Bộ trưởng quốc phòng các nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã kết thúc ba ngày họp tại Xinhgapo bàn về việc làm thế nào để giảm bớt nguy cơ chiến tranh trong khu vực. Theo nhận định của Hãng Truyền thông Quốc gia Ôxtrâylia (ABC) ngày 7/6, mặc dù có sự tham dự của gần 2.000 đại biểu đến từ 28 nước, song tiếng nói của hai nhân vật được quan tâm nhất trong đối thoại Shangri-La lần thứ 10 kết thúc vào ngày 5/6 ở Xinhgapo chính là Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates và Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt.

Bộ trưởng Quốc phòng sắp mãn nhiệm Robert Gates đã có bài phát biểu từ biệt, cam kết quân đội Mỹ sẽ tăng cường sự hiện diện tại châu Á nhằm "đảm bảo an ninh, chủ quyền và tự do cho các đối tác và đồng minh của Mỹ trong khu vực". Đây cũng là lời trấn an các đồng minh thân cận đang quan ngại rằng Mỹ sẽ thu hẹp sự hiện diện của nước này trong khu vực.

Lập trường của Mỹ dường như mâu thuẫn với Bắc Kinh khi ông Lương Quang Liệt kêu gọi sự cân bằng chiến lược mới ở châu Á, với việc tất cả các nước được đối xử một cách bình đẳng. Ông Lương Quang Liệt cũng khuyến cáo các nước không nên thiết lập liên minh chống lại Trung Quốc trong vấn đề tranh chấp lãnh hải, mà điển hình gần đây nhất là vụ việc xảy ra giữa Trung Quốc và Việt Nam tại Biển Đông. Khác với những năm trước đây khi tham gia các diễn đàn an ninh khu vực, Trung Quốc chỉ cử một số quan chức quân sự cấp thấp tham dự, năm nay lần đầu tiên Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc dẫn đầu đoàn đại biểu hùng hậu từ Bắc Kinh đến dự hội nghị.

Đáp lại lời ông Lương Quang Liệt, Bộ trưởng Quốc phòng Ôxtrâylia Stephen Smith cho rằng các liên minh thành lập dựa trên cơ sở công lý cũng như sự hợp tác vì lợi ích chung của các nước chứ không vì mục đích chống lại một quốc gia cụ thể nào. Theo ông Smith, việc giải quyết các tranh chấp lãnh hải đòi hỏi sự tôn trọng pháp luật và chủ quyền của các quốc gia.

Hiện nay có ý kiến quan ngại cho rằng tương lai an ninh châu Á chủ yếu phụ thuộc vào quyết định của các nước nhỏ trong việc lựa chọn là đồng minh với Mỹ hay với Trung Quốc. Nhà báo Gavin Fang của ABC, người đã có mặt tại Đối thoại Shangri-La, cho rằng thông điệp đưa ra từ hai nhân vật có tiếng nói nhất trong cuộc đối thoại rõ ràng rất khác biệt. Nó đã phác thảo ra hai bức tranh tương phản về tương lai an ninh và quân sự châu Á. Vì vậy, một số nước trong khu vực đã tìm cách giải quyết vấn đề an ninh quân sự bằng đối thoại đa phương.

Tuy nhiên, bên cạnh việc dựa vào đồng minh là các cường quốc trong lĩnh vực an ninh quân sự thì các nước nhỏ cũng "tự thân vận động". Điển hình là khá nhiều nước Đông Nam Á như Việt Nam, In-đô-nê-xia, Ma-lai-xia, Xinh-ga-po và Thái Lan hiện đang đầu tư đáng kể cho không quân và hải quân. Điều đó làm dấy lên mối quan ngại rằng liệu việc tăng cường trang bị vũ khí và sức mạnh quân sự có góp phần khiến cho khu vực này trở nên ổn định hơn hay càng làm gia tăng căng thẳng giữa các quốc gia.

Theo nhà báo Gavin Fang, việc tăng cường sức mạnh quân sự là điều không mấy ngạc nhiên khi nền kinh tế của các nước trong khu vực ngày càng phát triển. Tuy nhiên, điều đáng nói là mặc dù các quốc gia đó đều nhấn mạnh khía cạnh hợp tác đa phương song dường như tất cả lại đang bước vào một cuộc chạy đua vũ trang. Chính vì vậy, ông Fang cho rằng Đối thoại Shangri-La là cơ hội tốt để các nước trong khu vực cùng thảo luận mục tiêu quân sự của mình.

  Theo Radioaustralia

 Hương Trà (gt)