Căng thẳng ở Biển Đông đã đến mức nhắc đến căng thẳng này cũng trở thành vấn đề. Khi ASEAN tại cuộc họp các NT ở Naypyidaw (Myanmar) vừa qua ra tuyên bố chung, đề cập đến “căng thẳng gia tăng”, nhiều người đã xem đây là một thắng lợi ngoại giao của Mỹ.

Mỹ coi việc đưa cụm từ này vào tuyên bố là tín hiệu cho thấy ASEAN đã sẵn sàng hơn để hình thành mặt trận đoàn kết chống lại sự hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông. Một quan chức Mỹ cho rằng Trung Quốc “đã cảm thấy sức nóng của tình hình”. Nhưng cho dù Trung Quốc có quan ngại trước sự phản kháng ở khu vực thì chắc chắn họ cũng không để lộ ra ngoài.

Cử chỉ duy nhất có thể được coi là sự nhượng bộ của Trung Quốc là khi nước này rút giàn khoan khỏi vùng biển mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền trước thời hạn một tháng. Tuy nhiên, Trung Quốc tuyên bố họ rút vì đã đạt mục đích đề ra. Động cơ thực tế có thể là để tránh mùa bão.

Trong khi đó, các hoạt động khác của Trung Quốc vẫn không dừng lại. Họ đã tiến hành nạo vét gần Hoàng Sa, và tuyên bố kế hoạch xây 5 ngọn hải đăng, trong đó ít nhất có hai chiếc ở các đảo tranh chấp với Việt Nam. Họ cũng tiến hành mở rộng các bãi tranh chấp với Philippines thành đảo nhân tạo. Và trước thềm ARF, Trung Quốc đã khước từ những lời kêu gọi tạm ngừng hoạt động xây dựng.

Trên thực tế, nội dung giữ nguyên trạng khu vực tranh chấp đã có từ 2002 khi Trung Quốc và ASEAN ký DOC. Sau 9 năm, để chứng minh rằng tuyên bố này không phải là vô nghĩa, hai bên nhất trí thông qua “hướng dẫn” thực thi DOC. Tuy nhiên các thỏa thuận này có thể được diễn giải là cho phép mở rộng các công trình sẵn có, và Trung Quốc kiên trì cho rằng mình có quyền xây dựng trên vùng đất mà nước này xem là lãnh thổ của mình. Hệ quả là vùng biển này đã vào mùa xây dựng và các đảo, đá đã biến thành những trại lính nhỏ. Philippines đang nâng cấp đường băng trên một đảo thuộc Trường Sa, trong khi Đài Loan đang xây cầu cảng mới tại đảo Ba Bình.

Hiện các bên vẫn đang thảo luận về Bộ Quy tắc Ứng xử (COC), nhưng không có gì cho thấy Trung Quốc sẽ sẵn lòng chấp nhận những ràng buộc pháp lý. Thậm chí, giải pháp cho các tranh chấp chồng chéo này có vẻ ngày càng xa vời khi Trung Quốc ngày càng nỗ lực thay đổi hiện trạng trên thực địa.

Khó mà tìm ra diễn đàn phù hợp để giải quyết tranh chấp này. Philippines đã kiện đường chín đoạn của Trung Quốc lên Tòa án Luật biển. Nhưng kể cả khi phán quyết của tòa phủ nhận tính pháp lý của yêu sách này, Trung Quốc cũng sẽ phớt lờ nó. Và Luật Biển không thể giải quyết tranh chấp chủ quyền. Trung Quốc muốn xử lý song phương, trong khi các bên tranh chấp khác muốn dựa vào ASEAN. Nhưng phần lớn các thành viên ASEAN không muốn trực tiếp đối đầu với Trung Quốc, và đã cứng rắn hơn, trong tuyên bố vừa qua các Ngoại trưởng ASEAN vẫn chưa dám chỉ đích danh Trung Quốc là nguyên nhân gây căng thẳng.

Các cơ chế an ninh khu vực như ARF, ADMM+ và EAS đều thiếu sức mạnh ràng buộc và hiệu quả. Còn Đối thoại Shangri-La năm nay đã thành cuộc đấu khẩu giữa Trung Quốc và các đối thủ.

Về phần Mỹ, mặc dù bị Trung Quốc cáo buộc là phóng đại căng thẳng, nhưng có những lúc hình như Mỹ lại hành động ngược lại - hạ thấp nguy cơ ở khu vực và cho rằng Trung Quốc “đã cảm thấy sức nóng”. Sức nóng này, nếu có, cũng không hề có tác dụng răn đe, vì Trung Quốc không hề phải trả giá cho những hành vi bắt nạt của mình. Mọi phản đối ngoại giao đều vô hiệu. Và có lẽ Trung Quốc đã đúng khi cho rằng Mỹ và nhất là ASEAN khó lòng có hành động quyết liệt hơn.

Theo The Economist

Trần Quang (gt)