Mối quan tâm tăng lên đối với hải quân có thể cảm nhận được từ các hành lang của tòa nhà chính phủ Mỹ ở Washington tới các khu vực săn đuổi cướp biển ngoài khơi châu Phi hay các xưởng đóng tàu ở châu Á. Đô đốc Gary Roughead, nguyên Tham mưu trưởng Hải quân Mỹ, nói: "Chúng ta sẽ thấy có sự chú trọng lớn hơn rất nhiều vào việc sử dụng các lực lượng trên biển để tạo nên hiệu quả. Điều đó có thể thấy ở Địa Trung Hải, trong vấn đề Syria, ở Thái Bình Dương và Trung Đông".

Tháng trước, Ấn Độ đã hạ thủy tàu sân bay tự đóng đầu tiên của mình và hàng chục tàu như vậy sẽ được hoàn thành trên khắp thế giới vào thập kỷ tới, trong đó có hai tàu Gerald R. Ford loại lớn của Mỹ, hai tàu của Anh, 1 tàu của Nga tân trang lại cho Ấn Độ và ít nhất là 1 chiếc do Trung Quốc tự đóng.

Công ty tư vấn AMI International đóng tại Mỹ dự tính khoảng 800 tỷ USD sẽ được chi vào các chương trình hải quân trong hai thập kỷ tới, 1/4 trong số đó là ở châu Á - khu vực đã vượt châu Âu đang gặp khủng hoảng trở thành thị trường hải quân lớn thứ hai trên thế giới sau Bắc Mỹ.

Trong ngân sách dành cho năm 2014 công bố hồi tháng 4, Hải quân Mỹ đã vượt lên giành được khoản ngân sách lớn nhất trong số 3 quân chủng. Lầu Năm Góc đã đề xuất khoản tiền 155 tỷ USD cho Hải quân, suýt soát 30 % tổng ngân sách tiêu chuẩn 527 tỷ USD, trong đó không bao gồm ngân sách khẩn cấp cho vấn đề Iraq và Afghanistan.

Con số này cũng không bao gồm những cắt giảm ngân sách tự động mà theo Hải quân khiến họ mất đứt 10% so với ngân sách đề xuất cho năm 2014 nếu Quốc hội không thể thông qua một thỏa thuận nhằm khắc phục sự thâm hụt ngân sách của Mỹ. Washington đang đưa tàu từ Đại Tây Dương tới Thái Bình Dương, một phần là nhằm đối trọng với Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLAN) - lực lượng đang có mức tăng ngân sách hai con số trong những năm gần đây.

Trung Quốc bắt đầu vận hành chiếc tàu sân bay thời Liên Xô trước đây của mình vào cuối năm ngoái, dù họ nói rằng nó chưa thể vận hành hoàn toàn. Nước này cũng đang đóng các loại tàu ngầm, tàu tuần tra và tàu chiến khác. Hồi tháng 9, ngành công nghiệp đóng tàu Trung Quốc được nhà nước trợ cấp đã công bố kế hoạch huy động 1,4 tỷ USD qua việc bán cổ phần để mua các vật liệu cho việc đóng tàu chiến. Đây là lần đầu tiên Bắc Kinh tận dụng thị trường vốn để huy động kinh phí cho phát triển quân sự.

Các nước lân cận, nhất là những nước đang có tranh chấp lãnh hải với Trung Quốc, lo ngại và đang tìm cách nâng cấp mọi thứ từ rađa tới tên lửa và ngư lôi.

Năm tới, Nhật Bản sẽ có mức tăng chi phí quốc phòng lớn nhất trong vòng 22 năm qua cho việc mua tàu tuần tra, trực thăng và xây dựng lực lượng cảnh sát biển. Australia đang tăng cường cho lực lượng hải quân bằng các tàu tấn công mới trong khi Việt Nam mua tàu ngầm của Nga. Philippines đang ra sức củng cố lực lượng từng có lúc sắp hấp hối của mình, mua thêm 2 tàu tuần tra ven biển cũ của Mỹ, các tàu tuần tra của Nhật và một tàu chiến cũ của Pháp.

Sức mạnh tấn công từ biển của Mỹ vẫn chưa có đối thủ nhờ nước này sở hữu 10 tàu hàng không mẫu hạm, chiếm trên nửa tổng số trên khắp thế giới. Năm tàu khu trục hải quân Mỹ và một số lượng không xác định các tàu ngầm vẫn đang nằm ở ngoài khơi Syria, sẵn sàng thực hiện lời đe dọa tấn công bằng tên lửa nếu thỏa thuận Nga-Mỹ về việc kiểm soát vũ khí hóa học của Syria bị thất bại.

Tuy nhiên, nếu việc cắt giảm ngân sách tự động kéo dài nhiều năm, Hải quân Mỹ cho biết họ sẽ phải giảm bớt 38 tàu và có thể phải cân nhắc việc giảm số hạm đội tàu sân bay xuống còn 8 hoặc 9.

Ở vùng Vịnh, lo ngại trước các đội tàu nhỏ của Iran và việc Mỹ giảm bớt sự hiện diện thường trực của các tàu sân bay, Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất đã mua và đóng nhiều tàu tuần tiễu. 

Xét về số lượng tàu, nhiều hạm đội ở châu Âu, trong đó có Hải quân Hoàng gia Anh - từng là lực lượng hải quân thiện chiến của thế giới, giờ có số lượng tàu ít nhất trong hàng trăm năm qua. Nước Anh trong 3 năm vừa qua không có tàu sân bay nào hoạt động.

Tuy bị thu nhỏ song hải quân châu Âu vẫn mạnh. Tây Ban Nha, Pháp và Italy đều đóng tàu sân bay mới từ năm 2000, trong đó Pháp và Italy đã sử dụng chúng trong cuộc chiến tại Libya năm 2011.

Theo Hải quân Hoàng gia Anh, tàu sân bay lớp Queen Elizabeth, với chiếc đầu tiên dự kiến hạ thủy năm 2014, sẽ có nhiều tính năng hơn mặc dù thiếu các máy bay phản lực Lockheed Martin F-35 trong ít nhất là 3 năm đầu tiên. Tới năm 2022, ngân sách hải quân sẽ được tăng tới 46% trong tổng ngân sách dành cho các thiết bị quốc phòng của Anh. Đô đốc Hải quân Anh George Zambellas nói: "Điều này thể hiện sự phục hưng của Hải quân. Hải quân đang trở lại làm nhiệm vụ". 

Theo Reuters.

Thuỳ Anh (gt)