tiến hành một kế hoạch tương tự nhằm xác định địa điểm tái bố trí các lực lượng vũ trang của Ôxtrâylia trên lãnh thổ nước này. 

Phát biểu trên các phương tiện truyền thông Ôxtrâylia ngày 8/9, Bộ trưởng Quốc phòng Stephen Smith nói rằng việc gia tăng số lượng các chuyến thăm của binh sĩ Mỹ đến Ôxtrâylia có thể là sự cải cách lớn nhất trong liên minh của hai nước kể từ những năm 1980. Năm ngoái, ông Smith đã loại trừ việc thành lập các doanh trại quân đội của Mỹ ở Ôxtrâylia, nhưng sẽ thảo luận các biện pháp khác để củng cố quan hệ đối tác. 

Trong khi đó, một nghiên cứu mới vừa được Viện Chính sách chiến lược Ôxtrâylia (ASPI) công bố cho thấy việc đồn trú một số lượng đáng kể các binh sĩ Mỹ trên lãnh thổ Ôxtrâylia có thể là một bước tiến quá xa trong giai đoạn này. Bất kỳ sự gia tăng hiện diện nào của Mỹ ở Ôxtrâylia đều có thể liên quan đến những yếu tố trong các hạm đội Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương của Mỹ cộng với máy bay tuần tra biển, luân phiên từ Darwin và Fremantle cũng như những vùng lãnh thổ ngoài khơi như các đảo Christmas và Cocos. 

Trong nghiên cứu này Whither US forces? US military presence in the Asia-Pacific and the implications for Australia nhà phân tích Andrew Davies của ASPI cùng chuyên gia Benjamin Schreer từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc phòng thuộc Đại học Quốc gia Ôxtrâylia (ANU) nhận xét hội nghị AUSMIN tại San Francisco diễn ra đúng vào lúc Mỹ đang đánh giá lại chính sách chiến lược và sự bố trí lực lượng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Ôxtrâylia ngày càng được Chính phủ Mỹ coi là một địa điểm mà từ đó có thể triển khai lực lượng vào khu vực này. 

Tại hội nghị AUSMIN năm 2010, Ôxtrâylia và Mỹ đã đồng ý thành lập một nhóm làm việc chung nhằm xem xét những khả năng cho việc Mỹ tăng cường sử dụng các cơ sở của Ôxtrâylia. Nghiên cứu của ASPI cho rằng Mỹ sẽ tìm cách đa dạng hóa sự bố trí lực lượng trên khắp châu Á, với Ôxtrâylia được coi là một đồng minh kiên định. Về cơ bản, có hai sự lựa chọn cho việc gia tăng sự hiện diện của các lực lượng Mỹ ở Ôxtrâylia, đó là đồn trú cố định hoặc thông qua các thỏa thuận cho phép sự tiếp cận không thường xuyên đối với các cơ sở của Ôxtrâylia, với những dàn xếp hỗ trợ đối với các tàu chiến, máy bay và nhân viên để triển khai tạm thời cho những chiến dịch trong khu vực gần đó.

Nghiên cứu cho rằng không giống như việc đưa máy bay hoặc tàu chiến ra vào, việc đồn trú nhân viên có một tác động sâu sắc hơn nhiều đối với các cộng đồng địa phương. Vì lý do đó, điều này có thể là một bước tiến quá xa vào thời điểm hiện tại. Theo nghiên cứu này, việc đồn trú các máy bay, tàu chiến hoặc nhân viên của Mỹ ở Ôxtrâylia, bất kể cố định hay luân phiên, có thể gây ra những khó khăn cho Chính phủ trong tương lai của Ôxtrâylia.

Nếu Mỹ đưa những lực lượng đó tham gia các hoạt động mà Ôxtrâylia đánh giá là không thuộc những lợi ích của chính nước này, thì Ôxtrâylia dù sao cũng phải có một đóng góp rất rõ ràng cho những chiến dịch đó. Trong trường hợp các chiến dịch của Mỹ chống lại những lợi ích của Trung Quốc, điều đó sẽ khiến cho việc lựa chọn trên trở nên rất dứt khoát. Tuy nhiên, đó chỉ là cuộc tranh luận về ý nghĩa, vì Ôxtrâylia đã có những cơ sở chung và là một đồng minh thân cận của Mỹ. Do Ôxtrâylia đã thật sự ở trong phe của Mỹ, nên cuộc tranh luận về việc tăng cường sự hiện diện quân sự của Mỹ ở nước này thực chất là về việc gia tăng một cam kết đã tồn tại từ trước./.

Viết Tuấn (gt)