Tại Trung Quốc, đảng Cộng sản cầm quyền vừa có tân Tổng Bí thư là Tập Cận Bình, người sẽ kế nhiệm ông Hồ Cẩm Đào làm Chủ tịch nước vào tháng 3/2013. Ở Mỹ, Tổng thống Barack Obama đã tái đắc cử trong cuộc bầu cử tổng thống hồi đầu tháng này và đang trong quá trình tái cơ cấu các vị trị chủ chốt trong nội các. Còn tại Nhật Bản, Thủ tướng Yoshihiko Noda đã giải tán Hạ viện hồi tuần trước, mở đường cho một cuộc bầu cử diễn ra vào tháng tới, sự kiện mà gần như chắc chắn Đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) của ông này sẽ thất bại, cho phép sự trở lại đỉnh cao quyền lực của Đảng Dân chủ Tự do (LDP) do cựu Thủ tướng bảo thủ Shinzo Abe dẫn dắt.

Các vị trí ngoại giao hàng đầu ở cả Trung Quốc và Mỹ hiện vẫn chưa được quyết định chính thức. Trong khi danh sách ban lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc đã được phê chuẩn, hiện vẫn chưa rõ ai sẽ thay thế Ủy viên Quốc Vụ viện Đới Bình Quốc (nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc) và Ngoại trưởng Dương Khiết Trì. Ông Đới Bỉnh Quốc (71 tuổi) và ông Dương Khiết Trì (62 tuổi) đều là những nhà ngoại giao chuyên nghiệp, sẽ rời nhiệm vào tháng 3/2012. Có đồn đoán rằng Thứ trưởng Ngoại giao Trương Chí Quân sẽ thay ông Dương Khiết Trì làm Ngoại trưởng, và ông Đới Bỉnh Quốc sẽ được thay thế bằng ông Vương Hộ Ninh, người vừa được tấn thăng vào Bộ Chính trị, hoặc Cát Bính Hiên - Bí thư Tỉnh ủy Hắc Long Giang.

Giáo sư Thời Ân Hoằng, chuyên gia về quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân (Bắc Kinh), nói rằng chính quyền Trung Quốc hiện nay sẽ hết nhiệm vào tháng 3/2012, nên các nhà lãnh đạo hiện nay không thể thực hiện những kế hoạch lâu dài thay cho chính quyền sắp tới.

Nhận định về quan hệ Trung-Mỹ sắp tới, ông Kim Xán Vinh - chuyên gia về Mỹ thuộc Đại học Nhân dân - nói rằng cả Mỹ và Trung Quốc sẽ tìm cách ngăn chặn, không để cho những tranh cãi song phương leo thang, mà thay vào đó, họ sẽ giữ yên lặng.

Với việc Tổng thống Obama tái đắc cử, các chuyên gia dự đoán Oasinhtơn sẽ tiếp tục thực hiện các chính sách với Trung Quốc hiện nay. Ở Trung Quốc, cách tiếp cận của Tập Cận Bình dự kiến sẽ không thay đổi nhiều so với những người tiền nhiệm, mặc dù nhà lãnh đạo này có vẻ như quyết đoán hơn, đặc biệt là trong các vấn đề liên quan đến chủ quyền. Chuyên gia Trần Hiểu Đông nhận định ông Tập Cận Bình sẽ “nhấn mạnh sự phát triển của Trung Quốc là phát triển hòa bình, song cũng chuyển đi một thông điệp là Trung Quốc sẽ không yếu đuối”.

Các chuyên gia phân tích cho rằng quan hệ giữa Trung Quốc và Nhật Bản sẽ phức tạp hơn. Dương Hi Vũ, chuyên gia nghiên cứu kỳ cựu thuộc Viện Nghiên cứu Quan hệ Quốc tế Trung Quốc, cho rằng quan hệ Trung-Nhật sẽ bước vào một giai đoạn “trống rỗng”. Theo chuyên gia này, cả Trung Quốc và Nhật Bản sẽ không có động thái ngoại giao lớn nào gây ảnh hưởng đến các mối quan hệ song phương cho tới sau cuộc bầu cử ở Nhật Bản.
Các cuộc thăm dò ý kiến do truyền thông Nhật Bản tiến hành cho thấy LDP có thể giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sắp tới, nhưng đối mặt với viễn cảnh phải thành lập một chính phủ liên minh với các đảng phái chính trị khác, gây ra những bất định cho chính trị Nhật Bản và các mối quan hệ Trung-Nhật.

Trần Hiểu Đông, Phó Chủ tịch Viện Nghiên cứu Quốc tế Thượng Hải, cho rằng cho dù LDP có giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sắp tới hay không, Nhật Bản vẫn đang đi đúng hướng và điều đó đã gây ra một phản ứng cấp tiến trong giới chính trị Trung Quốc. Theo ông Trần Hiểu Đông, nếu quay lại làm Thủ tướng Nhật Bản, ông Abe có thể sẽ thông qua các biện pháp mang tính thực tiễn hơn, và nỗ lực ngăn chặn tình trạng xuống cấp trong quan hệ với Trung Quốc. Tuy nhiên, Bắc Kinh vẫn có những quan ngại về bối cảnh chính trị ở Nhật Bản.

Theo South China Morning Post

Văn Cường (gt)