Những hành động của Mỹ trong vài tháng trở lại đây đã khiến Moskva và Bắc Kinh vô cùng giận dữ, cho rằng Chính quyền Washington đang tìm cách kích động bất ổn và tiến hành các hoạt động bất hợp pháp trong khu vực. Trong khi đó, giới lãnh đạo quân sự Mỹ khẳng định các chiến dịch tuần tra để bảo vệ tự do hàng hải và hàng không (FONOP) trong khu vực là hoàn toàn bình thường. Washington cho biết sẽ tiếp tục triển khai thêm các hoạt động tương tự, và thậm chí là với cường độ cao hơn trong thời gian tới.

Những chỉ trích nặng lời liên tục gia tăng từ phía Nga và Trung Quốc trên thực tế đang phản ánh những nỗ lực của hai quốc gia này nhằm giành ưu thế về mặt quân sự tại một khu vực ngày càng nhộn nhịp và có nhiều sự cạnh tranh trong khu vực. Những diễn biến này khiến ngòi lửa xung đột có thể bùng phát bất kỳ lúc nào, nhất là khi lãnh đạo 2 nước và Mỹ không ngừng “vờn nhau” bằng các hoạt động ngoại giao và quân sự. Derek Chollet, cựu trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng phụ trách các vấn đề quốc tế, và hiện là cố vấn cấp cao tại Quỹ Marshall Đức, nói: “Chúng ta đang đối mặt với rất nhiều thách thức từ phía Trung Quốc, Iran và Nga. Những hành vi thiếu thận trọng của họ buộc các nhà hoạch định chính sách phải cân nhắc mức độ và thời điểm tiến hành các biện pháp chống đỡ cho phù hợp… Chúng tôi ủng hộ tự do hàng hải và tôn trọng các luật lệ. Nói cách khác, chúng tôi phản đối các hành động vi phạm và coi thường luật pháp”. Trong khi đó, Đô đốc John Richardson, Chỉ huy trưởng các chiến dịch hải quân, nói rằng lần đầu tiên trong vòng 25 năm qua, Mỹ đang phải đối mặt với một cuộc cạnh tranh giành ưu thế trên biển khi cả Trung Quốc và Nga đều tích cực củng cố lực lượng hải quân.

Hoạt động xây dựng đảo của Trung Quốc ở Biển Đông đã kích động căng thẳng trong khu vực, làm bùng phát mâu thuẫn với các quốc gia có tuyên bố chủ quyền chồng lấn. Đa số lo sợ rằng Bắc Kinh sẽ sử dụng các đường băng đã xây dựng và hệ thống vũ khí được lắp đặt trên những hòn đảo nhân tạo này để bành trướng hơn nữa về mặt quân sự, và thậm chí là có thể giành quyền kiểm soát ở vùng biển này. Trong suốt 7 tháng qua, tàu chiến Mỹ đã 3 lần cố tình tiến sát 1 trong số các hòn đảo nhân tạo của Trung Quốc để thực thi quyền tự do hàng hải trong khu vực, đồng thời thách thức các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc. Đáp lại, Trung Quốc đã triển khai máy bay chiến đấu và tàu chiến tới để giám sát và cảnh cáo tàu của Mỹ, đồng thời cáo buộc Washington có hành vi khiêu khích.

Trong năm nay, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã cùng báo giới 2 lần lên thăm các tàu sân bay của Mỹ đang neo đậu ở Biển Đông. Hành động này được cho là nhằm khẳng định Mỹ sẽ không bao giờ khoan nhượng trước các vấn đề liên quan tới quyền tự do hàng hải. Bộ trưởng Carter cũng sẽ tham dự Đối thoại Sharing-La tại Singapore trong tuần này. Trong bài phát biểu trước các sinh viên tốt nghiệp tại Học viện Hải quân Mỹ, Bộ trưởng Carter nói: “Trung Quốc đã có những hành động bành trướng và khó lường tại Biển Đông, đưa ra những tuyên bố chủ quyền biển phi lý đi ngược lại luật pháp quốc tế… Kết quả là những hành động của Trung Quốc có thể sẽ tạo nên một ‘Vạn lý Trường thành’ cô lập chính họ, khi các quốc gia trong khu vực- từ đồng minh, đối tác và kể cả những nước không đồng tình với họ- cùng nhau công khai hay kín đáo bày tỏ quan ngại của mình ở những mức độ gay gắt nhất”.

Tương tự như Trung Quốc, tháng 4 vừa qua, Nga đã triển khai máy bay tấn công tới "làm phiền" tàu chiến Mỹ khi tàu này đang hoạt động trong vùng biển quốc tế ở Baltic. Tuần trước Moskva cũng lên tiếng phản đối việc Mỹ tiến hành chuyến bay tuần tra ở Biển Nhật Bản. Tuy nhiên, Mỹ khẳng định sứ mệnh của họ là nhấn mạnh quyền được tự do di chuyển trong khu vực quốc tế, đồng thời Washington có trách nhiệm phải ngăn chặn mọi nỗ lực của các quốc gia nhằm mở rộng biên giới hoặc chủ quyền phi pháp. Ông Richardson trả lời phỏng vấn của AP: “Chúng ta có thể ủng hộ (quyền tự do hàng hải và hàng không) mạnh mẽ hơn nữa, và để làm được điều này, chúng ta cần phải làm nhiều hơn để thể hiện rõ sự ủng hộ của mình. Chúng ta hoàn toàn có thể ủng hộ (Mỹ) tiến hành thường xuyên hơn các cuộc tuần tra”. Ông cho rằng Mỹ đang thiết lập nên một quy phạm gồm những “hoạt động và phản ứng bình thường kiểu mới”, trong bối cảnh Nga và Trung Quốc “quay trở lại cuộc cạnh tranh giành vị thế cường quốc”.

Cũng theo ông Richardson, mỗi năm Mỹ tiến hành tới hàng trăm cuộc tuần tra bảo vệ tự do hàng hải ở nhiều khu vực, kể cả các sân sau của các quốc gia đồng minh và kẻ thù. Ông nói: “Mặc dù Biển Đông đang hứng chịu một cơn bão cực lớn, song mọi chuyện cần được xem xét trong bối cảnh cụ thể… Chúng tôi tiến hành các hoạt động này ở khắp mọi nơi trên thế giới để phản đối các tuyên bố phi lý và bành trướng”. Giới chức Mỹ cho rằng các quốc gia chỉ thực sự quan tâm tới các hoạt động FONOP của Mỹ sau khi Lầu Năm Góc công bố báo cáo thường niên năm 2015. Theo văn bản này, trong tài khóa tính tới 30/9/2015, Mỹ đã chính thức tiến hành các cuộc tuần tra bảo vệ quyền tự do hàng hải để thách thức các tuyên bố chủ quyền phi lý của tổng cộng 13 quốc gia.

Theo AP

Văn Cường (gt)